Trưng bày nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của chí sĩ Phan Bội Châu
Thực hiện: Lê Chung | 19/09/2023
(Tổ Quốc) - Nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của chí sĩ Phan Bội Châu; tư liệu về tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản được trưng bày, giới thiệu đến công chúng.
Sáng 19/9, tại Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu (Số 119, đường Phan Bội Châu, TP Huế), Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Khai mạc trưng bày bổ sung “Cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Phan Bội Châu”; Triển lãm chuyên đề “Tình bạn giữa Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.
Trước buổi lễ khai mạc, lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thành ủy Huế cùng đại diện các Sở, ban ngành tại địa phương và đông đảo người dân đã dâng hoa, dâng hương lên danh nhân Phan Bội Châu.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hoạt động được tổ chức lần này nhằm thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời, tưởng nhớ và tri ân cụ Phan Bội Châu - một trong những người đầu tiên xây đắp tình hữu nghị, quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm, trưng bày.
Theo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà tư tưởng, văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Mặc dù bị thực dân Pháp và tay sai luôn tìm cách phong tỏa, kìm kẹp nhưng tinh thần yêu nước của cụ luôn đầy nhiệt huyết và bất khuất; Cuộc đời hoạt động của cụ là hình tượng về tấm lòng kiên trung với đất nước, một tư duy nhạy bén của thời đại.
Cụ còn là sứ giả văn hóa giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa cụ Phan Bội Châu và Bác sĩ Asaba Sakirato đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa 2 nước, góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.
Nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cụ Phan Bội Châu đã được giới thiệu đến công chúng tại buổi, triển lãm và trưng bày.
Ảnh tư liệu Nhà vua Akihito cùng Hoàng hậu Michiko và phái đoàn Hoàng gia Nhật Bản thăm Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu vào năm 2017.
Các đại biểu dự tọa đàm về tượng cụ Phan Bội Châu ở Huế và dâng hoa tại Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu năm 2009.
Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023 Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu đã được đầu tư, tôn tạo, tu sửa nhiều hạng mục như: Bổ sung các hình ảnh tư liệu, hiện vật liên quan; Chỉnh sửa, sơn tít lại không gian Khánh tiết, hệ thống khung sườn đai, của chính, tủ trưng bày, hệ thống đèn điện chiếu sáng…
Việc làm này đã góp phần làm cho khu di tích trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hoá, giáo dục cho nhiều tầng lớp nhân dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập.
Năm 2010, những người dân của thành phố Fukuroi (Nhật Bản) đã đến đây và dựng “Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du”, góp phần xây đắp, phát triển tình hữu nghị giữa hai thành phố Fukuroi và thành phố Huế nói riêng và hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản nói chung.
"Đặc biệt, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc son mới trong quan hệ Việt Nam và Nhật Bản nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Chính những tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh, làm cầu nối giao lưu văn hóa và mở ra triển vọng về tương lai tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản", ông Phan Thanh Hải cho biết.
Thông qua các hoạt động có ý nghĩa lần này, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu; góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong tương lai.