(Tổ Quốc) - Ngày 16/5 vừa qua, đội Bgirl Việt Nam lần đầu tiên giành được HCV tại SEA Games sau 2 lần tham dự đấu trường này.
Breaking là điệu nhảy đường phố thuộc dòng nhảy hiphop của người Mỹ. Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay điệu nhảy này nhận được sự ưa chuộng của giới trẻ, những năm gần đây còn được đưa vào nhiều hệ thống thi đấu quốc tế.
Đối với đấu trường SEA Games, Việt Nam đã 2 lần đưa đội tuyển Breaking tới tham dự. Lần đầu đi chinh chiến, đội tuyển Breaking Việt Nam giành được HCB tại SEA Games 30.
SEA Games 32 là lần thứ 2 Việt Nam có đội tuyển Breaking tham gia tranh tài. Chiều 16/5, biên đạo Nguyễn Viết Thành – HLV chuyên môn, Phó ban Hội đồng chuyên môn Thể thao giải trí thông báo Breaking Việt Nam lần đầu sở hữu tấm HCV SEA Games.
Cụ thể, ở nội dung B-Girls, 2 đại diện của Việt Nam là Huỳnh Như và Nguyễn Thị Hồng Trâm đều xuất sắc lọt vào chung kết với số điểm cao. Kết quả chung cuộc, Huỳnh Như (nghệ danh Shun) đã đạt số điểm cao nhất và mang về Huy chương vàng. Hồng Trâm (nghệ danh Tinie Rawk) giành Huy chương bạc. Đây là thành tích tốt nhất của đội tuyển Breaking Việt Nam sau 2 lần tham dự đấu trường SEA Games.
Là HLV chuyên môn của đội tuyển Breaking Việt Nam, biên đạo Nguyễn Viết Thành cho hay: "Khi Huỳnh Như và Hồng Trâm giành huy chương tôi đã không kìm được xúc động. Đây là lần đầu tiên Breaking Việt Nam có được tấm HCV tại SEA Games. Cả Huỳnh Như và Hồng Trâm đều đã thể hiện rất tốt và xứng đáng với thành tích mà họ đạt được".
Trên thực tế, Nguyễn Viết Thành và nhóm nhảy Big Toe đã rất nỗ lực trong việc đưa Breaking vượt "định kiến" để trở thành 1 môn thể thao chính thống, góp mặt trong nhiều giải đấu quy mô:
"Hiphop nói chung và Breaking nói riêng đã phải mất nhiều năm để có thể xóa bỏ định kiến rằng đây chỉ là "thú vui đường phố". Bản thân tôi và nhóm nhảy Big Toe đã nỗ lực rất nhiều, đến năm 2009 chúng tôi gia nhập Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam.
Năm 2010 Big Toe vô địch BOTY (Battle of The Year) Đông Nam Á, hai thành viên Phạm Khánh Linh (Linh 3T) và Hoàng Kỳ Anh (Small Turtle) cũng chiến thắng trong các cuộc đấu cá nhân tại giải R16 Hàn Quốc. Đến lúc này Break dance của Việt Nam mới chính thức được nhìn nhận lại.
Kể từ đó phong trào Breaking bắt đầu phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo trợ của Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam. Cho đến gần đây Breaking mới đưa vào hệ thống thi đấu chính thống của quốc gia.
Và đến thời điểm hiện tại, chiếc HCV và HCB của 2 B-girl đội tuyển Breaking Việt Nam sẽ là dấu mốc quan trọng để bộ môn này nhận được sự công nhận và đánh giá công tâm từ phía khán giả cũng như giới thể thao".
Bản thân Nguyễn Viết Thành đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua để Hiphop cũng như Breaking đạt được những thành tích ấn tượng. Không chỉ là thành viên của Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, Nguyễn Viết Thành còn tích cực tổ chức các trung tâm huấn luyện, đào tạo nghệ thuật nhảy múa trên khắp cả nước.