(Toquoc)- Trung Quốc quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% xuống 7,5%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, trong khi nền kinh tế vẫn nguy cơ đình trệ do lạm phát.
(Toquoc)- Trung Quốc quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% xuống 7,5%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, trong khi nền kinh tế vẫn nguy cơ đình trệ do lạm phát.
Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày tại Quốc hội nước này ngày 5/3 đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 là 7,5%
Khi Trung Quốc đang tìm cách để giảm sự mức độ phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào xuất khẩu và đầu tư, Báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5%. Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, mục tiêu chủ yếu của việc hạ mức tăng trưởng GDP lần này là để đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Chính phủ Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng GDP.
Hiện nay kinh tế tăng trưởng ổn định và phát triển xã hội rất quan trọng với Trung Quốc, cải thiện và phát triển hệ thống phúc lợi xã hội Trung Quốc giúp cho việc thực hiện mục tiêu mở rộng nội nhu. Ông Ôn Gia Bảo đã nêu “kiên trì phát triển trong ổn định” đặc biệt được quan tâm, khống chế lạm phát, mở rộng phát triển đến khu vực nông thôn cùng với thúc đẩy xã hội ổn định là vấn đề thảo luận trọng điểm tại Lưỡng hội năm nay. Ông Ôn Gia Bảo tuyên bố giảm mục tiêu tăng trưởng GDP, hy vọng đưa nhiều trọng tâm công tác chính phủ vào sự phát triển kinh tế cân bằng và giảm áp lực vật giá, ngoài ra, mở rộng nội nhu đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng chính là trọng điểm công tác năm nay.
Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, do đó mục tiêu của chính phủ kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 4%.
Ngày 9/3, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố một báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 3,2%, mức tăng thấp nhất trong vòng 20 tháng qua. Chuyển biến này được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đang có nguy cơ chững lại.
Mức lạm phát tháng 2 phần nào xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư quốc tế về nguy cơ chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% xuống 7,5%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Nhưng nền kinh tế vẫn có ba nguyên nhân đình trệ
Mạng Quan sát Kinh tế (Trung Quốc) gần đây đăng bài phân tích “Ba nguyên nhân có thể khiến kinh tế Trung Quốc bị đình trệ trong năm 2012” của Tôn Kiếm, chuyên viên nghiên cứu của Ban kinh tế-xã hội thuộc tạp chí Cầu thị (Trung Quốc). Tác giả cho rằng hiện nay kinh tế Trung Quốc rất có khả năng xuất hiện tình trạng đình trệ do lạm phát.
Nguyên nhân thứ nhất, do giá dầu mỏ và giá quặng quốc tế đang ở mức cao, làm tăng giá thành sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, kìm hãm khả năng mở rộng quy mô doanh nghiệp và khả năng tạo thêm công ăn việc làm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc cao độ vào nguồn năng lượng và nguồn tài nguyên khoáng sản. Giá thành sản xuất của doanh nghiệp không ngừng tăng lên, làm giảm lợi nhuận và năng lực tạo công ăn việc làm của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp khó mở rộng tái sản xuất. Ngoài ra, việc giá cả một loạt các mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế tăng cao thời gian gần đây cũng ảnh hưởng tới tình trạng lạm phát trong nước của Trung Quốc.
Ký họa: Làm sao cân đối nhu cầu nội-ngoại?
Nguyên nhân thứ hai, trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, Trung Quốc đã áp dụng chính sách tài chính tích cực và chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến tính lưu động quá dồi dào, không ngừng gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2008 của Trung Quốc là 180 tỷ NDT. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã tăng thêm gói đầu tư 4.000 tỷ NDT, đồng thời dự toán bội chi ngân sách năm 2009 sẽ tăng lên ở biên độ lớn. Bội chi ngân sách nhà nước Trung Quốc năm 2010 là 800 tỷ NDT. Năm 2009, Trung Quốc cho vay mới 9.600 tỷ NDT; năm 2010 con số này là 7.900 tỷ NDT; năm 2011 là 7.470 tỷ NDT. Trong điều kiện nhà nước thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách nới lỏng tiền tệ vừa phải, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã được đảm bảo, nhưng cũng gây ra tình trạng lạm phát nghiêm trọng ở một chừng mực rất lớn cũng có thể nói tăng trưởng kinh tế trong hai năm vừa qua đã phải trả giá bằng lạm phát.
Từ năm 2010 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không ngừng lập các mốc mới, tăng từ 1,5% hồi tháng 1 lên 5,1% vào tháng 11/2011. Tới tháng 7/2011, chỉ số CPI nhảy vọt lên 6,5%, khiến cuộc sống thường ngày của người dân thường chịu rất nhiều ảnh hưởng. Năm 2011, sau khi Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát làm mục tiêu quan trọng hàng đầu, Ngân hàng Nhân dân đã liên tiếp 6 lần nâng lãi suất tiền gửi bằng vàng và 3 lần nâng lãi suất tiền cho vay nhằm thu hẹp tính lưu động, nhưng lạm phát vẫn chưa thực sự được kiềm chế hiệu quả. Hơn nữa vấn đề khó khăn trong lưu thông vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng trở nên nghiêm trọng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực của phá sản, điều này sẽ tạo thành những mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, là nhân tố tiềm ẩn dẫn đến kinh tế Trung Quốc đình trệ.
Nguyên nhân thứ ba, Mỹ đến nay vẫn chưa thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, chính sách nới lỏng tiền tệ đã dẫn tới tình trạng lạm phát mang tính toàn cầu. Như vậy, giảm thiểu tài sản tiền mặt, giữ tài sản hiện vật đã trở thành sự lựa chọn lý tính, giá cả của một loạt hàng hoá chủ chốt tăng cao là khó có thể tránh khỏi. Ngoài ra, các nước trên thế giới đã áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm đối phó với khủng hoảng, khiến cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong nước của Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn là khó có thể tránh khỏi, các doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) liên tiếp bị vỡ nợ chính là bằng chứng rõ nét nhất.
Dưới tác động của chính sách vĩ mô tại Trung Quốc và môi trường kinh tế quốc tế hiện nay, giá cả các mặt hàng nói chung chịu ảnh hưởng bởi lượng cung tiền mặt giai đoạn trước quá lớn và lạm phát mang tính du nhập, khó có thể hạ xuống, trong khi đó tình trạng thất nghiệp cũng không được tháo gỡ, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu lạm phát. Mặc dù, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế vài năm gần đây luôn duy trì ở mức trên dưới 10%, nhưng phương thức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là phương thức thô điển hình (dựa vào xuất khẩu hàng gia công, sử dụng nhiều sức lao động v.v..), tăng trưởng kinh tế thấp hơn 8% sẽ xuất hiện dấu hiệu của suy thoái, ngoài ra, tỉ lệ đăng ký thất nghiệp tại thành thị hơn 4% căn bản không phản ánh đúng tình trạng thất nghiệp. Cho nên, Trung Quốc hoàn toàn không thể căn cứ vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ đăng ký thất nghiệp tại thành thị mà đơn giản phán đoán Trung Quốc không thể xảy ra tình trạng kinh tế đình trệ do lạm phát.
Theo tác giả, một khi rơi vào tình trạng kinh tế đình trệ, điều tiết vĩ mô sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, để kích thích tăng trưởng kinh tế nên phải thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ mang tính mở rộng, do kinh tế thực thiếu điểm nóng đầu tư. Tình trạng thất nghiệp sẽ không được giải quyết, vốn quá thừa sẽ đổ vào các lĩnh vực kinh tế ảo, khiến cho giá cả các loại tài sản tăng đột ngột; trong khi thực hiện chính sách ổn định giá cả mang tính thắt chặt, do đầu tư và tiêu dùng thấp nên khiến tăng trưởng kinh tế rơi vào đình trệ./.
Lưu Việt