• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ

Văn hoá 20/09/2022 20:42

(Tổ Quốc) - Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002. Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay trung tâm đã từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế.

Đây được coi là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ  - Ảnh 1.

Đến nay, VCPMC phát triển đến con số gần 5.200 tác giả

Kể từ giai đoạn đầu tiên với số lượng thành viên là 274 nhạc sĩ, đến nay, VCPMC phát triển đến con số gần 5.200 tác giả. Tổng số tiền VCPMC đã thu được qua 20 năm (2002-2021) là: 1.063.200.000.000 đồng.

Năm 2022, Trung tâm phấn đấu đạt trên 230 tỉ đồng.

Ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC chia sẻ, mỗi dòng nhạc khác nhau cũng đem lại số tiền tác quyền không giống nhau. Cụ thể như các tác phẩm thuộc dòng nhạc cách mạng, truyền thống, có sức sống lâu bền với khán, thính giả nên tác quyền thu được từ dòng này khá ổn định qua nhiều năm.

Tuy nhiên, dòng nhạc thị trường, nhạc nhẹ thì có sự trồi sụt rất rõ rệt tùy theo sức nóng của tác phẩm. Có những bài "hot" có tác quyền tăng rất nhanh nhưng thời gian kéo dài không lâu và nhanh chóng sụt giảm.

Tính đến tháng 9/2022, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, VCPMC hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp giữa VCPMC và các tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

Thu nhập tiền bản quyền tác phẩm Việt Nam thu về được từ các tổ chức nước ngoài (CMOs) kể từ năm 2010, sau khi VCPMC gia nhập CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời) và bắt đầu mở rộng ủy quyền với các tổ chức song phương trên thế giới đến nay đạt 19.990.000.000 đồng và tăng dần trong các năm.

Hiện VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc, gồm: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh-truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, nhà hàng, phòng karaoke, quán bar, cà-phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, khu mua sắm, khu vui chơi, cơ sở chăm sóc sức khỏe-thể dục-thẩm mỹ, rạp chiếu phim…

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing) cụ thể là: Hội bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Vui mừng với những bước trưởng thành của VCPMC, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh mong muốn và kỳ vọng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo vi phạm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, nhất là trên môi trường số hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0.

Nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn sẵn sàng, giúp đỡ về mọi mặt để VCPMC phát triển xứng tầm. “Vội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với 20 năm xây dựng và trưởng thành sẽ tự tin vững bước trước những đòi hỏi, thách thức của thời đại kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chỉ có như vậy, nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn” – nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định.

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VCPMC sẽ được tổ chức ngày 7/10 tại Hà Nội. Dự kiến sẽ có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế tham dự./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ