• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trò chuyện cùng các Họa sĩ kháng chiến khóa 1950-1954

Văn hoá 16/09/2017 19:07

(Tổ Quốc) - Các Họa sĩ tham gia khóa học 1950-1954, là một khóa học đặc biệt nhất của trường Mỹ thuật Việt Nam, sẽ là chủ đề trong cuộc gặp gỡ và đối thoại chiều 16/9 tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, số 3A Ngô Quyền, Hà Nội.

Buổi trò chuyện do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì, với sự có mặt của tác giả cuốn sách Hoạ sĩ kháng chiến khoá 1950-1954, nhà báo Đào Mai Trang, cùng sự hiện diện của một số họa sĩ trong khóa học này như Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngọc Linh (Vi Văn Bích), Ngô Mạnh Lân, Lê Lam, Thục Phi... và đại diện gia đình của một số họa sĩ đã khuất.

Tại buổi trò chuyện, sau phần giới thiệu khái quát về quá trình nghiên cứu khóa học cũng những quan điểm cá nhân về vai trò của khóa học này trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam của nhà báo Đào Mai Trang sẽ là phần tọa đàm, trao đổi giữa khách tham dự với đại diện các họa sĩ trong khóa theo các chủ đề chính: Ảnh hưởng của họa sĩ Tô Ngọc Vân đến hành trình nghệ thuật của các sinh viên trong khóa; Suy nghĩ, quan điểm của các họa sĩ tham gia tọa đàm về vai trò của khóa học đối với hành trình nghệ thuật sau này của họ; Quan điểm của họa sĩ về nghệ thuật với và trong cách mạng, về tính chất tuyên truyền ảnh hưởng đến sự sáng tạo.

Khóa Kháng chiến (1950-1954) chắc chắn là một khóa học đặc biệt nhất của trường Mỹ thuật Việt Nam, được thành lập từ tháng 10/1945, không bao lâu sau lễ Quốc khánh 2/9/1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc biệt nhất bởi ba lẽ: thứ nhất, trường Mỹ thuật Việt Nam là một trong 5 ngôi trường Cao đẳng được thành lập cùng thời điểm, dựa trên nền tảng cơ sở hệ thống giáo dục sau phổ thông từ thời Pháp thuộc, trong đó có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ra đời năm 1925, cho thấy tầm quan trọng của mỹ thuật đối với sự phát triển của văn hóa và xã hội; Thứ hai, đây là khóa học thứ hai được tuyển sinh nhưng là khóa đầu tiên được giảng dạy chính thức, với kế hoạch đào tạo bốn năm và do hoàn cảnh kháng chiến, đây cũng là khóa học duy nhất tồn tại suốt thời gian nhà trường đóng ở chiến khu Việt Bắc; thứ ba, giảng viên chính của khóa, cũng là Giám đốc - Hiệu trưởng nhà trường, là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tài năng và nhân cách nghệ sĩ của ông đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức và tình cảm dành cho nghệ thuật của tất cả sinh viên trong khóa, trong đó có một số người đã thành danh, định vị tên tuổi họ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như họa sĩ Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Mai Long, Lê Huy Hòa...

Bìa sách (ảnh: nhandan)

Buổi trò chuyện cũng sẽ xoay quanh nội dung cuốn sách mới xuất bản của tác giả Đào Mai Trang  Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954), gồm: một chuyên khảo về lịch sử khóa học cũng như các phần viết về từng sinh viên (22 người) trong khóa, cùng hàng trăm hình ảnh minh họa là sáng tác và ký họa của họ và của người thầy Tô Ngọc Vân, sẽ mở ra những gợi ý, suy ngẫm mới cho bạn đọc hôm nay về vai trò của mỹ thuật và của người họa sĩ trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc nói riêng và nhìn rộng ra là trong lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại nói chung. Cuốn sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) là kết quả sau hơn 2 năm tác giả nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu văn bản và trò chuyện cùng một số họa sĩ từng là sinh viên khóa học này.

Nhà báo Đào Mai Trang là biên tập viên phụ trách chuyên mục Mỹ thuật của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL). Chị là một nhà báo chuyên viết về mỹ thuật, tác giả của nhiều bài viết và tiểu luận về các nghệ sĩ cũng như vấn đề của mỹ thuật, nghệ thuật đương đạiViệt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các bài viết của chị được đăng tải trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, báo Thể thao & Văn hóa, Nhân dân… dưới một số bút danh: Đào Mai Trang, Phong Vân, Chi Mai, Việt Mai…

Chị cũng là tác giả của một số tác phẩm đã xuất bản như: 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (NXB Thế giới, 2010); Nghệ thuật và Tài năng, một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của mỹ thuật Việt Nam (NXB Phụ nữ, 2014)...

V.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ