(Tổ Quốc) - Ta đang phải đối mặt với một tình cảnh mới. Quả là một thời điểm rất lạ lùng kỳ quặc để sống. Nhưng chắc chắn ta sẽ bước ra khỏi chuyện này với một cách nhìn mới, những tình thân mới và cả những giá trị quan mới. Trận dịch này sẽ thay đổi tương lai chúng ta mãi mãi, dù có thể ta sẽ phải trả giá đắt.
Giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn ra căng thẳng như hiện nay, cha mẹ nào của bất cứ du học sinh nào cũng lo lắng như nhau cả. Mới đây, chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - đã vô cùng yên tâm khi đọc lá thư của trường con trai đang theo học.
"Chúng tôi đang làm mọi điều bằng sự sẻ chia và lòng trắc ẩn để hỗ trợ sinh viên.
Chúng tôi có quỹ hỗ trợ khẩn cấp dành cho những đối tượng "yếu đuối" bao gồm những sinh viên không có điều kiện quay trở về nước; những sinh viên không có nhà để về và những sinh viên cần chi phí di chuyển mà không xoay xở kịp. Chúng tôi tăng thêm thời gian nghỉ ốm, đảm bảo giữ nguyên lương cho bất kì nhân viên nào trong trường nếu họ có nhu cầu.
Cộng đồng những cựu sinh viên của Pomona cũng đang mở rộng vòng tay để cung cấp kinh phí. Một số người còn đề nghị sẽ mở cửa để đón sinh viên đến tá túc. Mặc dù đây là đề nghị hào phóng nhất, tuy nhiên với tinh thần phòng chống dịch, chúng tôi cho rằng các bạn không nên thực hiện điều này.
Hãy tin rằng bên trong hay ngoài cổng trường, tất cả các sinh viên Pomona luôn được quan tâm!".
Chị càng yên tâm hơn nữa khi nhận được câu trả lời vô cùng tử tế của cậu con trai nay đã trưởng thành, lớn khôn:
"Thật không thể nói hết sự biết ơn với những lá thư như thể một bàn tay, một vòng ôm ấm áp chìa ra với sinh viên, với phụ huynh, nhất là những người đang ở xa con một vòng trái đất…
Có nhiều bạn xin hỗ trợ không em ? - mình dè dặt hỏi thằng bụng bự.
Nó điềm nhiên trả lời: Không mẹ ạ. Vì bất cứ ai khi thấy còn có thể tự lo liệu được thì để dành phần quỹ cho những hoàn cảnh khác khó khăn hơn.
Nghe câu trả lời mà ứ hự quá chừng!
Trong quá trình nuôi Nam đôi khi có những giây phút tham vọng cuồng điên, mình cũng muốn con trở thành "nhà nọ nhà kia". Vừa làm được bài toán khó đã mơ màng con mình rồi giỏi như Ngô Bảo Châu, vừa làm được cái thí nghiệm vui vui đã mơ sau này con có phát minh như thành tựu của loài người.
Nhưng đến giờ này, chỉ cần con biết học và làm theo những điều tử tế ở xung quanh.
Đến giờ này chỉ thấy cần dạy con lý do vì sao chúng ta nên tự hào với hai chữ "con người".
Vì con người biết sống với, sống cùng, biết chế ngự bản năng để tạo thành cộng đồng xã hội.
Biết nhường cơm sẻ áo ngay cả khi dạ dày đang sôi réo hay khi da thịt lạnh tê.
Trong đau đớn, thiếu thốn, cùng kiệt, con người vẫn có thể bảo nhau nhẫn nhịn, sẻ chia, khoan hòa.
Và vì con người biết hy vọng. Con người biết khóc.
Ngày hôm nay mình đọc nhiều tin kể chuyện chủ nhà miễn tiền/ giảm tiền thuê nhà/ người phụ nữ trong khu cách ly viết giấy nhắn nhờ mua hộ hộp cháo và anh công an tất tả đi mua/ một số nơi người dân nhắc nhau đổ xăng nửa bình, mua gạo vừa đủ ăn để dành cho người khác…
Lại nhớ đến, lâu rồi, ở thành phố Los Angeles, hàng triệu con cá mòi trước trận động đất, tranh nhau trốn chạy vào nơi sóng lặng, tự hút hết dưỡng khí rồi chết ngạt.
Nên mình chia sẻ bức thư của trường Nam, chia sẻ những câu chuyện nho nhỏ để nhắc nhau và cũng tự nhắc mình: Chúng ta không phải "cá mòi".
Ta đang phải đối mặt với một tình cảnh mới. Quả là một thời điểm rất lạ lùng kỳ quặc để sống. Nhưng chắc chắn ta sẽ bước ra khỏi chuyện này với một cách nhìn mới, những tình thân mới và cả những giá trị quan mới. Trận dịch này sẽ thay đổi tương lai chúng ta mãi mãi, dù có thể ta sẽ phải trả giá đắt.
Chúng ta sẽ không bao giờ để hoàn cảnh tuyệt vọng trở thành cái cớ cho hành động tuyệt vọng.
Không chỉ trong đại dịch lần này…"
Trước đó, chị Phan Hồ Điệp cũng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc sinh viên của trường Đỗ Nhật Nam đang theo học sẽ học online và chưa biết thời gian quay lại trường, có thể ngày về nghỉ xuân cũng là ngày kết thúc năm học. Cậu bạn tỏ ra phân vân không biết nên về hay ở lại Mỹ, nhưng trong lòng thực tế cũng rất muốn về với bố mẹ:
"Hôm qua trường Nam gửi thư thông báo việc sinh viên sẽ học online và chưa biết thời gian quay lại trường, có thể ngày các con về nghỉ xuân cũng là ngày kết thúc năm học. Mình nhắn tin cho Nam hỏi:
- Em ổn không?
Nam bảo:
- Em ổn nhưng hơi buồn mẹ ạ. Học ở trường tuyệt vời quá, em không muốn việc học bị gián đoạn. Nhưng biết làm thế nào.
- Thế các học sinh quốc tế sẽ về nước chứ em?
- Cũng không rõ lắm mẹ ạ. Các bạn Trung Quốc, Hàn Quốc nhà trường đồng ý cho ở lại. Còn em thì đang phân vân xem nên ở hay về. Ở lại em làm được nhiều việc hơn, cũng tránh di chuyển vào thời điểm này. Nhưng em cũng muốn về với bố mẹ…
Một khoảng im lặng dài… Mình biết Nam đang xáo trộn nên không đưa ra lời khuyên gì. Một năm học đầy biến động với tất cả sinh viên. Phải chia tay sớm với bạn bè, với thầy cô, chắc chúng cũng hụt hẫng lắm. Nhưng không sao đâu Nam, mình có mái ấm mà. Mái ấm không chỉ là mái nhà trên đầu chúng ta.
Đó là nơi ta cảm thấy được yêu thương và nơi ta yêu thương người khác. Mái ấm có những người chờ đợi ta sau bậc cửa, người cố gắng để một ngọn đèn chờ người về khuya. Mái ấm có những người ôm lấy ta sau một ngày mệt mỏi và lách rách cằn nhằn về muôn nỗi mưu sinh. Mái ấm khiến ai tang bồng hồ thỉ vẫn chùng lòng: Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Mái ấm là nơi từ đó, em bước ra ngoài dài rộng. Em có nhớ trò chơi mẹ với em từng chơi Thinking outside the checkbox - để em biết, không thể phân chia thế giới loài người thành các hộp: da trắng, da đen, đàn ông, đàn bà… một cách lạnh lùng.
Mẹ cũng nhớ bài thơ em làm về "giọng mẹ" trên chuyến tàu điện cuối năm.
Trên chuyến tàu điện chiều nay
Em bỗng nghe tiếng gọi: Nam ơi!
Giọng ai như giọng mẹ
Em vụt quay lại tìm
Những khuôn mặt người băng qua em
Tuyết trắng băng qua em
Những hàng cây khô mùa đông băng qua em
Nhưng không thấy mẹ...
Cảm giác hụt hẫng chơi vơi
Giá mà có giọng mẹ cho em "bám vào", cho em đỡ lạnh
Mẹ ở đâu giữa ngàn người màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, tiếng nói khác nhau
Mẹ giấu lời gọi "Nam ơi" ở chỗ nào mà em tìm không thấy
Hay mẹ giấu trong cánh chim cô đơn bay ngang bầu trời NewYork
Hay mẹ giấu trên thửa đồng hoang tuyết giá phủ dày
Hay mẹ giấu trong ngọn gió lang thang của mùa đông xứ tuyết
Hay mẹ giấu trong ánh mặt trời, trong ánh trăng đêm
"Nam ơi" em nhắc lại giọng mẹ
Và em tìm ra rồi, nó ở ngay đây
Trong trái tim em, trong lòng bàn tay em, trong lồng ngực em ấm áp
Giọng mẹ tròn đầy như giọt nước long lanh
Giọng mẹ "lăn" mãi theo từng nhịp tàu, xình xịch u u
Nên em thấy hoa đào của mùa đông xứ Bắc
Nên em thấy bếp lửa hồng tươi mẹ đợi em về
Thấy khoảnh sân thưa và giàn hồng vấn vít
Thấy cơm thơm trong khói đượm hiên nhà
"Nam ơi" và "Mẹ ơi"
Em sẽ ôm giọng mẹ đi khắp nơi
Mẹ nhé!
Ừ, có mẹ đây rồi Nam! Chắc Nam như bao bao bạn du học sinh khác lòng thầm nhắc: Tạ ơn cuộc sống con còn đó/ Một mảnh quê hương để trở về/ Để mai trong lúc bơ vơ nhất/ Điện thoại đầu kia có người nghe...
Mẹ nghe đây rồi… Cứ bình tĩnh rồi mọi việc sẽ ổn thôi em, em và tất cả các bạn bè, tất cả những người đang lao đao, bất ổn, nhọc nhằn...
Rồi sẽ ổn thôi!"