• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp: Những dấu ấn giao lưu quốc tế

Văn hoá 07/02/2019 09:40

(Tổ Quốc)- Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Pháp với Tổ quốc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, kịp thời thông tin tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp: Những dấu ấn giao lưu quốc tế  - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai trương trụ sở mới Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ngày 27/3. Ảnh: TTXVN

Năm 2018, hai nước Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) và 05 năm đối tác chiến lược (2013-2018). Hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp tháng 3/2018 và Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thăm Việt Nam tháng 11/2018) và các hoạt động hợp tác giữa hai nước được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong bối cảnh đó, tuy cơ sở vật chất của Trung tâm chưa hoàn thành, điều kiện làm việc khó khăn và thiếu thốn, nhưng với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn lực tại chỗ, CCV đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác đề ra trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trong đó phải kể đến các hoạt động nổi bật như: lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm, gắn biển trụ sở Trung tâm và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Pháp (tháng 3/2018); Các hoạt động quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch Việt Nam với tư cách là "Khách mời danh dự" tại các Hội chợ quốc tế Caen (21-30/9/2018), Strasbourg (07-17/9/2018) và Grenbole (01-12/11/2018). Tại các hội chợ này, CCV không chỉ mang đến trưng bày các mặt hàng truyền thống như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các loại trà thảo dược, hoa quả sấy khô, mà còn giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin cho khách tham quan về văn hóa, ẩm thực, du lịch, hàng không… Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra hội chợ, CCV còn tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ dân gian, do các nghệ sỹ của Nhà nhát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (tại Strasbourg và Caen) và Nhà hát Chèo Việt Nam (tại Grenoble) thực hiện. Ngoài ra, CCV còn phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức "Tuần Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Pháp" tại thành phố Versailles (tháng 9/2018); tham gia Chương trình "Trái tim Việt Nam" gồm hơn 20 hoạt động văn hóa chính, độc đáo giới thiệu về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, do Hội Hữu nghị Việt Nam Loire-Atlantique (AVLA) và Hội sinh viên Việt Nam (AEVN) tại thành phố Nantes phối hợp tổ chức; tham gia hoạt động Tết Mậu Tuất của các lớp tiếng Việt, Nhạc, Họa của Câu lạc bộ Tre Xanh, Paris; tham gia Tết truyền thống tại Baltard Pavillon do UGVF (Hội người Việt Nam tại Pháp). Cùng với CCV, UGVF là hạt nhân quy tụ các hội đoàn đối tác người Việt tại Pháp. Chương trình đón Xuân có chất lượng cao, cả về chủ đề tư tưởng, bố cục, tính nhất quán xuyên suốt và kỹ năng biểu diễn các tiết mục; hỗ trợ Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức triển lãm ảnh về vẻ đẹp biển Việt Nam tại thủ đô Warszawa, Ba Lan ngày 02/9/2018 trong khuôn khổ "Lễ hội văn hóa Việt Nam"; phối hợp tổ chức triển lãm Tranh và tượng với Chủ đề C’est la vie (Đời là thế) của họa sỹ Vương Duy Biên tại tòa thị chính quận 13, thành phố Paris và tòa thị chính thành phố Versailles (9-2018); phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Triển lãm sách Việt Nam tại tòa thị chính thành phố Arcueil.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp: Những dấu ấn giao lưu quốc tế  - Ảnh 2.

Buổi trình diễn của Nhà hát Chèo.

Có thế nói, chuỗi các hoạt động đa dạng thực hiện trong năm 2018 về nghệ thuật biểu diễn, triển lãm tranh, mỹ thuật,…đã góp phần khắc họa rõ nét và tô đậm hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, yêu hòa bình với bạn bè Pháp.

Năm 2018, mặc dù trụ sở đang trong quá trình cải tạo, Trung tâm CCV vẫn tiếp tục duy trì và hỗ trợ các lớp tiếng Việt thuộc cả 3 trình độ A,B,C (theo giáo trình của Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Học viên của các lớp tiếng Việt trong độ tuổi từ 7 đến 12 (chiếm đa số) và học sinh người Pháp (trên 18 tuổi) cùng một số phụ huynh của các cháu lớp nhỏ tuổi; các lớp học về các loại nhạc cụ, học múa dân tộc, học võ VOVINAM và bắn cung. Giáo viên giảng dạy hiện nay (tiếng Việt và nhạc cụ dân tộc) được huy động từ nguồn tại chỗ (Việt kiều đã về hưu, các phụ huynh học sinh tình nguyện, VOVINAM tại Pháp). Học viên các lớp tiếng Việt đều đã sử dụng được tiếng Việt Nam trong giao tiếp thông thường. Các lớp học tiếng Việt, học nhạc, múa, ca hát và võ thuật cổ truyền đã góp phần quan trọng gìn giữ bản sắc và truyền thống văn hóa cội nguồn dân tộc, hướng về Tổ quốc trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Pháp.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp: Những dấu ấn giao lưu quốc tế  - Ảnh 3.

Hội chợ Grenoble.

Cùng với các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật khác, các lớp học hiện nay tại Trung tâm CCV (đặc biệt các lớp tiếng Việt) là một hướng đi thành công, cần nhân rộng và đầu tư về chiều sâu để thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Nghị quyết Trung ương 33 (khóa XI, kỳ họp thứ 9) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, CCV cũng còn một số hạn chế và khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu và hội nhập về văn hóa, thể thao và du lịch. Các hoạt động trong những năm qua đa phần tập trung ở Pháp. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của CCV tại các quốc gia EU khác được mở rộng đáng kể (Bồ Đào Nha, Ý, Ru ma ni, Hy Lạp, Croatia, Monténégro, Ko so vo, Xéc bi) thông qua vị thế là thành viên của Liên đoàn Văn hoá dân gian thế giới (IGF) nhưng mới dừng ở một số loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, giới hạn ở việc kết nối, tư vấn nội dung, kịch bản, phương pháp, hình thức tổ chức sự kiện và cung cấp tài liệu, tranh ảnh, phim, ấn phẩm cho các đối tác.

Bên cạnh đó, CCV về cơ bản mới ưu tiên cho một số lĩnh vực thuộc mảng văn hóa như: truyền bá ngôn ngữ, ca múa nhạc, giới thiệu phim, triển lãm mỹ thuật. Các nhiệm vụ liên quan đến di sản, thư viện, bảo tàng, văn học dịch... còn nhỏ về quy mô và ít về tần suất. Hoạt động Du lịch và Thể thao chưa thường xuyên, còn thụ động.

Để khắc phục những khó khăn và thách thức trên, CCV đã sớm xác định mục tiêu trọng điểm, đặt ưu tiên vào việc truyền bá tiếng Việt, một nội hàm cơ bản của văn hóa. Từ đó, huy động nguồn lực, tranh thủ ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mở và duy trì được các lớp dạy tiếng Việt cho các đối tượng nhi đồng trong cộng đồng người Việt tại Pháp và cả người Pháp lớn tuổi; các lớp dạy học ca, múa, nhạc, hội họa và học võ cổ truyền Việt Nam. Các lớp học này đã cộng hưởng các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa khác, góp phần lan tỏa sâu rộng văn hóa Việt trên đất Pháp.

Thương hiệu CCV tại Pháp đã trở nên gần gũi và quen thuộc đối với bạn bè và Việt kiều không riêng ở Pháp mà còn ở các nước Châu Âu. Một Ngôi nhà chung và đất diễn cho các nghệ sỹ Việt kiều tại Pháp đã được khẳng định và phát triển. Các chương trình nghệ thuật của nghệ sỹ Việt kiều, sinh hoạt văn hoá, hội họp, khiêu vũ, ca hát, lớp võ cổ truyền, các lớp học tiếng Việt và nghệ thuật, các triển lãm, hội thảo, trưng bày, biểu diễn…đều được Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp hỗ trợ tổ chức tích cực và hiệu quả. Việc huy động nguồn lực tại chỗ nhằm làm cho không khí các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp thực sự mang màu sắc Việt Nam và hướng về đất nước, một trong những mục tiêu thực hiện nhiệm vụ quảng bá của mình.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp: Những dấu ấn giao lưu quốc tế  - Ảnh 4.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm trước nói chung và năm 2018, căn cứ tình hình địa bàn và điều kiện thực tế, năm 2019 CCV tập trung vào các mục tiêu trọng tâm sau:

1. Hoàn thành và tiếp nhận bàn giao trụ sở, bổ sung các thủ tục pháp lý theo quy định sở tại đối với một định chế văn hóa nước ngoài (bảo hiểm, bảo trì, thuế, giấy phép vận hành…); ổn định chỗ ở, làm việc cho các công chức CCV; tổ chức vận chuyển kho đồ, tư liệu về trụ sở và sắp đặt theo đúng hạng mục (thư viện, trưng bày triển lãm,…); đưa các lớp học (tiếng Việt, hát, múa, nhạc, vẽ, thủ công, chế biến món ăn, võ Vovinam) trở lại trụ sở, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

2. Làm việc với các nhóm, tổ chức, đối tác liên quan và hội đoàn người Việt tại Pháp để thống nhất lịch trình hoạt động cụ thể tại trụ sở CCV, đảm bảo các hoạt động được bố trí luân phiên, khoa học và hiệu quả.

3. Tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu và quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch tại một số địa phương của Pháp và Châu Âu, gồm:

- Tổ chức đón Xuân Kỷ Hợi cho cộng đồng Việt kiều tại Paris và vùng phụ cận (Baltard Nogent sur Marne và tại một số địa phương);

- Tổ chức đón đoàn 35 nghệ sĩ dân gian IGF sang giao lưu, biểu diễn tại Việt Nam;

- Tổ chức cho đoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam – Lào – Campuchia (25 nghệ sĩ) tham dự Festival văn hóa thế giới trong khuôn khổ hợp tác với IGF tại 03 nước châu Âu (Pháp, Áo và Ru-ma-ni);

- Phối hợp với Cục Điện ảnh và Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuần lễ phim Việt Nam tại Pháp;

- Chủ trì các hoạt động Văn hóa-Du lịch trong khuôn khổ các thỏa thuận về Việt Nam là "khách mời danh dự" tại một số địa phương của Pháp;

- Phối hợp tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia các hội chợ du lịch tại Pháp và châu Âu (Fitur – Tây Ban Nha, Salon Mondial, Top Resa – Paris, ITB – Đức, WTM – Anh);

- Tổ chức một số đoàn famtrip, pressetrip vào tham quan khảo sát Du lịch Việt Nam (trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Du lịch 2019);

- Tổ chức Tết Trung thu năm 2019 cho các cháu thiếu nhi, con em cộng đồng người Việt Nam tại Pháp;

- Triển lãm tranh Việt Nam tại một số địa phương và Paris;

- Tuần lễ ẩm thực Việt Nam tại Champs de Mars (Paris) và tại Tours nhân dịp Ngày Pháp ngữ.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) được thành lập theo Quyết định số 29/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm có chức năng chính là tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, thông tin, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết của nhân dân Pháp và châu Âu đối với đất nước, con người Việt Nam; thông tin tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, xúc tiến du lịch, hỗ trợ các hoạt động thể thao. Trong chặng đường 10 năm thành lập và phát triển, Trung tâm CCV không ngừng mở rộng các hoạt động không những ở địa bàn Pháp và còn cả ở châu Âu, triển khai hiệu quả và có chất lượng nhiều chương trình, dự án có quy mô, đặc biệt chú trọng và phát huy vai trò của mình trong hợp tác với các chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội có tầm ảnh hưởng lớn. Trung tâm đã thu hút bạn bè Pháp đến tìm hiểu và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng người Việt. Các mối quan hệ chặt chẽ, có chiều sâu giữa Trung tâm với các Hội, đoàn có liên quan đến Việt Nam tại Pháp đã được hình thành. Các thiết chế văn hóa Pháp, các cơ quan báo chí Việt Nam và Pháp, các cá nhân Việt kiều, các cộng tác viên thân thiết của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã trở thành các đối tác tin cậy trong giao lưu, hợp tác văn hóa đối ngoại.



Nghiêm Xuân Đông (Từ Paris)

NỔI BẬT TRANG CHỦ