(Toquoc)- Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa công bố kết quả giải thưởng Văn học năm 2007 nhưng lại… không có giải thưởng mà chỉ có hai tặng thưởng. Có rất nhiều ý kiến xung quanh quyết định của Hội Nhà văn TP.HCM.
(Toquoc)- Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa công bố kết quả giải thưởng Văn học năm 2007 nhưng lại… không có giải thưởng mà chỉ có hai tặng thưởng. Có rất nhiều ý kiến xung quanh quyết định của Hội Nhà văn TP.HCM.
Để giải đáp phần nào những câu hỏi về giải thưởng này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhà văn Trần Thanh Giao (NV.TTG) - người từng tham gia ban xét chọn giải thưởng nhiều nhiệm kỳ của Hội Nhà văn TP.HCM để biết thêm một vài thông tin và nhận định.
Nhà văn Trần Thanh Giao
PV: Thưa nhà văn, vừa qua Hội Nhà văn TP.HCM công bố giải thưởng Văn học năm 2007, nhưng lại không có giải thưởng mà chỉ có 2 tác phẩm được tặng thưởng?
NV.TTG: Đúng. Không có giải thưởng, chỉ có hai tặng thưởng. Một là tập thơ “Trong bóng người xưa” của Lê Thiếu Nhơn và tập truyện ngắn “Mỹ nhân ngư” của Liêm Trinh. Chuyện này cũng bình thường ở các giải xét chọn và cũng theo qui chế định sẵn.
PV: Ông có biết tại sao Hội Nhà văn TP.HCM lại quyết định như vậy?
NV.TTG: Theo qui chế là vì chưa có chính sách đúng mức cho giải thưởng.
PV: Liệu việc đánh giá tình hình văn học của một thành phố lớn như TP.HCM trong một năm, qua hai tặng thưởng có nói lên được toàn bộ chất lượng sáng tác văn học của TPHCM không?
NV.TTG: Kết quả như vậy có thể chưa hoàn toàn chính xác vì có thể người bình giá chưa đọc được hết và vì cảm thụ thẩm mỹ của ban xét chọn chưa hẳn lúc nào cũng đồng nhất với cảm thụ của độc giả. Đây cũng là chuyện bình thường trong văn chương.
PV: Tiêu chí tác phẩm được Hội Nhà văn TP.HCM chọn lọc vào xét giải như thế nào? Hội đồng xét chọn năm nay gồm những ai?
NV.TTG: Theo qui chế thì có giới thiệu, ở đây chủ yếu là các NXB, nhưng phải có sự đồng ý của tác giả. Tác giả cũng có quyền ứng cử bằng văn bản gửi về Hội. Hội xét trên sự tự nguyện dự giải của tác giả. Tiêu chí chấm giải vẫn là tư tưởng và nghệ thuật nhưng hai cái này rất rộng, tùy người bình chọn có gu thẩm mỹ nào và tư tưởng được họ đánh giá xuyên qua cảm thụ thẩm mỹ của mình ra sao. Ban chọn năm nay có nhà văn Lê Văn Thảo làm chủ tịch, hội đồng văn xuôi có các ông Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Triệu Xuân, Nguyễn Thúy Ái, hội đồng thơ có Chim Trắng, Nguyễn Chí Hiếu, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương…
PV: Khi công bố kết quả này, Hội Nhà văn TP.HCM (và bản thân cá nhân ông) có nghĩ đến phản ứng của dư luận báo chí không?
NV.TTG: Năm nay tôi không ở trong ban chọn. Ai chọn thì theo gu người ấy. Có người tự tin, có người cũng nghĩ đến phản ứng báo chí vì báo chí cũng là một kênh cảm thụ, có khi có cảm thụ riêng. Ví dụ một tờ báo có số phát hành cao có lần khen một cuốn sách, nhưng cả phái “bảo thủ” và phái “đổi mới”, cả dư luận trong nước và nước ngoài đều chê.
PV: Có ý kiến cho rằng đây là một cách thức không muốn lạm phát giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM, qua đó gạt bỏ cái tâm lý của người viết là đã vào xét giải thì phải có giải thưởng ngay cả khi tác phẩm chưa đạt chất lượng giải thưởng và là quyết định rất dũng cảm của Hội Nhà văn TP.HCM. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?
NV.TTG: Theo tôi thì đây là chuyện bình thường không đòi hỏi phải “dũng cảm”. Xét thưởng khác với chấm thi, thi thì phải có giải, còn xét thưởng không nhất thiết phải có giải. Năm ngoái Hội Nhà văn TP.HCM có giải chính thức và biết đâu sang năm cũng có nhiều giải chính thức.
Nói như một nhà văn từng nhiều năm xét giải thì “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”.
PV: Bản thân nhà văn có hài lòng về kết quả này không ạ?
NV.TTG: Tôi hài lòng.
PV: Nếu được nói về một trong hai tác giả được trao tặng thưởng lần này ông sẽ nói gì?
NV.TTG: Liêm Trinh là tác giả của tập truyện ngắn Mỹ nhân ngư. Tôi đã đọc tập truyện này và nhiều truyện khác của Liêm Trinh… Đó là cây bút trẻ viết văn xuôi đã từng đạt được một số giải thưởng và có khá nhiều người thích đọc tác phẩm của Liêm Trinh. Liêm Trinh viết văn sinh động, hấp dẫn nhưng tính xã hội chưa sâu, tính điển hình chưa cao… Nói vậy vì là một người đọc, tôi muốn đòi hỏi cao từ tác giả để họ còn tiến xa. Ở TP.HCM còn có Nguyễn Thu Phương, Ngô Thị Ý Nhi… viết văn xuôi, theo tôi cũng rất đáng chú ý.
Liêm Trinh và Lê Thiếu Nhơn đều là học viên của Trại bồi dưỡng Lực lượng viết văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM mà tôi có vinh dự được Hội giao cho phụ trách từ 1981 đến giờ, đã được 5 Khóa, 5 năm một khóa
PV: Liêm Trinh là một tác giả trẻ, theo nhà văn trong tương lai chúng ta có thể kì vọng vào Liêm Trinh không?
NV.TTG: Ai ta cũng nên "dè chừng". Biết đâu có những “con đại bàng non bất thần vẫy cánh” và biết đâu có những cuốn sách kẻ khen dồi người chê dập… Cái nghề này, nhất là cái "khiếu thẩm mỹ " bây giờ, phải "dè chừng"…
Xin cảm ơn nhà văn!
NGUYỄN HIỀN (thực hiện)