(Tổ Quốc) - Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Sáng 7/11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Ông Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an |
Cuộc họp có Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Chuyển từ sổ hộ khẩu giấy sang... điện tử
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát- Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay, từ hôm Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 rộ lên thông tin bỏ hộ khẩu. Hiện công tác quản lý dân cư tại Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện, để đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân và quản lý nhà nước. Mỗi công dân đang có nhiều giấy tờ với nhiều mẫu khác nhau: giấy khai sinh, học bạ, sổ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… nhưng dùng theo kiểu thủ công. Đồng thời khi tiến hành thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều giấy tờ gây phiền hà.
Do vậy, ông Trần Văn Vệ khẳng định, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư. Hiện Bộ Công an đang được giao xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư. Để thu thập thông tin về một con người, phải có 15 trường thông tin. Sau này dựa trên thông tin thu thập được, Bộ Công an sẽ cấp mã số định danh trong một thẻ căn cước để công dân có thể thực hiện bất cứ một giao dịch nào mà không phải mang nhiều loại giấy tờ khác nhau. Người dân chỉ khai lần đầu và từ đó về sau, cơ quan nhà nước dựa vào cơ sở dữ liệu đó để thực hiện các giao dịch.
Ông Trần Văn Vệ thông tin đến báo giới |
Trung tướng Trần Văn Vệ cũng khẳng định, ở đây chỉ là thay đổi cách làm từ thủ công sang công nghệ. Sau này bỏ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân. Hiện cấp căn cước công dân mới thực hiện thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố.
Tới 1/1/2020 sẽ cấp căn cước trong toàn quốc, nếu người dân nào không muốn chuyển đổi sang căn cước thì vẫn được quyền sử dụng bằng chứng minh thư. Về sổ hộ khẩu, sau 3 năm nữa, khi Bộ Công an có dữ liệu công dân thì khi các bộ ngành có giao dịch gì thì chỉ cần vào lấy thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây phiền hà cho người dân.
“Chắc chắn tới năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ. Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, không có quốc gia nào bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu cả. Ở đây chỉ là chuyển sang công nghệ” – Trung tướng Trần Văn Vệ nói.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử.
Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
“Sau khi dự án hoàn thành hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Thông tin cơ bản về công dân được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống, trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư”- Thiếu tướng Lương Tam Quang nói.
Ông cũng khẳng định, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.
Công an phường, xã, thị trấn chuẩn bị tới từng hộ dân thu thập thông tin cá nhân
Việc xây dựng dữ liệu, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, “khó khăn nhất là giai đoạn thu thập vì kỳ công. Còn tới khi cập nhật thì máy móc đã có sẵn. Làm sao tập huấn kỹ, sâu với từng tỉnh, mỗi tỉnh huy động vài trăm cán bộ”.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác này trên toàn quốc. Sau tập huấn, cán bộ công an xã, phường sẽ phát bảng kê để xuống từng hộ đối chiếu dữ liệu của mình, sau đó sẽ xác thực và nhập dữ liệu.
“Chúng tôi phấn đấu tới năm 2020 thì dự án hoàn thành với hàng vạn cán bộ công an tham gia làm. Đây là dữ liệu gốc nên phải chuẩn xác, không sai sót bởi chỉ sai một tên đệm thì cũng phải đối chiếu lại. Chúng tôi đã làm thí điểm tại Hải Phòng với 1,8 triệu dữ liệu”- Trung tướng Vệ cho biết.
Song Đào