(Tổ Quốc) - Sau khi một nam sinh lớp 8 trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học 4 ngày, xếp hạng hạnh kiểm từ trung bình đến yếu học kỳ 1 và phải đọc bản kiểm điểm trước trường, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc thực hiện kỷ luật học sinh của Trường.
Liên quan đến vụ việc trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) kỷ luật một học sinh lớp 8 do em này lập một fanpage có tên "Anti BTS in Vietnam", đăng tải các nội dung xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về hình thức xử lý kỷ luật học sinh của trường này trong đó, đa phần mọi người không đồng tình về cách trường làm.
“Bắt học sinh đọc kiểm điểm trước toàn trường là giáng đòn rất mạnh vào tâm lý. Nó quá nặng với một đứa trẻ. Xem clip, tôi rất đau lòng và thương em. Nếu thần kinh yếu, trẻ có thể bỏ học hoặc làm chuyện nghiêm trọng. Do đó, trường nên giáo dục học sinh theo cách nhân văn hơn”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) nói trên Zing.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho rằng, “Việc kỷ luật em công khai là để răn đe, giáo dục học sinh trong toàn trường. Bên cạnh đó, nó như là một lời trả lời của nhà trường đối với cộng đồng fan BTS”.
Tại buổi làm việc với Phòng GDĐT quận Tân Bình về sự việc trên, Trưởng phòng GDĐT Quận nói Trường không sai khi xử lý kỷ luật nam sinh này nhưng vẫn nhắc nhở Trường về hình thức thực hiện.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong quá trình trao đổi, ông Thụ cho biết quyết định xử lý kỷ luật em được thực hiện theo Thông tư 08/1988 của Bộ GDĐT bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường. Em phải công khai đọc bản kiểm điểm, nhận lỗi về sự việc trên trước toàn thể học sinh. Bên cạnh đó, em còn bị đình chỉ học bốn ngày, phải lao động công ích trong thời gian xử lý kỷ luật và có thể nhận hạnh kiểm trung bình đến yếu trong học kỳ 1.
Tới thời điểm này, Thông tư 08 do Bộ GD ban hành ngày 21/3/1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã có tuổi đời hơn 31 năm, tuy nhiên văn bản này vẫn còn hiệu lực. Trong văn bản cũng nêu rõ các hình thức kỷ luật học sinh và cách thức tiến hành kỷ luật học sinh, thế nhưng, theo những gì trường THCS Ngô Quyền đã làm trong vụ việc này cho thấy Trường đã không làm theo quy định.
Nhiều giáo viên cho rằng, trường phạt học sinh viết bản kiểm điểm, hạ bậc hạnh kiểm là đủ sức răn đe, còn quay clip rồi đăng lên trang facebook của trường là không ổn, phản giáo dục.
Cũng có những ý kiến đề nghị xem xét một hình thức kỷ luật đối với Ban giám hiệu trường vì không đủ năng lực chuyên môn trong quản lý, kể cả việc Phó Hiệu trưởng nhà trường đã nhận sai hay xin lỗi thế nào đi chăng nữa, bởi với một học sinh đang trong lứa tuổi tâm sinh lý phát triển, nhỡ chẳng may bị dồn đến đường cùng thì không biết các em sẽ như thế nào...