(Tổ Quốc)- Chiều 1/2, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch, đã diễn ra khai mạc Trưng bày Bảo vật quốc gia- Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1946.
Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Mặc dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Chính phủ Lâm thời (Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 28/8/1945 đến ngày 31/12/1945 và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 01/01/1946 đến ngày 02/3/1946) đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền nhà nước non trẻ.
Một trong những hình ảnh được trưng bày |
Nhân Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Trưng bày Bảo vật quốc gia - Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 - 1946. Tập Sắc lệnh có giá trị, ý nghĩa to lớn, là một nguồn tư liệu quý về lịch sử hoạt động của Chính phủ Việt Nam, về sự hoạt động, lãnh đạo của các thành viên Chính phủ Lâm thời, đặc biệt là vai trò lãnh đạo vô cùng tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đứng đầu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
Trưng bày nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Tập sắc lệnh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 22/1/2016. Với 117 sắc lệnh tiêu biểu được chọn lọc từ Tập sắc lệnh, Trưng bày được chia làm 4 phần, gồm các nội dung: Cách mạng Tháng Tám thành công - Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Bước đầu xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước; Khắc phục khó khăn kinh tế, tài chính; Xây dựng, phát triển văn hóa, giáo dục, củng cố quốc phòng, an ninh - xã hội, ngoại giao.
Khách quốc tế tham quan Trưng bày |
Điểm đặc biệt từ các Sắc lệnh trong Trưng bày này đều là những bản gốc duy nhất, được đánh máy trên nền chất liệu giấy, có một số sử dụng giấy dó, có chữ ký tươi cũng như bút tích của Chủ tịch và một số thành viên Chính phủ lâm thời./.