(Tổ Quốc) - Sau gần 30 năm đưa vào hoạt động, phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Để mang lại sức hấp dẫn và lôi cuốn du khách đến với Bảo tàng, Bảo tàng đã thực hiện chỉnh lý, nâng cấp và ứng dụng công nghệ vào trưng bày, trải nghiệm tại 2 phòng trưng bày này.
Ngày 30/8, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức khai trương và đưa vào sử dụng phòng trưng bày số 1 và số 2 (Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày - Thái), nhằm chỉnh lý cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của du khách.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam Tô Thị Thu Trang cho biết, đã gần 30 năm, Phòng trưng bày văn hóa Việt - Mường, Tày - Thái đã phát huy hết công năng của mình, phục vụ hơn 60 triệu lượt công chúng tham quan, trải nghiệm văn hóa dân tộc. Thời gian qua đi, trưng bày trở nên lỗi thời, trong khi nhu cầu công chúng ngày càng cao, Bảo tàng tiếp tục tiếp cận công nghệ, đổi mới trưng bày. Hạng mục "Chỉnh lý hệ thống trưng bày - Phòng trưng bày văn hoá các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày - Thái" sau gần một năm thực hiện đã được hoàn thành.
Chỉnh lý trưng bày lần này với quy mô lớn đã kế thừa và sử dụng các giải pháp tiên tiến, hiện đại trên thế giới, giúp trưng bày của Bảo tàng nâng tầm cao mới, tránh sự nhàm chán và đơn điệu.
Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá cao sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, sáng tạo của tập thể Lãnh đạo và viên chức Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cả chất lượng và tiến độ.
Ông Phạm Định Phong tin tưởng rằng, những sản phẩm này được Bảo tàng cho ra mắt sẽ được công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu thích, đón nhận và từ đó, sẽ thu hút ngày càng nhiều lượt khách tham quan đến với bảo tàng.
Phòng Trưng bày số 1 và số 2 được khai trương với 24 tổ hợp trưng bày, 1000 tài liệu hiện vật và 4 phần mềm: Tìm hiểu, khám phá văn hóa theo tổ hợp trưng bày; phần mềm thực tại trộn và trò chơi trải nghiệm văn hóa; phần mềm thực tại ảo (VR) khám phá các loại hình nghệ thuật và phần mềm thuyết minh tự động sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn mới cho du khách khi đến tham quan phòng trưng bày.
Thêm vào đó, các tổ hợp trưng bày mở rộng các điểm nhấn văn hóa và chủ quyền biển đảo, có các hoạt động biểu diễn mang tính động bổ sung cho tài liệu hiện vật, thực sự làm cho trưng bày có thêm chiều sâu văn hóa, câu chuyện hiện vật trở nên sống động, giúp văn hóa các dân tộc Kinh, Mường, Thổ, Chứt nhóm ngôn ngữ Việt - Mường cũng như văn hóa 8 dân tộc Tày, Nùng, Thái, Lào, Lự, Giáy, Sán Chay, Bố Y nhóm ngôn ngữ Tày Thái dễ dàng thẩm thấu đến mỗi du khách tham quan.
Các đại biểu, du khách tham quan, trải nghiệm phòng trưng bày. (Ảnh: Lê Minh)
Nhân dịp này, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng giới thiệu trưng bày chuyên đề "Văn hóa dân tộc Mường - Truyền thống và phát triển" nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của người Mường được thể hiện qua làng bản, nhà ở, hoạt động sản xuất, nghề thủ công, văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian truyền thống. Giới thiệu 02 di sản văn hóa: Tri thức dân gian lịch tre và Lễ hội khai hạ của dân tộc Mường vừa mới được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 31/7/2022.