• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trọn vẹn cảm xúc với vở cải lương “giải oan” cho công chúa Huyền Trân

Văn hoá 29/10/2017 07:29

(Tổ Quốc) - Cuộc đời của một công chúa cành vàng lá ngọc đến tuột đỉnh cao sang trong ngôi Chánh cung Hoàng hậu Chiêm Quốc, rồi lại là một ni sư nơi chùa quê thanh vắng…nhưng lúc nào cũng lấy đức hy sinh làm trọng.

Như một vì sao vụt sáng giữa màn đêm, cuộc đời của một công chúa cành vàng lá ngọc đến tuột đỉnh cao sang trong ngôi Chánh cung Hoàng hậu Chiêm Quốc, rồi lại là một ni sư nơi chùa quê thanh vắng…nhưng lúc nào cũng lấy đức hy sinh làm trọng. Chuyện tình đẹp của Huyền Trân công chúa với Đức vua Chiêm Quốc Chế Mân cũng được khắc họa rõ nét qua vở cải lương "Ni sư Hương Tràng".

Vở diễn "Ni sư Hương Tràng" của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có hai buổi diễn ra mắt khán giả Thủ đô vào tối 26 và 27/10 tại Rạp Đại Nam, Hà Nội. Cả ba tầng khán phòng không một chỗ trống, khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng các nghệ sĩ sau mỗi câu ca hay. Cũng có lúc cả khán phòng lặng đi, vẳng tiếng sụt sịt vì xót thương cho cuộc đời một con người quá nhiều bi kịch.

Vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục

Ni sư Hương Tràng, câu chuyện về một người con gái Đại Việt đã góp phần viết nên những trang sử đẹp nhất về lòng nhân ái, đoàn kết, khoan dung. Hình ảnh của bà đi vào lịch sử như một điển hình về phụ nữ. Cuộc đời và công hạnh của bà sống mãi cùng non sông. Bà là công chúa Trần Huyền Trân con gái của Đức vua Trần Nhân Tông. Vì mối bang giao Đại Việt và Chiêm Quốc, Huyền Trân chấp nhận được gả cho Chế Mân. Được Đức vua Chế Mân sủng ái, phong làm Chánh cung Hoàng hậu mặc dù Đức vua đã có Chánh cung Hoàng hậu Salimah, Huyền Trân cũng bắt đầu bước vào một cuộc chiến tàn khốc ngấm ngầm của ngôi vị và quyền lực. Tể tướng Sulayman bắt tay với ngoại bang muốn giành ngôi của Chế Mân, xúi bẩy Hoàng hậu Salimah làm phản. Chế Mân bị giết chết, Huyền Trân phải bước lên giàn hỏa thiêu theo quy định của vương triều Chiêm Quốc sau khi vừa hạ sinh hoàng tử Chế Đa Đa.

Nhờ sự mưu lược của Vua cha, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Huyền Trân được các tướng lĩnh Đại Việt cứu về. Giây phút gặp cha, từ người con gái mất chồng, mất con, Huyền Trân đã giác ngộ đạo Phật, lấy việc giúp người, gieo Đạo làm lẽ sống.

Hai trường đoạn được xem là thành công nhất của vở diễn là cảnh Huyền Trân khi mới về Chiêm Quốc, nhớ Đại Việt đã có màn đối thoại (trong tưởng tượng) với Vua cha và trích đoạn thể hiện tình yêu của Chế Mân với Huyền Trân ở gốc cây Chăm pa cổ thụ.

Huyền Trân và Chế Mân bên gốc Chăm pa cổ thụ- một trong các phân cảnh ấn tượng của vở diễn

Trích đoạn đối thoại của Huyền Trân với Vua cha được thể hiện như một dạng đối thoại kinh điển của sân khấu cải lương. Không chỉ bởi hai nghệ sĩ Quang Khải (Vua Trần Nhân Tông) và Như Quỳnh đều có chất giọng đẹp, ngọt ngào mà sự diễn xuất cũng đặc biệt tốt. Ở đó, khán giả hiểu hơn nỗi niềm của một người con gái trẻ đang được cưng chiều yêu thương bỗng một ngày phải lấy chồng xa, đến với một thế giới khác, một đất nước khác với những con người hoàn toàn xa lạ. Và cũng hiểu thêm nỗi niềm của những bậc minh quân, dù trên ngôi cao tuyệt đỉnh cũng không phải được làm mọi việc theo ý mình, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn, vì sự bang giao giữa hai nước Việt, Chiêm. Cả Như Quỳnh và Quang Khải đều đã lột tả được hết hai tâm trạng đó, hai cảm xúc đó.

Cảnh Chế Mân và Huyền Trân bên gốc cây Chăm pa cổ thụ, Huyền Trân hát cho Chế Mân nghe bài dân ca của người Đại Việt: “Con cò bay lả bay la/Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…” là cảnh bình yên đẹp nhất trong cuộc đời Huyền Trân trên sân khấu vở diễn. Không chỉ khắc họa tình yêu tuyệt đẹp giữa Chế Mân và công chúa Huyền Trân, trích đoạn cũng là minh chứng để “rửa oan” cho lịch sử từng có chi tiết Huyền Trân yêu Trần Khắc Trung- một vị tướng trong triều đình của Vua cha Trần Nhân Tông.

Điều này cũng nằm trong ngụ ý của TS. Bùi Hữu Dược- tác giả kịch bản. Ông cho biết: vở “Công chúa Huyền Trân- Ni sư Hương Tràng” đã giải nỗi oan của nhân vật lịch sử Trần Khắc Trung. Trong rất nhiều vở nói về Huyền Trân Công chúa, Trần Khắc Trung luôn được xem như một tội đồ, một ông Thượng quan ngoài 50 tuổi khi đi cứu công chúa Huyền Trân từ nước Chiêm trở về nhưng mang tiếng là người “gian dâm”. Rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà sư cho rằng, thời Trần thịnh trị của cả văn và võ, không thể nào có một ông tướng gần 60 tuổi đi cứu một cô công chúa mới đôi mươi đang trong hoàn cảnh vừa chết chồng, vừa mất con mà lại có thể làm việc vô đạo như thế.

Cuộc đời Huyền Trân công chúa là cuộc đời của người luôn hy sinh vì nước, vì dân Đại Việt

Những màn tái hiện cuộc đời bi kịch của Huyền Trân: khi xa quê hương, khi mất chồng, khi xuất gia...thu hút người xem bởi dàn dựng đẹp, dàn diễn viên tốt, đồng đều, đầu tư trang phục kỹ lưỡng… Đặc biệt, ở mỗi phân cảnh, để kết nối với cảnh tiếp theo, đạo diễn còn thể hiện sự kỳ công trong đầu tư, dàn dựng với việc lột tả không gian văn hóa Chăm Pa qua những tiết mục múa của các thiếu nữ Chăm. Sân khấu mờ ảo mơ hồ với những đường nét của vũ điệu Chăm khiến khán giả như lạc đến Chiêm Quốc của hơn 600 năm về trước, chứng kiến cuộc đời trầm luân của Huyền Trân một cách chân thực hơn.

Nhưng trường đoạn đem lại nhiều cảm xúc nhất đối với khán giả không phải là khi Huyền Trân mất chồng, mất con….mà ở trường đoạn Ni sư Hương Tràng gặp lại con. Ở phân cảnh ấy, người mẹ (Ni sư Hương Tràng), người con (Chế Đa Đa), không ai khóc. Nhưng giữa khán phòng đang lặng đi ấy lại vang lên những tiếng sụt sịt.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên đã thể hiện được bản lĩnh của mình khi xử lý phân cảnh này. Người con gặp mẹ chỉ để nhìn một lần, không dám gọi mẹ ơi. Người mẹ biết là con nhưng không dám nhận. Nỗi đau của một đời người đã được đẩy đến tận cùng. Cho đến cuối đời, ở giữa đất nước của mình, Huyền Trân vẫn muốn trọn vẹn vì nước, vì dân. Bởi trên đôi vai nhỏ ấy vẫn canh cánh nỗi niềm mà người cha giao phó: Biến Đại Việt thành nơi “Cây thành thần mộc. Đá hoá thạch linh. Người người có đạo. Giặc nào khôn kinh”.

Vở diễn “Ni sư Hương Tràng” phần nào giúp công chúng hôm này hiểu hơn về lịch sử cùng mối quan hệ đa chiều với các nước lân bang và nhiều sự kiện lịch sử đầy chất bi tráng thời nhà Trần. Tác phẩm được dàn dựng theo tiêu chí vừa đạt chất lượng cao vừa thỏa mãn thị hiếu của mọi tầng lớp khán giả đem lại một cảm xúc trọn vẹn cho người xem./.

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ