(Tổ Quốc) - “Để thực hiện hiệu quả chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm luôn cố gắng hết mình để hỗ trợ người lao động một cách tốt nhất. Trong thời gian đại dịch Covid-19, theo quy định sẽ cho phép người lao động được gửi hồ sơ qua đường bưu điện; thực hiện các thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm qua hình thức gián tiếp như: điện thoại, email, dịch vụ bưu chính để làm sao hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo giải quyết được quyền lợi, chế độ cho người lao động”, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh.
Sau hơn 11 năm thực hiện, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò là "điểm tựa" an sinh cho người lao động khi mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp đã chứng minh hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi thời gian qua đã bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động và giúp họ có cơ hội để quay lại với thị trường việc làm.
Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp:
-Xin ông cho biết về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay?
+ Từ T1/2021 đến giữa tháng 11/2021 có 56.000 lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này, gần như tất cả hồ sơ đều được giải quyết để thụ hưởng chính sách.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội - Clip: Việt Hùng
So với cùng kỳ năm 2020 con số này giảm khoảng 20%. Lý do là vì năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến sản xuất, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng như vậy. Theo chúng tôi quan sát, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Chính phủ đã có rất nhiều những chính sách an sinh phù hợp để hỗ trợ người lao động. Tôi cho rằng, có thể là do các chính sách hỗ trợ tác động kịp thời đã hỗ trợ được doanh nghiệp và người lao động trong giao kết quan hệ lao động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã cố gắng "giữ chân" người lao động bằng những chính sách phù hợp. Và người lao động, do tâm lý, cũng ngại "nhảy" việc hơn. Phải nói rằng có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố và con số thực tế cho thấy người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm khoảng 20%.
-Trong số những lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm, lĩnh vực nào có số người lao động bị mất việc nhiều nhất, thưa ông?
+ Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, một phần lĩnh vực sản xuất...
Trong những ngành nghề nhạy cảm và đặc biệt bị dừng để phục vụ công tác chống dịch thì những ngành nghề trên có tỷ lệ lao động bị mất việc nhiều hơn.
-Trong thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã gặp những khó khăn gì, thưa ông?
+ Đây là một trong những chính sách an sinh rất tốt, là chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp và người lao động khi họ bị mất việc làm. Là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai chính sách ở cơ sở, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người lao động thì chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh covid-19, số người đến làm thủ tục tương đối lớn, trong khi chính sách thì quy định đa phần là giải quyết trực tiếp. Đây là một trong những hạn chế tại thời điểm dịch bệnh. Chúng tôi nhận định đây là một trong những rào cản rất khó để doanh nghiệp cũng như người lao động tiếp cận chính sách khi bị mất việc làm. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Cục Việc làm, chúng tôi đã xây dựng quy trình tạm thời để làm sao giải quyết tốt nhất cho người lao động bằng cách tăng cường giao dịch gián tiếp nhằm thực hiện công tác phòng chống dịch....
Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, chúng tôi đã cố gắng thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động tiếp cận được với chính sách một cách nhiều nhất, hiệu quả nhất.
Thời gian qua, Trung tâm cũng đã thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi luôn nhận thức rằng, chỉ có làm tốt công tác phòng chống dịch thì mới duy trì được bộ máy, lực lượng để có thể hỗ trợ được nhiều hơn cho người lao động.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội - Clip: Việt Hùng
-Từ nay đến cuối năm, Trung tâm có phương án gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách Bảo hiểm thất nghiệp?
+ Để thực hiện hiệu quả chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm luôn cố gắng hết mình để hỗ trợ người lao động một cách tốt nhất. Trong thời gian đại dịch Covid-19, theo quy định sẽ cho phép người lao động được gửi hồ sơ qua đường bưu điện; thực hiện các thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm qua hình thức gián tiếp như: điện thoại, email, dịch vụ bưu chính để làm sao hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo giải quyết được quyền lợi, chế độ cho người lao động.
Cùng với thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì Trung tâm còn tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động để khi đại dịch được khống chế, sản xuất được khôi phục thì người lao động sẽ sớm quay lại thị trường lao động với tâm thế tốt hơn, có công việc bền vững hơn.
Cuối cùng, do hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin của Trung tâm còn khá thô sơ nên khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, giao dịch gián tiếp thì công việc sẽ phát sinh rất nhiều. Đứng trước những khó khăn này, Trung tâm đã có những tính toán, chuẩn bị để trong những thời điểm khó khăn, phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhằm phòng chống dịch thì vẫn có lực lượng dự phòng để thực hiện tốt nhất công việc được giao./.
-Xin cảm ơn ông!