• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước thềm ASIAD 2018: Chủ nhà “gây khó” cho Pencak Silat Việt Nam như thế nào?

Thể thao 17/07/2018 10:51

(Tổ Quốc) - ASIAD 2018 diễn ra tại Indonesia vào tháng 8 tới đây sẽ không có các hạng cân thi đấu mà vận động viên Pencak silat của Việt Nam đã đạt huy chương vàng tại kỳ Sea Games 29 vừa qua.

Bất lợi

Theo Huấn luyện viên Đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, chuẩn bị cho ASIAD 2018 tại Indonesia sắp tới, ngay từ những ngày đầu năm, Ban huấn luyện đã tập trung cho công tác luyện tập, lựa chọn các VĐV trọng điểm cho các hạng cân.

Huấn luyện viên Đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc. Ảnh: Minh Khánh

Cũng theo HLV Nguyễn Văn Hùng, tại ASIAD 2018, Đội tuyển Pencak Silat có 18 VĐV tham gia thi đấu. Trong đó, 10 VĐV thi đấu đối kháng và 8 VĐV thi đấu biểu diễn. Riêng về đối kháng có 7 nội dung thi đấu nam gồm: 55 – 60 – 65 – 70 – 75 – 90 – 95kg), 3 nội dung thi đấu nữ gồm: 55 – 60 – 65kg.

Điều đặc biệt ở đây là, những nội dung mà các VĐV Pancak Silat Việt Nam giành được Huy chương vàng tại Sea Games 29 thì ở ASIAD lại không đưa vào thi đấu. Cụ thể như, VĐV Phạm Thị Tươi (HCV Sea Games 29 ở hạng cân 50kg), Nguyễn Duy Tuyến (HCV Sea Games 29 ở hạng cân 80kg)…

Đây là một bất lợi không hề nhỏ cho mục tiêu giành được 3 – 4 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội Thể thao châu Á lần này.

Cũng theo HLV Nguyễn Văn Hùng: “Điều này cũng dễ hiểu bởi đối với riêng bộ môn Pencak silat, Việt Nam và Indonesia là hai nước cạnh tranh nhau ngôi hạng nhất, nhì tại các kỳ thi đấu gần đây. Trong khi đó, ASIAD 2018 lại do chính Indonesia làm chủ nhà.”

Gỡ khó

Nhằm khắc phục khó khăn này, HLV Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Để các VĐV trọng điểm vẫn có thể thi đấu tại ASIAD, không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải đôn cân cho từng VĐV để phù hợp với hạng cân.”

VĐV Pencak Silat thi đấu nội dung biểu diễn tại ASIAD 2018 đang nỗ lực tập luyện. Ảnh: Minh Khánh

VĐV đôn cân phải đưa vào chế độ ăn chặt chẽ, đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, ở các giải đấu tổ chức trước giải chính cũng phải thi đấu ở hạng cân mà mình sẽ dự tính đôn lên. Việc đôn cân phải có thời gian từ  2 – 3 tháng, chứ đến gần ngày thi đấu mới có kế hoạch để ép hoặc tăng cân thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, việc đôn cân này đã khiến cho VĐV Phạm Thị Tươi (HCV Sea Games 29 ở hạng cân 50kg) dính chấn thương không thể tham dự được kỳ ASIAD sắp tới. Được biết, khi đôn lên 5kg để thi đấu ở hạng cân 55kg, VĐV Nguyễn Thị Tươi đã không chịu được cường độ, khối lượng tập luyện. Do đó, Ban huấn luyện đội tuyển buộc phải chọn VĐV giành được Huy chương Bạc ở Hạng cân 55kg là Trần Thị Thêm thay thế.

Cũng nằm trong danh sách buộc đôn cân để thi đấu, HCV Sea Games 29 (hạng cân 80kg) Nguyễn Duy Tuyến có lẽ là người vất vả nhất. Anh buộc phải đôn lên tận 10kg để thi đấu ở hạng cân 90kg. Anh Tuyến cho biết: “Về chế độ ăn uống, bình thường em chỉ ăn 3 bữa nhưng khi đôn cân phải ăn lên 4 bữa với thức ăn như mỳ tôm, xôi, sữa đặc vào các buổi tối.

“Cùng với đó thì em cũng phải tập luyện cho cơ khỏe lên để có thể chịu đựng với sức nặng mới của cơ thể. Đặc biệt là lúc mình lên cân thì phải chú ý việc khởi động trước khi tập luyện.” – nam VĐV  cho hay.

VĐV Pencak Silat Nguyễn Duy Tuyến - HCV Sea Games 29 (hạng cân 80kg) buộc phải đôn lên 10kg để thi đấu ở hạng cân 90kg tại ASIAD 2018.

Hạng cân 90kg mà VĐV Tuyến đôn lên để thi đấu cũng là nội dung mà VĐV Nguyễn Văn Trí đã giành được HCV tại kỳ Sea Games 29. Do quy định 1 VĐV chỉ được thi đấu 1 nội dung nên Nguyễn Văn Trí cũng phải đôn lên 5kg để thi đấu ở hạng cân 95kg.  

Theo VĐV Nguyễn Văn Trí, việc đôn cân khiến phom người mình bé hơn các VĐV khác cùng hạng cân. Cơ thể của mình cũng bấy, yếu hơn người ta. Ngoài ra cũng rất dễ dính chấn thương ở đầu gối, cổ chân, lưng.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ