• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triệt tận gốc việc ‘ép chín’

Thời sự 26/03/2013 11:46

(Toquoc)- Để “triệt” tận gốc việc dạy trước lớp 1, tới đây Bộ GD- ĐT sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học

(Toquoc)- Để “triệt” tận gốc việc dạy trước lớp 1, tới đây Bộ GD- ĐT sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học

Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ học kỳ hai, vấn đề dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 lại được hâm nóng. Không chỉ ở các thành phố lớn mà tình trạng này bắt đầu len về các tỉnh lẻ.

Tại cuộc gặp mặt báo chí về dạy thêm cho trẻ trước lớp 1 chiều 25/3,  một lần nữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định  học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học.

Không được “ép chín”

Theo phân tích của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT thì trước 6 tuổi, ở mầm non đã có chương trình nuôi dạy riêng phù hợp với lứa tuổi. Trong các chủ đề chơi với đồ vật, trẻ đã được làm quen với các biểu tượng chữ cái và con số từ 1 đến 10.

Còn ở tiểu học, trong hướng dẫn của Bộ, có một tuần trước khi khai giảng, trẻ được làm quen với trường, lớp, chuyển từ “trạng thái” chơi sang học. Đây có thể coi là một tuần chuẩn bị tâm lý, tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Do đó, ông Định khẳng định lại quan điểm của Bộ GD-ĐT việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học và để lại những hậu quả không tốt như:  làm mất sự chuẩn bị của trẻ và phụ huynh trước khi bước vào môi trường học tập mới. Việc luyện chữ trước cũng dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng, gây tâm lý nhận thức không tốt.

Theo phản ảnh của giáo viên thì với những trẻ học trước, ban đầu trẻ có thể hơn các bạn chưa học nhưng càng về sau trẻ càng đuối.  

Việc quan trọng khác nếu người dạy trước không chu đáo, trẻ dễ bị sai trong cách cầm bút, tư thế ngồi dẫn đến sau này rất khó sửa.

Thứ nữa, giả sử người dạy trước đạt được yêu cầu thì việc học sớm vẫn là ép sớm, nhất là hệ cơ, hệ thần kinh của trẻ gây hậu quả về sau.  Đối với trẻ trước 6 tuổi thì điều quan trọng nhất là trẻ thích đến trường, đi học là niềm vui.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn với lớp học gần 60 học sinh như hiện nay ở các thành phố lớn (trong khi chuẩn quy định là 35) thì liệu con em mình có theo kịp?

Theo ông Định, đây là một thực tế ở các thành phố lớn. Bộ cũng kiến nghị với các địa phương từng bước có quy hoạch hợp lý. Nhưng có thể thấy, chương trình tiểu học không có gì nặng.  Hầu hết các trường ở các thành phố lớn đều học 2 buổi/ngày nên dù sĩ số đông nhưng giáo viên vẫn có điều kiện để kèm cặp học sinh. Vào năm học, giáo viên cùng phối hợp với phụ huynh dạy trẻ.

Quan trọng nhất là trẻ đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và các năng lực cần thiết của tiểu học: biết hợp tác với bạn, giao tiếp với bạn, với cô giáo, biết thực hiện các nề nếp…

“Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đưa ra quy định lứa tuổi nào thì học mầm non, lứa tuổi nào thì học tiểu học”.

Sẽ có tiêu chí giáo viên lớp 1

Để giải quyết vấn đề “chín ép” trước lớp 1, ông Phạm Ngọc Định cho biết,  Vụ sẽ phối hợp với vụ giáo dục mầm non thống nhất chỉ đạo không dạy chữ trước trong trường mầm non. Nếu trường mầm non nào dạy chữ ghép vần là sai quy định. Cô giáo tiểu học dạy trước lớp 1 cũng là sai.

Tới đây, Bộ cũng sẽ có công văn tăng cường  công tác quản lý tại các trường tiểu học đối với các cô giáo về dạy thêm, học thêm.

Ngoài ra, để “triệt” tận gốc vấn đề này, tiến tới Bộ cũng sẽ thay đổi cách đánh giá.  Từ năm học 2010-2011, Bộ đã thực hiện đổi mới đánh giá bằng nhận xét, thay vì bằng điểm số ở một số môn học đối với HS tiểu học.

Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thống nhất.

Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ áp dụng cách đánh giá riêng cho HS lớp 1 theo hướng động viên, tạo tâm thế cho các em hứng khởi trong học tập.

Bộ GD-ĐT sẽ cấm giáo viên không được chấm điểm cho HS lớp 1 trong suốt học kỳ 1.

Bộ cũng dự kiến ban hành hướng dẫn các tiêu chí chọn giáo viên lớp 1 để các trường lựa chọn giáo viên cho phù hợp. 

Cũng liên quan đến vấn đề học chữ, nhiều phụ huynh băn khoăn khi nào trẻ học tiếng Anh là tốt? Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định cho biết trong đề án ngoại ngữ quốc gia đến 2020 thì bắt đầu từ lớp 3, Bộ sẽ đưa chương trình tiếng Anh vào tiểu học. Còn nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể cho con em mình học thêm trước đó. Tuy nhiên, đối với học tiếng Anh ở tiểu học thì không nên viết mà chỉ nghe nói.

Mặc dù các giải pháp đã và sẽ được Bộ GD-ĐT đưa ra, nhưng dư luận vẫn không khỏi lo lắng. Bởi phụ huynh cho con học trước lớp 1 không phải ai cũng “kỳ vọng” con mình sẽ trở thành thiên tài mà còn do chính giáo viên. Nhiều giáo viên khi nhận học sinh lớp 1 đã “tự phân loại” học sinh đã học trước và học sinh chưa học. Những học sinh chưa học rất có thể phụ huynh sẽ nhận được lời “phàn nàn” từ giáo viên. Chính vì vậy mà nhiều phụ huynh lo lắng, người đi trước mách người đi sau, trào lưu học trước lớp 1 cứ thế dạy sóng.

Bộ cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhưng “sóng chỉ tạm lắng” chỉ không dừng. Vì vậy, mấu chốt cuối cùng là giải pháp đối với giáo viên. Chính giáo viên là người tạo sức ép lên phụ huynh, không phải ai khác.

Châu Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ