(Tổ Quốc) - Trình diễn múa rồng truyền thống tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận 200 phim âm bản về chiến tranh…là những thông tin văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội trong ngày 30/5.
Trình diễn múa rồng truyền thống tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", tích cực phát huy giá trị di sản trong kích cầu du lịch, trong hai ngày 30 và 31/5, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) tổ chức trình diễn múa rồng truyền thống tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Tham gia chương trình là 60 thành viên, thuộc hai đội múa rồng truyền thống, được tuyển chọn từ hàng chục đội múa của hai huyện Thanh Trì và Chương Mỹ.
Trong hai ngày, các đội trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật, thể hiện tinh thần thượng võ, tinh hoa văn hóa của một trong những bộ môn múa dân gian lâu đời.
Cũng trong dịp này, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn khác, như: Biểu diễn nghệ thuật cải lương, trình diễn võ thuật... nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội cũng như cả nước, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến văn hóa của Thủ đô.
Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
Sáng 30/5, tại 63 Hàm Long đã diễn ra triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (18/4/1920-18/10/2020).
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam, không chỉ được biết đến là người được Bác Hồ chọn làm huy hiệu chính thức cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sử dụng đến ngày nay.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng chính là người đã góp công cùng họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước vẽ đồng tiền riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bấy giờ, tờ tiền 10 đồng đỏ, 10 đồng tím và các mẫu tem năm 1965, 1967, 1970 đều là những tác phẩm khiến người dân càng yêu mến thêm người họa sĩ mang tên Huỳnh Văn Thuận.
Ngày 10/10/1954, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, công tác ở Ban Mỹ thuật Hội Văn nghệ Việt Nam. Việc đầu tiên là ông đã vẽ tranh chân dung Bác Hồ cỡ lớn, có diện tích tới 35m2 để treo trước Nhà hát Lớn Hà Nội ngay những ngày đầu giải phóng Thủ Đô.
Trong quá trình công tác, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng họa sĩ Huỳnh Văn Thuận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Thôn Vĩnh Mốc; Ngày mùa ở Vĩnh Kim; Làm sạch thóc nộp kho; Định canh, định cư; Vết xích xe tăng giặc; Không lời.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến có chất lượng cao, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam cách mạng và hiện đại.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Đây cũng là nén tâm nhang của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ tưởng nhớ ông.
Triển lãm diễn ra đến ngày 5/6.
Tặng 200 phim âm bản về chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Sau thời gian tạm dừng phục vụ khách tham quan vì dịch Covid-19, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mở cửa đón khách trở lại vào sáng 30/5 với hai sự kiện quan trọng.
Đầu tiên là lễ trao tặng hiện vật của phóng viên chiến trường Đỗ Kết. Trong đợt kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), lần đầu tiên, những thước phim âm bản ghi lại khoảnh khắc về phụ nữ Đông Nam Bộ sống, chiến đấu của phóng viên chiến trường Đỗ Kết ra mắt công chúng.
Ông Nguyễn Gia Minh, người được ủy quyền lưu giữ những vật phẩm trên, cùng gia đình phóng viên Đỗ Kết, quyết định tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 200 phim âm bản về kháng chiến chống Mỹ.
Họ mong muốn những bức ảnh về cuộc sống trong chiến tranh đến được với công chúng, góp phần tri ân những con người đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đỗ Kết sinh năm 1944 tại Từ Liêm, Hà Nội. Ông trở thành phóng viên chiến trường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (sau năm 1966), thuộc biên chế Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam B2. Thời gian này, ông đã ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của nhân dân vùng Đông Nam Bộ.
Sau năm 1975, ông tiếp tục công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 7 đến cuối những năm 1980. Sau khi về hưu, Đỗ Kết đưa cả gia đình về quê sinh sống cho đến khi mất (năm 2009).
Cùng ngày, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng phối hợp với nhiều đơn vị đã tổ chức triển lãm và đấu giá nghệ thuật 'Vẽ lên cổ tích' lần thứ 5.
Số tiền thu được từ đấu giá tại triển lãm sẽ được chuyển cho chương trình "Thiện Nhân và các bạn" nhằm phẫu thuật cho trẻ em khiếm khuyết cơ quan sinh dục – trực tiếp đưa những ước mơ trong tranh vào câu chuyện cổ tích đời thật.
Trong chương trình, các họa sĩ nhí sẽ thể hiện tài năng với chủ đề "cổ tích" rộng lớn. Những tác phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn và đấu giá để gây quỹ cho việc tái tạo cơ quan sinh dục của nhiều bạn nhỏ kém may mắn.
Đặc biệt, chương trình "Vẽ lên cổ tích" năm nay có sự tham gia của hơn 50 bạn nhỏ với khả năng vẽ tranh và yêu hội họa thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Sự tham gia của các em đến từ SOS Việt Nam vừa tạo thêm sân chơi nhân dịp Tết Thiếu nhi 2020 cho các em, vừa mang ý nghĩa, ai cũng có thể giúp người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Ra mắt sách thiếu nhi trên nền tảng xuất bản số
Ngày 30/5, NXB Kim Đồng ra mắt sách mới "Nước cờ hòa", giới thiệu nền tảng xuất bản và phát hành số uBASE cùng nhiều hoạt động bổ trợ nhằm nâng cao văn hóa đọc, kiến thiết chương trình "Đưa chữ lên non trong thời 4.0".
"Nước cờ hòa" là tác phẩm gồm 13 câu chuyện dành cho thiếu nhi của nhóm tác giả Nguyễn Huy Du - Nguyễn Hữu Huấn với những tên gọi lôi cuốn, xoay quanh thế giới của những quân cờ, ván cờ vốn gắn bó với đời sống người Việt nói chung và trẻ em nói riêng.
Thông qua những câu chuyện đầy ngôn ngữ, cảm xúc tuổi thơ, tác phẩm góp phần ươm mầm trí tưởng tượng, kiến tạo sự thông minh, khơi dậy lòng dũng cảm và làm bùng cháy tình yêu thương trong mỗi đứa trẻ. Đặc biệt, đằng sau mỗi câu chuyện luôn là bài học gắn kết tinh thần con trẻ với ông bà, cha mẹ và cuộc sống quanh mình.
"Nước cờ hòa" in với số lượng lớn (trên 5.000 bản, lần 1) và ngay khi phát hành đã bán hết, tiếp tục ký hợp đồng tái bản. Bên cạnh đối tượng độc giả ở khu vực trung tâm, nhóm tác giả đã thể hiện sự quan tâm tới trẻ em vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách dành 51% lợi nhuận thu về để đồng hành và kiến thiết chương trình "Đưa chữ lên non trong thời 4.0".
Với những mẩu truyện ngắn, tác giả đã thổi hồn vào các quân cờ, giúp các bạn nhỏ say mê và cùng nô đùa với cờ vua. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất. Mong có nhiều tác phẩm tương tự để giúp các em được sống trong những khoảnh khắc thần tiên.
Chơi cờ với máy tính lâu nay không xa lạ, nhưng trong kỷ nguyên số thì chơi cờ với ai thông qua cỗ máy tính truyền thống sẽ là sự thú vị và hấp dẫn mới. Người học, người chơi cờ được lựa chọn đối cờ có tên, có tuổi, có cấp độ rõ ràng sẽ là một điều giúp người chơi tăng tính tương tác, tăng tính chuyên môn hóa sâu theo từng sở trường, sở đoản của mỗi đối cờ được lựa chọn.
Mỗi trò chơi mà trẻ em được tiếp cận đều mang lại những giá trị riêng của nó, cờ vua cũng vậy, như tác giả cuốn sách đã chia sẻ: Cờ vua là một trong những trò chơi trí tuệ phổ biến nhất thế giới; nó được nói đến không chỉ như là một trò chơi mà còn là nghệ thuật, khoa học và thể thao.