(Tổ Quốc) - Dự án hợp tác lớn nhất trong lịch sử giữa Hollywood và Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn.
“Kết đôi” một ngôi sao Hollywood với đạo diễn hàng đầu người Trung Quốc, kèm theo một cốt chuyện hoành tráng về quái vật tấn công một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Đại lục và khoản ngân sách khổng lồ lên tới 150 triệu USD – kết quả theo bạn sẽ là một bom tấn của năm, gây náo loạn các phòng vé? Câu trả trong thực tế hoàn toàn ngược lại. Dự án hợp tác đắt đỏ nhất giữa Trung Quốc với Hollywood cho đến thời điểm hiện tại - bộ phim “Vạn lý trường thành” với sự tham gia của siêu sao Matt Damon, đạo diễn bởi Trương Nghệ Mưu - lại được đánh giá là một thất bại “toàn tập”.
Mặc dù được “chống lưng” bởi tập đoàn điện ảnh lớn nhất Trung Quốc, một chiến dịch marketing hoành tráng nhất trong lịch sử công nghiệp phim ảnh nước này cùng thời điểm trình chiếu “vàng” vào cuối tuần nghỉ lễ, “Vạn lý trường thành” vẫn chỉ đứng thứ ba trong danh sách các phim có doanh thu khởi chiếu cao nhất trong năm tại Trung Quốc – với “vỏn vẹn” 67 triệu USD tiền vé thu được sau hai ngày cuối tuần. Đối diện trước cơn lũ chê bai, chỉ trích đang tràn ngập trên mạng xã hội, tương lai của bộ phim thật sự là những ngày u ám.
Poster của "Vạn lý trường thành" tại Trung Quốc |
“Vạn lý trường thành” có lẽ là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất trong năm 2016 của cả điện ảnh Trung Quốc và Hollywood. Bộ phim này từng được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu cho sự hợp tác xuyên biên giới giữa hai bên và có thể dẫn tới một chiến thắng phòng vé huy hoàng tại Trung Quốc – thị trường điện ảnh lớn thứ hai trên thế giới.
Wang Jianlin, một trong những ông chủ tham gia vào dự án khủng này từng nói: “Càng có thêm nhiều yếu tố Trung Quốc, lợi nhuận sẽ càng lớn hơn.” Tuy nhiên, Wang và đồng nghiệp có lẽ chưa nhận ra rằng, đối với khán giả “quê nhà”, những “yếu tố Trung Quốc” trên chỉ mang tính trang trí và không có nhiều ý nghĩa. Người xem phim và truyền thông nước này ngày càng chỉ trích và đá xoáy nhiều hơn những “nỗ lực” của Hollywood, nhằm đưa diễn viên và sản phẩm Trung Quốc vào trong những bộ phim của mình – như trong “"Transformers: Age of Extinction" hay "Independence Day: Resurgence" – chỉ với mục đích mở rộng thị trường.
Đấy là một trong những lý do chính, giải thích tại sao khán giả Trung Quốc không thực sự mặn mà với những lần kết hợp giữa Hollywood và Trung Quốc. Năm 2011, đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng mời Christian Bale đảm nhận nam chính trong “The Flowers of War” (Kim lăng thập tam hoa) – một bộ phim về vụ thảm sát Nam Kinh. Mặc dù nhận được sự ủng hộ lớn từ Chính phủ, tác phẩm này hầu như không để lại ấn tượng gì đáng kể tại các phòng vé Trung Quốc, hoàn toàn thất bại trên các thị trường nước ngoài và thậm chí còn không lọt vào top 50 phim có doanh thu cao tại Trung Quốc vào năm đó.
Đội ngũ làm phim trong họp báo |
“Vạn lý trường thành” đang phải đối mặt với tình trạng tương tự, với hàng loạt các bình luận chê bai những cảnh “gượng gạo” trong phim như phụ nữ đánh trống, trình diễn kinh kịch… Một nhà phê bình phim phàn nàn, tính Trung Quốc trong bộ phim “chỉ dừng lại ở đèn lồng, áo giáp kiểu Trung Quốc, Vạn lý trường thành và vài biểu tượng quen thuộc khác”. Một số khác cho rằng, “Vạn lý trường thành” là minh chứng cho thấy sự nghiệp của đạo diễn Trương “đã chấm dứt” – một bình luận thật sự khắc nghiệt cho một trong những tên tuổi uy tín nhất của điện ảnh Đại lục.
Tuy nhiên, điều mỉa mai là các bom tấn nước ngoài vẫn kiếm được bộn tiền tại Trung Quốc. Năm 2015, doanh thu từ các siêu phẩm này chiếm đến 38% thị trường phòng vé Đại lục, bất chấp việc Chính phủ chỉ cho phép 34 bộ phim không nói tiếng Trung Quốc được trình chiếu mỗi năm. Các tác phẩm nội địa cũng đạt được những thành công đáng kể, đặc biệt là các phim găng-tơ, lịch sử và hài hước. Có thể thấy, khán giả Trung Quốc vẫn rất hài lòng với những bộ phim có chất lượng do cả Hollywood và trong nước sản xuất. Những gì họ không muốn xem là những “yếu tố Trung Quốc” khiên cưỡng trong những tác phẩm phiêu lưu – hành động cộp mác phương Tây.
Các chuyên gia trong ngành điện ảnh cho rằng, nếu Hollywood thực sự mong muốn mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc “ra hoa kết trái”, họ nên từ bỏ việc đầu tư vào những dự án “gượng gạo”, “không ra ngô cũng chả ra khoai”. Một trong những phương thức có lẽ hiệu quả hơn, đó là xây dựng các studio quốc tế tại Đại lục để đào tạo các tài năng trẻ của Trung Quốc trong lĩnh vực đạo diễn và viết kịch bản phim – góp phần giúp họ tạo ra những tác phẩm thực sự hấp dẫn khán giả nước nhà. DreamWorks Animation đã đi theo hướng này khi kết hợp với các đối tác Trung Quốc để mở ra Oriental DreamWorks (DreamWorks phương Đông). Một trong những kết quả tiêu biểu nhất cho đến thời điểm hiện tại, chính là bộ phim hoạt hình “Kung Fu Panda 3” – một bom tấn thành công tại cả trị trường Trung Quốc và trên thế giới.
(Theo Bloomberg)