Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần tăng cường công tác đối thoại, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp phụ trách công tác tiếp công dân.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.
Vẫn còn tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài
Trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp trên một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, nhà ở...
So với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch để hướng dẫn các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, lập danh sách vụ việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, các vụ việc địa phương giải quyết (trong đó có 37 vụ việc do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo giải quyết; 221 vụ việc đã có kết luận của các cơ quan Trung ương đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm và báo cáo kết quả về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp sở, ngành thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu theo quy định của Luật Tiếp công dân, đặc biệt là trong các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người. Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra.
Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2019, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang khẳng định tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan nhà nước nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng.
Trong 10 tháng qua, Tòa án nhân dân các cấp đã nhận hơn 20.000 đơn thư các loại, trong đó có 4.193 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết hầu hết các trường hợp đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết. Chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, số lượng các loại vụ án phải thụ lý, giải quyết trong 10 tháng qua tăng đột biến gây áp lực rất lớn cho các tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Số lượng thẩm phán, thẩm tra viên để bố trí cho các Tòa án nhân dân cấp cao còn thiếu nhiều so với nhu cầu công việc.
Báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy thời gian gần đây, một số trường hợp gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về hành vi "Làm sai lệch hồ sơ vụ án," "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội," "Ra bản án trái pháp luật"... Tuy nhiên, thực chất nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Khi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, công dân không đồng ý và yêu cầu phải xử lý theo tội danh đã tố giác, dẫn đến vụ việc trở thành khiếu nại gay gắt, kéo dài...
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp nhận hơn 72.000 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị, phản ánh, trong đó, đơn không đủ điều kiện xử lý, không thuộc thẩm quyền giải quyết, kiểm sát việc giải quyết của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chiếm 42%. Vì vậy, công tác phân loại, xử lý đơn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến các công tác nghiệp vụ khác của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thực tế vừa qua đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 đã có chuyển biến theo hướng tích cực, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật đối với trên 85% vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Điều đó thể hiện sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng.
Một số ý kiến cho rằng cần khắc phục một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo hiện nay là tình trạng không nhất quán trong việc xử lý, giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền các cấp đối với những khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực nêu trên; kiên quyết hơn trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm.
Báo cáo thẩm tra các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án và ngành kiểm sát năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng thời gian qua, ngành tòa án và Kiểm sát các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và tòa án được quan tâm, tỷ lệ giải quyết đạt cao, qua đó đã kịp thời hủy bỏ nhiều quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ, trái pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Tư pháp nhận thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến so với năm 2018 nhưng vẫn chưa đạt 50% tính trên số đơn đã thụ lý, vẫn còn hơn 10.000 đơn chưa được giải quyết, cho thấy các giải pháp của Viện Kiểm sát nhân dân trong năm 2019 chưa thật sự phát huy hiệu quả tích cực và chưa tạo được chuyển biến rõ nét.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó cần chú trọng công tác nhân sự, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo
Tại Phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ khá cao, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chuyển biến. Những vụ việc cũ liên quan đến tranh chấp chủ yếu được giải quyết dứt điểm; những vụ phát sinh không nhiều.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, nhiều vụ tưởng như bế tắc nhưng khi các bên liên quan ngồi lại với nhau đã đem lại kết quả cao. Công tác thanh tra công vụ được tăng cường và đổi mới mạnh mẽ, nhất là các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã thể hiện được vai trò trong việc tiếp xúc với người dân, giải quyết những vấn đề trong quản lý và sử dụng đất đai, tham nhũng...
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng một trong những bất cập trong thời gian qua là việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên chưa đảm bảo. Nhiều nơi lịch họp của cấp trên trùng với lịch tiếp dân nên công tác này vẫn còn bị xao nhãng, cần được quan tâm nhiều hơn để có kế hoạch làm việc khoa học, hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc phân loại đơn thư, khiếu nại bị sai dẫn đến việc xử lý không đúng, khiến cho người khiếu nại tiếp tục gửi đơn thư vượt cấp.
"Đáng lẽ bức xúc của người dân sẽ được xử lý ngay tại cơ sở chứ không cần phải đưa lên cấp trên," bà Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định việc giải quyết khiếu nại tố cáo phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền, như vậy việc xử lý đơn thư mới đúng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng để công tác này đạt hiệu quả, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Hiện đã có phần mềm cơ sở dữ liệu và bước đầu cập nhật tại các địa phương nhưng chưa đầy đủ. Thời gian tới, hệ thống khi đi vào hoạt động tốt sẽ giúp cho việc xử lý đơn thư của người dân đạt hiệu quả cao.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận, công tác chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động tiếp dân đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo hơn. Chính phủ đã thành lập các Tổ chuyên trách đi giải quyết những vấn đề phức tạp của từng địa phương...
Cho rằng các cán bộ, công dân thực hiện tốt tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần tăng cường công tác đối thoại, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp phụ trách công tác tiếp công dân, vì đây là hoạt động rất quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới./.