(Tổ Quốc) - Bầu Đức có mối quen đặc biệt với bóng đá Nhật Bản và điều này giúp ích nhiều cho bóng đá Việt Nam nhưng cũng mang đến không ít tiếc nuối.
NỖI ĐAU "QUÁ TAM BA BẬN" TRƯỚC U19 NHẬT BẢN
Đầu năm 2014, đại gia phố Núi muốn ra mắt NHM Việt Nam lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... bằng cách tổ chức cúp Tứ hùng gồm U19 Việt Nam (nòng cốt là U19 HAGL), U19 AS Roma, U19 Tottenham và U19 Nhật Bản.
Nếu 2 trận gặp AS Roma và Tottenham, chủ nhà đều chơi không tệ, thì riêng trận gặp Nhật Bản, Công Phượng và đồng đội thua "không còn manh giáp", không thể hiện được gì với tỷ số 0-7.
Cúp Tứ hùng 2014: U19 Việt Nam 0-7 U19 Nhật Bản
Đến tháng Chín cùng năm, U19 Việt Nam vẫn với nòng cốt là U19 HAGL có cơ hội để trả nợ người Nhật, khi cùng tham dự giải vô địch U19 ĐNÁ tổ chức tại Hà Nội. U19 Nhật Bản tham gia giải này với tư cách khách mời và còn nằm ngay bảng B với chủ nhà.
Đã cảnh giác trước lối chơi ban bật ngắn, kĩ thuật của Nhật Bản, lần này U19 Việt Nam không bị vỡ trận như trước. Nhưng ở vòng bảng, dù chơi hết sức nỗ lực trong sự cổ vũ của hàng vạn NHM, Công Phượng và đồng đội vẫn thua 2-3. Văn Toàn là người mở tỷ số ngay phút 22, còn Công Phượng ghi bàn cuối của trận đấu trên chấm 11m phút bù giờ. Ở giữa đó, Nhật Bản 3 lần sút tung lưới chúng ta.
U19 AFF Cup 2014: Việt Nam 2-3 Nhật Bản
Cũng cần phải nhắc thêm, giải U19 ĐNÁ 2014 là một sự kiện đột biến của làng bóng đá Việt Nam và có lẽ là của cả thế giới. Hiếm nơi nào mà một sự kiện bóng đá trẻ lại gây được sức hút lớn đến vậy.
Mức giá chợ đen khi đấy có những lúc tăng hơn 10 lần mức giá gốc và số người vào sân mỗi khi U19 Việt Nam thi đấu đều vượt quá sức chứa trên lý thuyết của SVĐ Mỹ Đình. Người ta chen chúc nhau để xem đội nhà thi đấu và ai không thể vào sân cũng tụ tập rất đông bên ngoài cổ vũ, xem qua các màn hình lớn ở những quán cafe cạnh đấy.
Giải đấu tưởng như đã đi tới một cái kết đẹp nhất cho bầu Đức và NHM Việt Nam, khi chúng ta tới trận Chung kết rồi tái ngộ Nhật Bản. Ai cũng hào hứng chờ đợi đội nhà trong lần thứ 3 gặp U19 Nhật Bản ở năm 2014 sẽ có kết quả khác đi.
Đáng tiếc, ở trận Chung kết, U19 Việt Nam tiếp tục chơi tốt nhưng không tránh khỏi lần thứ 3 thất bại, với tỷ số tối thiểu 0-1. Omotehara là người ghi bàn thắng duy nhất cho đội bạn ở phút 74. Quá tam ba bận, lũ trẻ của bầu Đức vẫn không thể đòi được nợ trước U19 Nhật Bản mà lại "nợ chồng thêm nợ".
Video Chung kết U19 AFF Cup 2014: U19 Việt Nam 0-1 U19 Nhật Bản:
Ngập tràn tiếc nuối nhưng giải đấu năm 2014 vẫn được xem là thành công của U19 Việt Nam với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... khi có các màn trình diễn làm mãn nhãn NHM. Dù sao Nhật Bản cũng là nền bóng đá hàng đầu châu lục và thua họ cũng chẳng có gì phải xấu hổ, thậm chí việc có nhiều cơ hội cọ xát là rất đáng mừng.
Sau giải đấu, bầu Đức cũng tỏ ra bất bình khi một HLV có những nhận xét chê trách đội nhà và HLV Graechen: "Chúng tôi và các HLV cùng chuyên gia của Học viện HAGL Arsenal JMG biết chúng tôi đang làm gì nên nếu muốn tuyển tiến bộ thì các 'chuyên gia' chịu khó im lặng, bớt nói lại để theo dõi các em ấy rèn luyện, thi đấu".
CHUYẾN XUẤT NGOẠI THẤT BẠI CỦA CÔNG PHƯỢNG VÀ TUẤN ANH
Năm 2016, bầu Đức cho cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh sang Nhật Bản "du học". Công Phượng cập bến Mito Hollyhock, còn Tuấn Anh đến Yokohama FC. Hai thương vụ "bom tấn" đã tạo nên rất nhiều kì vọng. Trước đó, Công Vinh từng đến Sapporo và cũng để lại những ấn tượng nhất định.
Giờ đây, người ta kì vọng 2 ngôi sao được ăn tập đàng hoàng của bầu Đức sẽ làm nên chuyện tại xứ người. Song đáng tiếc, cả Công Phượng và Tuấn Anh đều thất bại tại Nhật Bản, không để lại dấu ấn đặc biệt nào và về nước sau một năm chủ yếu ngồi dự bị.
Sau đấy, Yokohama và Mito Hollyhock vẫn muốn mượn tiếp 2 ngôi sao HAGL vì khả năng truyền thông quá tốt, nhưng CLB phố Núi đã từ chối vì nếu tiếp tục chỉ là chuyện lợi người hại ta.
VỊ HLV GÂY TRANH CÃI MIURA
Đã có không ít lời đồn rằng VFF ký hợp đồng cùng HLV Miura vì có liên quan đến bầu Đức. Bởi lẽ bầu Đức có mối quan hệ rất thân với bóng đá Nhật Bản và khả năng lớn chính là người đã kéo gần khoảng cách giữa LĐBĐ xứ Mặt trời mọc với LĐBĐ Việt Nam.
Cũng cần phải biết, sau này nhiều vị HLV lên cầm ĐTQG đều có sự chi phối của bầu Đức, là HLV Hữu Thắng hay HLV Park Hang-seo. Nên việc ông Miura đến Việt Nam có cái "gật đầu" của bầu Đức trong đó không lạ.
Trong thời gian gần 2 năm ở Việt Nam, HLV Miura đã có những thành công và thất bại, thật khó để đánh giá.
Ông từng giúp Olympic Việt Nam tạo nên cơn địa chấn ở Asiad 2014, trong đó nổi bật là trận thắng Iran tới 4-1. Ở một vài giải đấu khác, HLV Miura cũng có những thành công nhất định. Nhưng ông lại thất bại khi cùng ĐTQG Việt Nam đá AFF Cup 2014 hay SEA Games 2015.
Sau này, khi ông Miura bị VFF cho thôi việc đầu năm 2016, cũng lại có những lời đồn liên quan đến bầu Đức. Người ta cho rằng vì HLV Miura không thể sử dụng tốt đám trẻ phố Núi nên đã phải ra đi, nhường chỗ cho người sau này rất trọng dụng quân HAGL là HLV Hữu Thắng.
Mới đây, khi được hỏi lại việc liệu có phải bầu Đức đã khiến mình mất việc hay không, HLV Miura trả lời VNEpress: "Tôi dừng công việc sau khi đã bàn bạc với VFF. Thú thật, tôi còn chưa từng nói chuyện với bầu Đức bao giờ và tôi cũng tin rằng, không cá nhân nào có thể đứng trên nền bóng đá, thích cho ai nghỉ thì nghỉ - cho ai làm thì làm. Đây là tổ chức có quy định, có ban chấp hành. Muốn sa thải một HLV đâu phải chuyện đơn giản".
Hiện tại, bóng đá Việt Nam đang theo "mối" Hàn Quốc, sau thời gian dài cùng "mối" Nhật Bản thân mật nhưng không mang lại quá nhiều hiệu quả. Và có vẻ nền bóng đá Hàn Quốc, cụ thể là HLV Park Hangg-seo đang mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam.
Mà người đứng sau cũng lại là bầu Đức. Từ năm 2016, khi đưa Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản, bầu Đức cũng đưa Xuân Trường đến Hàn Quốc qua các quan hệ thân quen của mình...
Bài viết nằm trong tuyến SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT, xem thêm tại đây!