• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trùng tên "Hoa hậu Hòa bình", Viện sở hữu trí tuệ công bố giám định

Văn hoá 27/06/2022 14:16

(Tổ Quốc) - Trước những lùm xùm tranh chấp bản quyền tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng, phía Minh Khang đã thực hiện giám định sở hữu công nghiệp nhằm khẳng định không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có tới 2 văn bản được Công ty Minh Khang (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đưa ra trong cuộc gặp mặt báo chí do công ty này tổ chức chiều ngày 25/6 tại Hà Nội, để chứng minh tính hợp pháp khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Đó là Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC. Cả hai đều do giám định viên Phạm Đình Chướng thực hiện từ ngày 13- 20/6 tại trụ sở Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Hai văn bản này do Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký.

Trùng tên "Hoa hậu Hòa bình", Viện sở hữu trí tuệ công bố giám định - Ảnh 1.

Hai văn bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp do phía Minh Khang yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện

Ông Chung Thanh Khoa - đại diện pháp lý của Công ty Minh Khang cho biết: "Sự việc tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa hai đơn vị gây ảnh hưởng nhất định đến cuộc thi do Minh Khang tổ chức. Tuy nhiên, phía Công ty Minh Khang hoàn toàn có đầy đủ giấy tờ pháp lý và có thể yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu như bất cứ đơn vị, tổ chức nào đang có những hành vi xâm phạm. Hiện tại có Công ty Sen Vàng đang sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, đây là tên gọi cuộc thi đã được cấp phép cho công ty Minh Khang từ năm 2017".

"Trên tinh thần thiện chí cũng như mục tiêu của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Peace Vietnam, Công ty Minh Khang luôn mong muốn giải quyết mọi tranh chấp trong hòa bình, hoàn toàn không muốn gây thiệt hại cho cả hai bên"- ông Chung Thanh Khoa nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương), Giám đốc Công ty Minh Khang, cho biết công ty của bà đã xin thẩm định hai việc. Một là Công ty Minh Khang có vi phạm sở hữu trí tuệ gì của Sen Vàng (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) hay không. Hai là Công ty Minh Khang có đang bị Sen Vàng vi phạm sở hữu trí tuệ không. “Chúng tôi thẩm định chéo như vậy cho khách quan”, bà Thùy nói.

Trùng tên "Hoa hậu Hòa bình", Viện sở hữu trí tuệ công bố giám định - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Giám đốc Công ty Minh Khang thông tin về vụ việc

Theo Văn bản NH268-22YC, không có đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” trong cụm từ “Thể lệ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” dự định sử dụng cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp là tương tự đến mức gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154 (nhãn hiệu cấp cho Miss Grand International).

Theo Văn bản NH275-22YC, dấu hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” trình bày trên “Mẫu đơn đăng ký dự thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” được giới thiệu trên trang Facebook nhằm quảng cáo cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp (trang Facebook của MissGrandVNOfficial) là yếu tố xâm phạm quyền. Nó đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 326167 của Công ty Minh Khang.

Trước đó, đại diện pháp luật của Sen Vàng đã giải thích về việc Miss Grand lại là Hoa hậu Hòa bình. Theo đó, cuộc thi Miss Grand International hướng đến mục tiêu, tôn chỉ là “Stop war and violence (Chấm dứt chiến tranh và bạo lực)” nên được biết đến như một cuộc thi sắc đẹp vì hòa bình. Cũng vì vậy mà Miss Grand International được Việt hóa thành tên gọi Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Miss Grand Vietnam thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Về điều này, ông Chung Đăng Khoa cho rằng hiện tại cơ chế xác lập quyền cũng như đối tượng sở hữu công nghiệp không bảo hộ về ý tưởng. “Nghĩa là không biết thông điệp, ý tưởng đó mang tính được tuyên bố gì, người ta chỉ cần biết là bảo hộ nhãn hiệu thế nào thì sử dụng như vậy. Trên thực tế thì Vietnam Peace Bella của Công ty Minh Khang được bảo hộ, thì dịch sang không trên ý tưởng gì hết, dịch sát nghĩa luôn là Sắc đẹp hòa bình Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức cuộc thi với tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là sử dụng nhãn hiệu nằm trong phạm vi bảo hộ của chúng tôi đã được cấp”, ông Khoa nói.

Phía Công ty Minh Khang cũng cho biết đã nộp đơn lên Sở KHCN TP.HCM. Ông Khoa cho biết, hai kết luận giám định trên rất quan trọng trong quá trình này. “Về tính pháp lý của kết luận, đây là một cơ sở rất quan trọng trong việc quyết định xử phạt hành chính cũng như dân sự các tổ chức có liên quan. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng chứ không phải một bản án. Để xử phạt hành chính phải có một kết luận nhất định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ xác định có xâm phạm quyền hay không”, ông Khoa nói.

Trùng tên "Hoa hậu Hòa bình", Viện sở hữu trí tuệ công bố giám định - Ảnh 3.

H’Hen Nie là đại sứ cuộc thi Miss Peace Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy khẳng định, với hai văn bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp do phía Minh Khang yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện đã có đủ tính pháp lý để khởi kiện Công ty Sen Vàng về vấn đề bản quyền tên gọi.

Song với tiêu chí và mục đích của cuộc thi sắc đẹp, bà Thanh Thùy vẫn khẳng định mong muốn được đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp với Sen Vàng: "Chúng tôi đã gửi văn bản đến phía Sen Vàng với những thiện chí nhất định song hiện tại Minh Khang vẫn chưa nhận lại được bất cứ phản hồi nào từ phía Sen Vàng. Chúng tôi luôn muốn giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình nhất, nhưng nếu phía Sen Vàng vẫn tiếp tục sử dụng tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam chúng tôi sẽ có những hướng đi quyết liệt hơn nhằm bảo vệ dự án của chúng tôi tới cùng".

Trước đó, Công ty Minh Khang công bố bản quyền Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, trong khi đó công ty Sen Vàng là đơn vị đang tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022.

Phía Công ty Sen Vàng phản đối kịch liệt chuyện công ty Minh Khang đang dùng tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" để tổ chức cuộc thi và cho biết, ngày 9/4/2021, Miss Grand International Co,. Ltd - có trụ sở đặt tại TP. Băng Cốc, Thái Lan - đơn vị nắm bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế đã cấp phép cho Công ty Sen Vàng sử dụng nhãn hiệu cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và được phép tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam để chọn ra người đẹp đủ điều kiện để đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế từ năm 2022 đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Công ty Sen Vàng cũng cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2768/2022/QTG ngày 08/04/2022 đối với Kịch bản Cuộc thi nhan sắc "Miss Grand Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 3386/2022/QTG ngày 10/05/2022 đối với Logo "Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" - do Cục Bản quyền tác giả cấp.

Chính vì thế việc cùng sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã gây ra sự trùng lắp và dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.

Trong một động thái kịp thời và cần thiết, Bộ VHTTDL đã có văn bản chấn chỉnh công tác thi hành quy định của pháp luật về hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương. Theo Bộ VHTTDL, sự trở lại của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cả nước sau thời gian gián đoạn vì Covid-19 đã góp phần quan trọng trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong việc phục hồi kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có những hiện tượng vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cần chấn chỉnh để xây dựng một môi trường thưởng thức văn hóa lành mạnh, đúng định hướng, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quyền tác giả, quyền liên quan. Rà soát các văn bản chấp thuận, giấy phép trong hoạt động văn hóa bảo đảm tính thống nhất giữa tên gọi với nội dung, danh hiệu, giải thưởng và theo đúng đề án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, giám sát nội dung việc thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được chấp thuận; thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Việc tiếp nhận có chọn lọc thông tin dư luận và cơ quan báo chí, truyền thông cũng là nội dung cần thiết để kịp thời xử lý, chấn chỉnh công tác thi hành quy định pháp luật về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, cuộc thi người đẹp, người mẫu tại địa phương.

Các địa phương cũng cần chú trọng việc bảo đảm các hoạt động khai thác, sử dụng các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải tuân thủ và thực hiện theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, đúng quy định của pháp luật; khi chấp thuận tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần được chọn lọc để phù hợp với tình hình thực tiễn văn hóa - xã hội tại địa phương.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ