(Tổ Quốc) - Sáng 16/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia cho trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đặt tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Tại buổi Lễ, ông Lê Hồng Quang Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chánh án TAND tối cao đã báo cáo tóm tắt lịch sử kiến trúc tòa nhà trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đặt tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Theo đó, Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 thì được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Năm 1906 công trình bắt đầu được xây dựng, đến năm 1911 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Lúc đó, công trình không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình.
Khuôn viên đặt trụ sở là khu đất hình vuông có diện tích 13.916m2, giới hạn bởi 4 tuyến phố, trong đó có hai đại lộ, ngày nay mang tên là phố Lý Thường Kiệt và phố Hai Bà Trưng, hướng ra một giao lộ được tạo thành bởi phố Lý Thường Kiệt, phố Thợ Nhuộm và phố Dã Tượng. Trong quá trình sử dụng, người Pháp có đã tiến hành tu bổ, cải tạo một số hạng mục, như: cải tạo tầng áp mái thành phòng lưu trữ hồ sơ; sửa chữa mái nhà; rải đá đường đi khuôn viên; xây dựng hàng rào bê tông xung quanh.
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao là một trong những công trình kiến trúc công cộng theo phong cách tân cổ điển đầu tiên ở Hà Nội. Mặt bằng không gian tòa nhà được cấu trúc kiểu đối xứng qua trục trung tâm, gồm năm tầng.
Hình khối kiến trúc của công trình được thiết kế theo dạng đối xứng kiểu mặt gương qua trục trung tâm với việc sử dụng tỷ xích lớn tạo ra một khối tòa nhà hình chữ H rất đường bệ. Khối trung tâm được thiết kế với bộ mái nhô cao, được đỡ bởi hàng cột theo thức Doric La Mã, kết hợp với hai cầu thang ngoài hình chữ L được trang trí thận trọng, tạo ra điểm nhấn và làm tăng tính uy nghi của tòa nhà. Đây không chỉ là nét độc đáo của công trình so với các tòa nhà tân cổ điển khác ở Hà Nội mà còn là nét độc đáo khi so sánh với các tòa nhà theo phong cách tân cổ điển ở chính nước Pháp. Hai cánh nhà được thiết kế với nhịp điệu nhỏ hơn, giữa các cửa là hàng cột giả theo thức Ionic với dáng vẻ nhẹ nhàng, làm tôn nổi khối trung tâm. Cuối hai cánh nhà là hai khối hình chắc, đậm, nhô mạnh ra phía trước tạo ra sự kết thúc khỏe khoắn theo phương ngang và góp phần làm tăng vẻ hoành tráng cho tòa nhà.
Từ khi được xây dựng vào năm 1906 và đưa vào sử dụng năm 1911 cho đến nay, công trình đã trải qua hàng thế kỷ và chứng kiến những thăng trầm của lịch sử. Dù được sử dụng đúng công năng, nhưng do tác động của môi trường, của thời gian và con người nên đến nay công trình đã có những dấu hiệu xuống cấp; có nhiều vết nứt tại tường và trần các tầng; các lớp trát đã ngấm mốc và bong tróc… một phần đất của khuôn viên đã bị sử dụng làm thổ cư và nhà ở của cư dân… Do vậy, cần phải phục dựng lại khuôn viên vốn có của công trình; đồng thời tôn tạo một số chức năng nhằm tương thích với vị trí, vai trò của cơ quan xét xử cao nhất.
Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo phong cách tân cổ điển một cách chuẩn mực cùng các hình thức trang trí cầu kỳ, tinh xảo, được cân nhắc kỹ lưỡng, Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số: 4441/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2019.
Ngày nay, công trình là nơi làm việc của cơ quan xét xử cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi diễn ra các hoạt động lãnh đạo chỉ đạo công tác trong toàn hệ thống tư pháp và là nơi trao đổi, giao lưu, đối ngoại với bạn bè thế giới.
Việc công trình này được xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia đã thể hiện được công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn thể hiện tầm vóc, sự uy nghi nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước. Điều này là cơ sở quan trọng để Tòa án nhân dân tối cao bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lâu dài của di tích tương xứng với biểu tượng công lý, nơi cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã chính thức khai trương bảng tên Di tích quốc gia - trụ sở Toàn án nhân dân tối cao, số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.