• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hoàn toàn phi lợi nhuận

Thời sự 23/10/2020 19:02

(Tổ Quốc) - Sau khi nghe các ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm .

Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hoàn toàn phi lợi nhuận - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Ngày 23/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại phiên thảo luận này, do còn ý kiến khác nhau về việc đơn vị công lập sự nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án vào dự thảo luật.

Trong đó, phương án 1 “Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế” được nhiều đại biểu quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn có một số ý kiến khác bày tỏ ủng hộ phương án 2 “Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế”.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo đó, về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật trong đó có vấn đề giao nhiệm vụ cho Trung tâm dịch vụ việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước nhu cầu từ các địa phương của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ đã đồng ý cho 6 tỉnh làm thí điểm.

Theo đó, 6 tỉnh này làm việc thí điểm với các địa phương của Hàn Quốc, chỉ tập trung đưa một lực lượng lao động ngắn hạn 3 tháng đến 5 tháng ở độ tuổi lao động cho đến 60 tuổi.

Theo Bộ trưởng, việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để cắt giảm chi phí cho người lao động, bởi vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.

Hoàn toàn phi lợi nhuận

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết thêm, ở đây không có tranh chấp với doanh nghiệp bởi hoạt động này hoàn toàn phi lợi nhuận.

Theo đó, trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân một địa phương của Việt Nam với phía Hàn Quốc, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo với các Bộ là Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB&XH, Bộ Ngoại giao đồng ý thì mới tiến hành.

Bộ trưởng LĐTB&XH cho hay, trung tâm này chỉ thực hiện ở công việc khi được giao. Hơn nữa, hoạt động này diễn ra ở những thời điểm nhất định, thời gian thực hiện trong 3 đến 5 tháng. Hoạt động này không làm phát sinh bộ máy, tổ chức mới.

Được biết, sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ LĐTB&XH đã có trao đổi với cơ quan quản lý lao động của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Phía nước ngoài họ chỉ đồng ý về nguyên tắc giao cho một đơn vị trực thuộc tỉnh, nhưng không thu phí, không có lợi nhuận. Do đó, không giao cho đơn vị phi lợi nhuận thì cũng có nghĩa là cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động sẽ mất đi” - Bộ trưởng Bộ LĐB&XH Đào Ngọc Dung nói rõ.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ