• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa: Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà sáng tạo

Văn hoá 10/02/2024 13:08

(Tổ Quốc) - Để phát triển công nghiệp văn hóa, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, phải hình thành mô hình liên kết ba nhà: Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà sáng tạo như là trụ cột phát triển.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã và đang khẳng định vai trò là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, từ sau khi Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" (ngày 08/9/2016), đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL công bố tại Hội nghị đánh giá sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa) đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Trong giai đoạn hiện nay, với sự đa dạng về văn hóa, nguồn tài nguyên di sản phong phú, Việt Nam chúng ta được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.

Trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa: Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà sáng tạo - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc về "Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam"

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: "Việt Nam đã định vị là một quốc gia tầm trung trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới với đóng góp 3,61% GDP và hơn 6% số lượng lao động. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của các ngành công nghiệp văn hóa trong việc đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững; đồng thời cho thấy khả năng của các ngành công nghiệp văn hóa nước ta trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, phát triển phồn vinh, hài hòa và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa mang tính bền vững".

Chiến lược phát triển CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP.

Để đạt được mục tiêu này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cần xây dựng một chiến lược bài bản: "Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng và thứ hai cần có nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam công nghiệp văn hóa chưa được coi là một ngành được ưu tiên và vì vậy chúng ta khó chuyển động. Chính vì thế phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động".

Trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa: Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà sáng tạo - Ảnh 2.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (ảnh tư liệu)

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, để phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH, từ góc độ thể chế, Việt Nam cần xác định 5 giải pháp phát triển CNVH:

1. Giải pháp đầu tiên là "Kiện toàn khung khổ thể chế, chính sách". Cụ thể, việc hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho CNVH phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: Điện ảnh, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, quảng cáo... Hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành CNVH.

2. Giải pháp thứ 2 là "Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành CNVH". Giải pháp này chú trọng các nội dung như: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thị trường văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo hệ sinh thái thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; Xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…

3. Giải pháp thứ 3 về "Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực CNVH". Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Do đó, muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, xây dựng một cơ chế đầu tư tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng "thắt cổ chai" về vốn đầu tư. Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.

4. Ngoài 3 giải pháp trên, giải pháp về "Đầu tư phát triển hạ tầng các ngành CNVH" sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực quyền lực mềm, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa.

5. Giải pháp là "Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNVH".

Tóm lại, trong những năm gần đây, đổi mới thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành CNVH. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa.

Nước ta được khẳng định là có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển CNVH. Tuy nhiên, con đường vươn tầm thương hiệu CNVH, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ CNVH ra thế giới còn rất khó khăn. CNVH đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ