Trình diễn cây Nêu trong Tuần” Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”
Thực hiện: Hoàng Việt | 23/11/2023
(Tổ Quốc) - Sáng 23/11, tại Làng Văn hoá, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra buổi giới thiệu trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống gắn với cây Nêu nằm trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Sự kiện nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Dù bắt đầu từ sáng sớm, nhưng buổi trình diễn cây Nêu đã thu hút lượng lớn những người yêu thích tìm hiểu về văn hoá của các đồng bào dân tộc thiểu số. Tham gia hoạt động có khoảng hơn 200 đồng bào của 15 dân tộc (gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer).
Buổi trình diễn hoạt động trên tinh thần tôn vinh bản sắc, các tín ngưỡng về thần linh, cội nguồn. Tại đây các nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng và đồng bào của 6 dân tộc Thái trắng từ Sơn La, Thái đen từ Lai Châu, Cơ Rông từ Quảng Nam, Mường từ Thanh Hoá, Cơ Tu và Ê-Đê sẽ tái hiện những nghi thức thiêng liêng của dân tộc mình.
Trong văn hoá tín ngưỡng của người Thái đen tại Lai Châu, người dân tin vào Mường Then là nơi thần linh trên cao sinh sống (Then nghĩa là thần linh). Khi có vấn đề về cuộc sống, sức khoẻ dân chúng sẽ tìm đến Mo Then mong muốn sự che trở giúp đỡ từ thần linh. Và khi Mo Then cứu giúp thành công, những người nhận được sự giúp đỡ sẽ được coi là con nuôi của Then.
Thầy cúng Lò Văn Vương sinh năm 1972 (huyện Tân Uyên, Lai Châu) đã bắt đầu công việc từ năm 20 tuổi. Thầy chia sẻ:” Cây Nêu thiêng liêng lắm, đời mỗi người thầy cúng sẽ chỉ dựng được 3,4 cây Nêu, ít nhất 10 năm mới được dựng một lần và phải cứu chữa cho được rất nhiều người mới đủ tư cách để làm lễ”.
Khi thầy cúng đổ bệnh, chính ông phải tự làm lễ Then Kin Pang (Then xuống trần) để nương nhờ thần linh, những con nuôi của Then sẽ lại đến dâng lên những lễ vật để mong thầy cúng khoẻ mạnh để có thể cứu sống được nhiều dân làng hơn. Cây Nêu chính là biểu tượng không thể thiếu trong buổi lễ, được tạo nên từ các vật phẩm đặc trưng của người dân bản địa.
Trên thân cây Nêu treo một loại vật phẩm đặc biệt được làm thủ công tượng trưng cho nơi ở của thần linh (gọi nôm là Hổng May có nghĩa là khung chỉ).
Xôi, gà, hoa tươi, trái cây và rượu được 2 thầy mo (là người giúp việc cho thầy cúng) chuẩn bị cho việc cúng dâng lên mời Then.
Buổi lễ suôn sẻ, thần linh xuống trần vui chơi và che trở cho dân làng, thầy cúng, thầy mo và con nuôi của Then sẽ nhảy múa thật đẹp cùng chung với các vị thần. Bên cạnh buổi trình diễn cây Nêu của đồng bào Thái đen ở Lai Châu, những đoàn dân tộc khác như Ê-đê, Cơ Tu,… cũng có buổi trình diễn đậm đà bản sắc và tạo ra không gian giao lưu văn hoá truyền thống giữa các dân tộc anh em trên toàn quốc.
Một số hoạt động khác như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ (tại Khu các làng dân tộc III, làng dân tộc Khmer); Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Khu các làng dân tộc II, các làng dân tộc Ê Đê, Raglai, CơTu, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai) điểm nhấn tại làng Ê Đê; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (Khu các làng dân tộc I trong đó làng Mường là điểm nhấn) và triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” diễn ra tại Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc. Sự kiễn diễn ra từ ngày 22 - 26/11.