(Tổ Quốc)- Trong gần 50 năm qua, từ 1977 đến 2024, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và một đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động tràn đầy nhiệt huyết, Nhà trường đã nỗ lực chuyển mình từng ngày, từng giờ trên con đường phát triển.
Trường Cán bộ quản lý văn hoá, thể thao và du lịch là đơn vị duy nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc hiện đại hóa đất nước và thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong gần 50 năm qua, từ 1977 đến 2024, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và một đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động tràn đầy nhiệt huyết, Nhà trường đã nỗ lực chuyển mình từng ngày, từng giờ trên con đường phát triển. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 03/9/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ký Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL đổi tên Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý, văn hóa, thể thao và du lịch thành Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng với tên gọi mới, Nhà trường được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và quan trọng, một trang sử mới được mở ra với chức năng, nhiệm vụ rộng hơn, lớn hơn. Và năm 2024 đã đi vào lịch sử Nhà trường với mốc son chói lọi, Nhà trường được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Một số nét khái quát về 47 năm xây dựng và trưởng thành
Ngày 21/01/1977, theo Quyết định số 12/QĐ-VH của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Trường Chính trị Trung cao cấp tại chức trực thuộc Bộ Văn hóa được thành lập. Từ mùa xuân năm ấy, trải qua không ít lần di dời trụ sở, thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, Trường Chính trị Trung cao cấp tại chức năm xưa, nay đã phát triển trở thành Trường Cán bộ quản lý văn hoá, thể thao và du lịch với vị trí là đơn vị duy nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành VHTTDL, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc hiện đại hóa đất nước và thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong tiến trình hình thành và phát triển gần 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên phạm vi cả nước, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành ngang tầm với công cuộc đổi mới đất nước. Chặng đường gần 50 năm phát triển, ghi dấu những đổi thay, chuyển mình với những thành công to lớn rất đáng tự hào. Đặc biệt 5 năm gần đây là giai đoạn đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.
Từ một ngôi trường "nhỏ bé" về cả vật chất và quy mô đào tạo, bồi dưỡng, cho đến nay, với sự hiện hữu về tầm vóc, vị thế và những đóng góp to lớn trong sự nghiệp chung, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch đã thực sự vươn mình, trưởng thành, là niềm tự hào của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Nhà trường. Nhìn lại những chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, giảng viên và cả tập thể Nhà trường thêm tự tin, thêm động lực tiếp tục xây dựng Nhà trường ngày càng vững mạnh, phát triển không ngừng với những kế hoạch lâu dài, to lớn hơn, mà một trong những điểm đến là trở thành một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng xứng tầm với một ngành đa lĩnh vực như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiến tới Kỷ niệm 47 năm thành lập, điểm lại những dấu mốc quan trọng, nhìn lại chặng đường 5 năm (2019 - 2024), mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường tự hào về những đóng góp không nhỏ của mình trong các thành tựu to lớn đã đạt được.
Những thành tựu nổi bật làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai
Viết tiếp những trang sử vàng, chặng đường 5 năm từ 2019 đến 2024, Nhà trường đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt của một thời kỳ ổn định và phát triển. Trên cơ sở, nền tảng kế thừa của thời kì trước là một ngôi trường khang trang, hiện đại tọa lạc cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, cùng với một đội ngũ cán bộ, viên chức được bổ sung đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập thể lãnh đạo Nhà trường đã xác định mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trong đó, ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, đoàn kết đồng lòng, giữ vững truyền thống, đưa Nhà trường lên một tầm cao mới, xứng tầm nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Nếu cơ sở vật chất là tiền đề, thì củng cố bộ máy là động lực to lớn cho sự phát triển. Chức năng, nhiệm vụ mới của Nhà trường được quy định tại Quyết định số 805/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 03 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với quy mô 3 phòng chức năng, 2 khoa và đơn vị trực thuộc, là bước đi tất yếu phù hợp với xu thế, giúp Nhà trường tạo lập vị thế mới trong hệ thống các trường của Bộ, Ngành, đủ sức gánh vác nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Quyết định số 805/QĐ-BVHTTDL, Nhà trường có các nhiệm vụ quan trọng như: Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm về xây dựng và phát triển Trường phù hợp với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và đề xuất phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; Phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, hàng năm thuộc nguồn ngân sách nhà nước trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Tổ chức biên soạn tài liệu các chương trình được cấp có thẩm quyền giao tổ chức bồi dưỡng; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương, kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật; Tổ chức nghiên cứu khoa học về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ngành văn hóa, thể thao và du lịch; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành; Thực hiện hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên ngành; trao đổi chuyên gia và các hoạt động khác phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và phát triển nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.
Đối với mỗi nhà trường, nhiệm vụ chính là đào tạo, bồi dưỡng. Nhiệm vụ trọng yếu này đã được lãnh đạo Nhà trường đặc biệt quan tâm, đầu tư xứng đáng, phát triển có chiến lược, kế hoạch bài bản và đã gặt hái thành công đáng ghi nhận. Cụ thể:
Về công tác giảng dạy: Nếu như trước đây, lực lượng giảng viên thỉnh giảng là nòng cốt (chiếm tới 80%), gây không ít áp lực cho việc kết nối, mời giảng viên thì đến nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Nhà trường đã gánh vác được cơ bản nhiệm vụ giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Với sự chỉ đạo, định hướng, quan tâm, động viên, tạo điều kiện của Ban giám hiệu Nhà trường, đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức của Nhà trường có những bước phát triển đột phá về cả số lượng và chất lượng. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã trực tiếp đứng lớp, đảm bảo toàn bộ chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chương trình bồi dưỡng công chức VHXH xã, phường, thị trấn; một phần chương trình các lớp bồi dưỡng chuyên viên chính, làm chủ được hơn ½ chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Để có đội ngũ giảng viên cơ hữu như hôm nay, Nhà trường đã tìm những biện pháp, bước đi thích hợp, giúp giảng viên chủ động, tích cực nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu công việc. Trong đó, việc đưa các giảng viên đi thực tế tại các địa phương, tiếp xúc thực tiễn tại cơ sở là một trong những cách làm đã mang lại hiệu quả cao; Đồng thời, đưa vào nề nếp hoạt động thẩm định bài giảng; Thúc đẩy hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại các Khoa; Hội đồng Thẩm định bài giảng và Hội đồng Khoa học thường xuyên giúp đỡ, tư vấn cho các giảng viên trong biên soạn bài giảng, thực tập giảng dạy; Thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện để các giảng viên học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; Đảm bảo các quyền lợi về lương, phụ cấp thâm niên, thưởng; Có chế độ khen thưởng kịp thời nhằm khích lệ giảng viên có thành tích để họ có thêm động lực phấn đấu. Những biện pháp trên được triển khai đồng bộ, tích cực, tạo không khí hăng hái, ý thức tự rèn luyện, tự bồi dưỡng trong đội ngũ giảng viên được nâng cao rõ rệt.
Về hoạt động khoa học: Trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học dường như là một nhiệm vụ khó khắn đối với cán bộ, giảng viên, người lao động của Nhà trường, mỗi năm thường chỉ có 1 đề tài cấp trường, 1 đề tài cấp Bộ được thực hiện và khá vất vả trong việc đảm bảo được tiến độ đề ra. Nhưng trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có từ 2 đề tài khoa học cấp Trường và 5 đến 6 sáng kiến, kinh nghiệm được tổ chức triển khai và nghiệm thu đúng thời hạn. Nhà trường đủ nhân lực, vật lực để đảm bảo thực hiện 2 đề tài khoa học cấp Bộ cùng một lúc. Hoạt động điều tra, khảo sát trải rộng khắp cả nước với sự hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương. Hoạt động này vừa tạo điều kiện gắn bó giữa Nhà trường và địa phương trên toàn quốc, vừa được Bộ đánh giá rất cao về tính nghiêm túc, khoa học khi đề tài được nghiệm thu. Công tác hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài khoa học, sáng kiến, kinh nghiệm và hoạt động nghiên cứu một cách nghiêm túc đã thu hút hầu hết cán bộ, giảng viên Nhà trường vào cuộc với các đề tài mang tính ứng dụng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phát triển đang đặt ra. Thông qua đó còn giúp đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên của Nhà trường thực sự trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, kết quả không phải chỉ là số đề tài khoa học được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc mà còn là sự lớn lên của một đội ngũ, tạo bước tiến vượt bậc trong công tác nghiên cứu, ghi dấu son quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Nhà trường cũng đã biên soạn, được nghiệm thu cấp Bộ và đưa vào sử dụng trên toàn quốc rất nhiều bộ giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dành cho nhiều đối tượng học viên. Tiêu biểu như: Tập bài giảng Tình hình, nhiệm vụ ngành văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính; Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên; 3 bộ Tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu về tổ chức, quản lý lễ hội, thể thao và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở dành cho công chức cấp xã; Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tổ chức và quản lý lễ hội; Chương trình bồi dưỡng kiến thức về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với viên chức hoạt động nghệ thuật; Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Các bộ tài liệu do Nhà trường biên soạn, nhận được sự đánh giá rất cao của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan đơn vị và các địa phương trong cả nước.
Hàng năm, Nhà trường được Bộ tin cậy giao phó nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu cho các địa phương thuộc địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch. Tổ chức các hội thảo, hội nghị về điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của ngành văn hoá, thể thao và du lịch.
Về Công tác đào tạo, bồi dưỡng: được coi là hoạt động "xương sống" của Nhà trường và trong 5 năm gần đây, công tác này đã tạo được những dấu ấn mới đặc biệt nổi bật: Mỗi năm, Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức trong toàn Ngành về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức quản lý ngành, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học. Quy trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được kiện toàn và từng bước chuẩn hoá, quản lý chặt chẽ, đồng bộ từ khâu chiêu sinh đến khi cấp bằng, chứng chỉ, vì thế, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng cao, đi vào thực chất, tránh được hiện tượng đánh trống ghi tên, mang tính hình thức trong học tập. Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của ngành, theo sự phân cấp, phân quyền tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, với uy tín đã được khẳng định, Nhà trường còn tổ chức nhiều lớp, chương trình bồi dưỡng cho các địa phương theo phương thức xã hội hóa, góp phần không nhỏ trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nói chung trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác xã hội hóa được không ngừng đẩy mạnh với việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các học viện, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, tổ chức trong toàn quốc, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Trường trong thời kỳ mới.
Trong 5 năm qua, Đảng bộ liên tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ "Trong sạch vững mạnh tiêu biểu", ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, mỗi đảng viên là hạt nhân nòng cốt trong từng bước trưởng thành của Nhà trường. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền, Công đoàn Nhà trường là địa chỉ đáng tin cậy trong bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho cán bộ, giảng viên và người lao động, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần quan trọng xây dựng và củng cố khối đoàn kết, nhất trí trong Nhà trường. Với những thành tựu đó, Công đoàn Nhà trường đã được Công đoàn Bộ, Liên đoàn lao động Việt Nam tặng nhiều phần thưởng đáng tự hào.
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, một mốc son đáng tự hào
Giai đoạn 5 năm ghi dấu ấn đậm nét với những thành tựu có tính đột phá trên con đường phát triển bền vững Nhà trường. Cuối năm 2024 với bầu không khí rộn ràng, náo nức trong lòng các cán bộ, giảng viên khi ngày đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đang đến gần. Trong dòng chảy gần 50 năm, mỗi một thành tựu đều có sự chung tay, đồng tâm hiệp lực, trong lúc khó khăn, cũng như khi thuận lợi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động của Nhà trường. Bên cạnh đó, có một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Nhà trường tạo dựng và giữ vững vị thế là địa chỉ đỏ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành như ngày nay là sự quan tâm sâu sát, sự ủng hộ, tin tưởng giao nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của Vụ Tổ chức cán bộ, các cơ quan chức năng của Bộ. Phát huy những thành tích đã đạt được, Nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Ngành góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ và Nhà nước giao.
Mỗi chặng đường 5 năm tạo một cột mốc trên con đường phát triển. Giai đoạn 2019 - 2024 với những dấu ấn toàn diện về cả "lượng" và "chất" với đỉnh cao là lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, sẽ là cột mốc đáng tự hào để mỗi cán bộ, giảng viên và người lao động không ngừng đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch được giao; tiếp tục đưa Nhà trường phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, gia đình, thể thao, và du lịch có uy tín, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển bền vững ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời kỳ mới./.