(Tổ Quốc) - Ngày 9/1 tại Hà Nội, sân khấu Lệ Ngọc đã khởi công dàn dựng vở "Cây tre trăm đốt" hay còn có tên gọi khác là "Cây tre thần", tác giả kịch bản Lê Thế Song, đạo diễn-NSƯT Bùi Như Lai. Vở diễn ngoài kể câu chuyện cổ tích đã quen thuộc với người dân Việt Nam còn gửi thông điệp về tình trạng ô nhiễm môi trường đang báo động.
"Cây tre trăm đốt" là câu chuyện khá hấp dẫn trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, được tác giả Lê Thế Song khai thác để đi đúng yêu cầu của sân khấu Lệ Ngọc. Lồng ghép trong đó là những nét độc đáo của văn hóa Việt như lũy tre làng, cây tre gắn bó với người Việt, trò chơi dân gian Việt… Qua đó, nêu được vấn đề lớn hơn: cần giữ màu xanh cho làng xã, cao hơn là cho Tổ Quốc, cho nhân loại…
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, sân khấu Lệ Ngọc dựng vở diễn "Cây tre trăm đốt" là đã đụng đến 1 biểu tượng của người Việt Nam: cây tre. Ở lần dàn dừng này, ê kíp sẽ tạo nên một sân khấu màu xanh nhằm tôn vinh cây tre và cũng là nơi các diễn viên sống cùng vai diễn, với sự tích về anh nông dân nghèo muốn lấy được con gái của lão địa chủ phải tìm được cây tre trăm đốt trong rừng. Câu chuyện được phóng tác dựa trên tinh thần ca ngợi cái thiện, tình yêu đôi lứa và sau khi dàn dựng, vở sẽ đi lưu diễn tại TP.HCM.
Chia sẻ thêm về ý tưởng dựng vở, đạo diễn Bùi Như Lai khẳng định, anh cảm thấy rất áp lực khi bắt tay vào dựng vở, cho dù đó là một cốt truyện đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Các đạo diễn như NSND Lê Hùng, NSND Anh Tú, những người có ảnh hưởng tới phong cách dàn dựng của anh, cũng đã từng ra mắt các vở diễn từ sự tích "Cây tre trăm đốt". Việc vượt qua cái bóng của những người đi trước và chính bản thân mình là điều đạo diễn Bùi Như Lai trăn trở. Nhưng anh tin, vở diễn sẽ mang diện mạo đầy sức sống với sự nỗ lực của các thành viên trong ê kíp.
"Tôi và ê kíp sẽ tạo nên một vở diễn dễ hiểu nhưng không đơn giản, kiệm lời mà vẫn đạt tới độ thấu hiểu, sử dụng nhiều ngôn ngữ hình thể. Sân khấu sẽ đầy ắp tre. Tuyến nhân vật được lựa chọn nhằm làm nổi bật cái thiện và cái ác vốn rất đặc trưng trong truyện cổ tích Việt Nam. Từ đó, khán giả sẽ có thêm hiểu biết về văn hóa nguồn cội và nhiều bài học đạo đức sẽ được gửi gắm trong tác phẩm", đạo diễn Như Lai nói.
Đặc biệt, đạo diễn kỳ vọng, vở diễn sẽ không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn dành cho cả người lớn, không chỉ dừng lại trong lãnh thổ Việt Nam mà sẽ vượt qua biên giới tới với khán giả quốc tế cùng với hình ảnh về lũy tre làng.
NSND Lệ Ngọc, Giám đốc của sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc cho biết, để kể câu chuyện cổ tích đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, vở diễn sẽ có nhiều yếu tố hiện đại, phù hợp với đời sống đương đại như ngợi ca cái thiện, cái tốt, cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường…
NSND Lệ Ngọc cho biết thêm, vở "Cây tre trăm đốt" cũng giống như các vở diễn từng ra mắt trước đó của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc như: Thị Nở Chí Phèo, Tấm Cám, Huyền thoại Gò Rồng ấp... đều lấy tích truyện từ trong văn hóa dân gian Việt Nam và quảng bá ra thế giới. Từ sân khấu này, nhiều nghệ sĩ trẻ đã được thể hiện mình và giành được các giải thưởng từ các vở diễn như thế.
Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 3/2020./.