(Tổ Quốc) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải Phóng Thủ Đô (10/10/1954-10/10/2024), ngày 5/10, tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội và Câu lạc bộ Bonsai Phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc sự kiện trưng bày cây cảnh nghệ thuật "Giá trị văn hóa Hà Nội xưa và nay” lần thứ III.
Ông Vũ Duy Thoại, đại diện Ban Tổ chức cho biết, sự kiện Trưng bày cây cảnh nghệ thuật " Giá trị văn hoá Hà Nội xưa và nay" lần thứ III được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô nhằm quảng bá, tái hiện nét đẹp văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thú chơi nghệ thuật cây cảnh, sinh vật cảnh của người dân Thủ đô, của mảnh đất Thăng Long văn hiến, của Hà Nội 36 phố phường.
Ban Tổ chức đã lựa chọn được 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc nhất để trưng bày nhằm hưởng ứng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong số đó, nhiều tác phẩm có tuổi đời cao, thể hiện cho truyền thống chơi cây cảnh nghệ thuật của ông cha từ ngàn xưa, cũng có nhiều tác phẩm chỉ mới vài năm tuổi, đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa xưa và nay, xứng đáng là Thủ đô "văn hiến, văn minh, hiện đại".
Thú chơi cây cảnh nghệ thuật bonsai không chỉ thỏa mãn đam mê cho những con người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp mà còn có tính nhân văn cao. Từ một phôi cây, để phát triển và trở thành một cây bonsai hoàn chỉnh phải trải qua quá trình khéo léo chăm sóc, uốn nắn, do vậy, người chơi bonsai phải tự rèn luyện tính kiên trì, tỉ mẩn, không được nóng vội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa cho rằng, trong những ngày vui của quân và dân Thủ đô, 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được trưng bày ở một không gian là lõi của phố cổ xưa là việc làm rất có ý nghĩa.
"Trong tương lai, tôi hy vọng bonsai không chỉ còn là thú chơi của một số người, ở những nơi kín đáo, sang trọng nữa, mà sẽ được nhiều người biết và quan tâm đến như một cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên", ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, trong thú chơi này, người nghệ sĩ đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ sáng tạo, uốn nắn, chăm sóc thiên nhiên nhằm thể hiện được thẩm mỹ của mình, mà còn phải phục vụ cho mọi người như một sự chiêm ngưỡng cái đẹp. Ông bày tỏ mong muốn giới cây cảnh nghệ thuật Việt Nam quan tâm tới lớp trẻ nhiều hơn, để bonsai không chỉ còn là thú vui của những người lớn tuổi, bởi suy cho cùng, dù có ở thời đại nào cũng cần có tình yêu thiên nhiên, cảnh vật mới đủ sức gìn giữ và phát huy cái đẹp ấy.
Theo anh Trần Văn Tuấn - một người chơi cây cảnh nghệ thuật lâu năm, bonsai là thú chơi lành mạnh, tao nhã, giúp mỗi người giải tỏa căng thẳng, tạo nguồn năng lượng mới tích cực để học tập và làm việc. Đối với Câu lạc bộ Bonsai Phố cổ Hà Nội, họ chơi có đặc trưng rất riêng, không ồn ào, không nặng tính thương mại, mà đơn thuần là để thỏa mãn sự đam mê cùng mong muốn truyền tải nét văn hóa riêng của người Hà Nội.
"Các cụ ngày xưa từ khi chế tác các dáng, các thế của bonsai đều ứng với cuộc sống và tính cách của con người, ví dụ như dáng 'Trực' thể hiện tính quân tử của con người, hoặc dáng 'Phu thê' thể hiện tình cảm vợ chồng quấn quýt… từ đó bonsai có thể truyền đạt những giáo lý, đạo lý, giúp con người sống có tình nghĩa, phù hợp với các quy chuẩn đạo đức chung của xã hội", anh Tuấn nói thêm.
Sự kiện Trưng bày cây cảnh nghệ thuật "Giá trị văn hoá Hà Nội xưa và nay" sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 12/10 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự tham gia của nhiều cá nhân là thành viên của các hội nhóm, câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước, cùng các hoạt động tham quan, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh nghệ thuật diễn ra xuyên suốt trong khuôn khổ sự kiện.