(Tổ Quốc) - Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 66.983 lao động (trong đó lao động nữ là 18.995) đạt 55,82% kế hoạch năm 2019.
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 6/2019 là 12.839 lao động (4.871 lao động nữ), bằng 103% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 6 năm 2018 là 12.475 lao động trong đó có 4.198 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 6.405 lao động (2.886 lao động nữ), Nhật Bản: 5.155 lao động (1.775 lao động nữ), Hàn Quốc: 631 lao động (30 lao động nữ), Rumania: 307 lao động (28 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 86 lao động (83 lao động nữ) và các thị trường khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 66.983 lao động (18.995 lao động nữ) đạt 55,82% kế hoạch năm 2019, (năm 2019, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 120.000 lao động), trong đó thị trường: Nhật Bản: 33.549 lao động (10.395 lao động nữ), Đài Loan: 27.137 lao động (7.635 lao động nữ), Hàn Quốc: 3.521 lao động (281 lao động nữ), Rumania: 1.021 lao động (41 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 575 lao động (412 lao động nữ), Malaysia: 274 lao động (123 lao động nữ), Algeria: 240 lao động nam, và các thị trường khác.
Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 6/2019 là 12.839 lao động (ảnh: báo Đầu tư)
Riêng 6 tháng đầu năm, Nhật Bản là thị trường thu hút đông lao động Việt Nam nhất với 33.549 lao động. Để thúc đẩy giao lưu hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam - Nhật Bản, góp phần giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành điều dưỡng, hộ lý, hôm 16/7, Trung tâm Lao động ngoài nước, Việt Nam và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka, Nhật Bản đã tiến hành lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc phái cử thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản.
Trước đó, ngày 01/7 tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ LĐTB-XH Việt Nam và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trao nhau Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng Chương trình "lao động kỹ năng đặc định" với mục đích tăng cường bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước.