(Tổ Quốc) - VNDIRECT nhận thấy Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng do đã chứng minh được năng lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, cũng như duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định bất chấp đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19, và vì thế hoàn toàn có năng lực và khả năng để tăng trưởng sản xuất một cách nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 qua đi.
CTCK VNDIRECT vừa đưa ra báo cáo đánh giá tác động của việc các Ngân hàng Trung ương đồng loạt hạ lãi suất điều hành để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành xuống mức gần 0% trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống lại những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Đây là một trong những bước đi quyết liệt nhất của FED kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi hạ lãi suất điều hành xuống mức 0% (cận dưới) đến 0,25% (cận trên), tương đương với mức lãi suất điều hành trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Đồng thời, FED tuyên bố tái khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng (QE) bằng việc cam kết mua 700 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Mỹ còn thông báo thêm một số hành động, bao gồm cho phép các ngân hàng thương mại vay tái chiết khấu với thời hạn lên tới 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn 0%.
Thêm vào đó, FED còn phối hợp với 5 ngân hàng khác để đảm bảo nguồn cung USD trên toàn thế giới thông qua các hợp đồng hoán đổi. Các hành động trên của FED theo sau những quyết định được đưa ra trước đó vào ngày 3 tháng 3 khi FED tuyên bố hạ 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành và tăng mạnh quy mô các thỏa thuận mua lại (repo) trị giá 1.500 tỷ USD, theo đó sẽ mua lại trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác từ các ngân hàng và thương nhân với thỏa thuận bán lại có lãi vào ngày hôm sau hoặc sau đó. Đây là một chuỗi các hành động khẩn cấp của FED nhằm đảm bảo đủ thanh khoản cho các định chế tài chính nhằm ổn định thị trường tài chính cũng như giảm lãi suất đi vay xuống mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, các động thái hỗ trợ của FED chưa thể xóa đi lo ngại ngày một tăng của nhà đầu tư về viễn cảnh suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, theo đó các chỉ số chứng khoán trên thế giới tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên ngày 16/3.
Động thái mới nhất của FED nằm trong chuỗi các hành động phối hợp của các NHTW trên thế giới nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu. Tính từ đầu tháng 2 năm 2020, đã có trên 30 NHTW trên thế giới đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất điều hành cũng như tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm cung cấp thanh khoản và hỗ trợ bình ổn thị trường tài chính.
Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ là chưa đủ để ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2020 do ảnh hưởng của việc đóng cửa nhà máy tại một số nơi trên thế giới để phòng dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, VNDIRECT cho rằng các Chính phủ trên thế giới cần phối hợp hành động và tung ra các gói hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế chống lại các tác động tiêu cực từ COVID-19
Tiếp bước quyết định cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành và tung ra gói nởi lỏng định lượng (QE) trị giá 700 tỷ USD của FED, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cũng đã có động thái nới lỏng tiền tệ.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm từ mức 6%/năm trước đó và lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 3,5%/năm từ mức 4%/năm trước đó. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016, NHNN ban hành Quyết định số 420 giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đồng thời hạ lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Bên cạnh đó, SBV còn nâng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm từ mức 0,8%/năm.
Theo quan điểm của VNDIRECT, động thái cắt giảm lãi suất lần này của SBV là rất quyết liệt với mục tiêu bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính nhằm vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay cũng như hạ chi phí vay vốn của các doanh nghiệp nội địa để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, VNDIRECT dự đoán lạm phát năm nay có thể tiệm cận mức trần Quốc hội giao là 4,0% do đó dư địa để SBV tiếp tục giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Ngoài ra, VNDIRECT nhận thấy trong tình hình hiện tại rất khó để các ngân hàng thúc đẩy cho vay vì nhu cầu tín dụng trong giai đoạn hiện nay khá thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, VNDIRECT cho rằng chính sách tài khoá cần được ưu tiên sử dụng trong các Quý tới đây để hỗ trợ nền kinh tế.
Động thái nởi lỏng tiền tệ trên toàn cầu sẽ chưa thể thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam gia tăng trở lại trong ngắn hạn
Thông thường, nới lỏng tiền tệ tại các nước phát triển sẽ hướng dòng vốn giá rẻ chảy đến các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro tăng mạnh hiện nay thì sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế có thể không diễn ra theo cách thông thường.
Trên phương diện đầu tư trực tiếp, VNDIRECT cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoãn lại các quyết định liên quan đến đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh cho đến cuối năm 2020. Trên phương diện đầu tư gián tiếp, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục hướng đến các tài sản có tính an toàn cao cho đến khi có dấu hiệu chắc chắn rằng sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu được chặn đứng. Do đó, VNDIRECT cho rằng, động thái nới lỏng tiền tệ gần đây sẽ chưa thể thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam gia tăng trở lại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, động thái nới lỏng tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới là liều thuốc an thần cho thị trường tài chính
Mặc dù chưa thể làm đảo ngược xu hướng giảm giá trên thị trường chứng khoán toàn cầu, việc nới lỏng tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, giảm thiểu các rủi ro đổ vỡ tiềm tàng trên thị trường tài chính, từ đó dần ổn định tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.
Đối với Việt Nam, tuyên bố tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng của FED dù chưa thể đảo ngược xu thế bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán hiện nay nhưng cũng sẽ phần nào trấn an tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.
Trong trung và dài hạn, dòng vốn giá rẻ sẽ tìm đến các quốc gia có khả năng khôi phục hoạt động sản xuất nhanh nhất và Việt Nam nổi lên là một ứng cử viên sáng giá
VNDIRECT cho rằng nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ tăng mạnh quy mô các gói nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất điều hành tại nhiều quốc gia đã về mức thấp kỷ lục và không thể giảm thêm nữa. Mục tiêu của các gói nới lỏng định lượng (QE) là làm giảm lãi suất dài hạn trên thị trường để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngắn hạn đã về gần bằng 0. Hiện tại, lãi suất điều hành của FED đã chạm mức 0% (cận dưới) trong khi lãi suất điều hành của BOJ thậm chí xuống mức -0,1%.
Trong giai đoạn 2008-2013, dòng vốn giá rẻ đã chảy mạnh vào các thị trường mới nổi và cận biên trong bối cảnh FED đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước, VNDIRECT cho rằng sau khi thị trường tài chính quốc tế ổn định trở lại, dòng vốn giá rẻ sẽ hướng đến các quốc gia có triển vọng tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia đã chứng minh được sự hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19 cũng như có năng lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với tốc độ nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 suy yếu.
VNDIRECT nhận thấy Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng do Việt Nam đã chứng minh được năng lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả được cộng đồng quốc tế công nhận, hơn nữa Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định bất chấp đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19, và vì thế hoàn toàn có năng lực và khả năng để tăng trưởng sản xuất một cách nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 qua đi.