• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Truyền lửa và lan tỏa sức mạnh "Đại Việt" cho hôm nay và mai sau

Văn hoá 08/11/2021 14:18

(Tổ Quốc) - Các nhà nghiên cứu có nhiều luận giải khác nhau về nội hàm khái niệm "Sức mạnh của một quốc gia dân tộc". Tuy nhiên, xu hướng chung là tương đối đồng thuận về ba tiêu chí có tính trụ cột để minh định sức mạnh của quốc gia: Sự ổn định xã hội - Trí tuệ của dân tộc - Bản lĩnh và khát vọng của dân tộc.

Sự ổn định xã hội được tạo lập bởi tinh thần yêu nước, ý thức liên kết cộng đồng và lòng khoan dung trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trí tuệ dân tộc không chỉ biểu hiện qua giới tinh hoa/anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa, mà căn bản được xác định bởi trình độ dân trí của quốc gia. Còn bản lĩnh và khát vọng của một quốc gia lại được đánh giá qua năng lực thích ứng, dám đối mặt và vượt qua mọi thách thức dù khó khăn, gian khổ để sáng tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Bài viết này tiếp cận ba yếu tố cấu thành sức mạnh Đại Việt từ góc nhìn di sản văn hóa.

1. Ổn định xã hội hay lòng dân có vai trò đặc biệt quan trọng

Chúng ta tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam là ở sự thống nhất trong đa dạng văn hóa. Có lẽ, bản sắc văn hóa Việt chính là nền tảng tạo nên sự ổn định lâu dài của xã hội. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã hầu như không xảy ra các xung đột về mặt sắc tộc và tôn giáo gây bất ổn xã hội. Khi được hỏi về kế sách giữ nước, Trần Hưng Đạo đã khuyên các vị vua nhà Trần "khoan sức dân làm kế sâu rễ bền gốc", "anh em hòa thuận, trên dưới đồng lòng, cả nước giúp sức" thì không sợ bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Đó cũng là kế sách giữ gìn và củng cố sức ổn định xã hội. Chắc chắn, thông điệp văn hóa mà Đức thánh Trần nhắn gửi sẽ mãi mãi còn giá trị cho muôn đời con cháu mai sau.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ thứ sáu là "Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo dân và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết".[1]

Trong quan điểm của Bác, tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đoàn kết Lương - Giáo là hai yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của khối "đại đoàn kết dân tộc" làm nền tảng vững chắc cho sự ổn định xã hội lâu dài. Muốn có ổn định xã hội thì nước phải có độc lập, dân phải được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, hiểu theo nghĩa duy trì sự công bằng và cân bằng lợi ích của các giai tầng xã hội, để tạo ra sự đồng thuận xã hội cao trong mọi mặt hoạt động. Chỉ với điều kiện tiên quyết như vậy mới có khả năng phát huy thế mạnh của hai yếu tố tiếp theo là Trí tuệ dân tộc và Bản lĩnh dân tộc để hợp thành sức mạnh của quốc gia.

Truyền lửa và lan tỏa sức mạnh "Đại Việt" cho hôm nay và mai sau - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Đến đây có thể rút ra định đề thứ nhất: Ổn định xã hội/đồng thuận xã hội là nhân tố đầu tiên tạo nên sức mạnh Đại Việt, nó bao gồm ba thành tố quan trọng là: độc lập dân tộc - tự do dân chủ - đại đoàn kết dân tộc. Ở nước ta, ổn định xã hội trước hết phải dựa trên nền tảng sự ổn định về mặt chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Trí tuệ dân tộc là động lực phát triển để tạo nên nguồn lực nội sinh

Các nhà khoa học có nhận thức chung về cấu trúc cơ bản của trí tuệ dân tộc là: tri thức dân gian/tri thức bản địa và tri thức khoa học. Cao hơn nữa, tri thức còn được coi là "lực lượng lao động trực tiếp", có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao. Trí tuệ dân tộc được biểu hiện sâu sắc và rõ nét nhất qua tư tưởng nhân văn do các bậc nhân tài của đất nước sáng tạo ra và được trải nghiệm thực tiễn qua hàng ngàn năm lịch sử để trở thành niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tri thức dân gian là những kiến thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan được tích lũy trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập và trong thích ứng linh hoạt với môi trường tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của một quốc gia và dân tộc.

Có thể nói, tri thức dân gian Việt Nam trong canh tác nông nghiệp lúa nước với kinh nghiệm đắp đê, đào kênh rạch tạo hệ thống thủy lợi (chống lụt và chống hạn), tạo nguồn nước cần thiết và thường xuyên cho sự sinh trưởng của cây lúa là một ví dụ về thành tựu văn hóa dân gian tiêu biểu.

Tri thức khoa học là kết quả lao động trí óc của các cá nhân xuất chúng, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước. Trong tâm thức và trí tuệ của họ, bao giờ cũng hàm chứa những tư tưởng nhân văn cao đẹp mang giá trị văn hóa phổ quát toàn nhân loại. Tư tưởng của các cá nhân nhưng đại diện cho nguyện vọng, ý chí của cộng đồng và dân tộc, nó được hình thành từ thực tiễn đời sống cụ thể nhưng luôn có tác động ngược trở lại để chỉ đạo hoạt động thực tiễn và cải tạo hiện thực, góp phần giải quyết những vấn đề chính trị, chiến lược và sách lược làm thay đổi vận mệnh đất của đất nước.

Truyền lửa và lan tỏa sức mạnh "Đại Việt" cho hôm nay và mai sau - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Với nhận thức như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh được coi là đỉnh cao trí tuệ, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Tư tưởng của Người chính là sự kết tinh văn hóa Việt Nam, trong đó sự tiếp biến các tư tưởng tiến bộ của nhân loại và được vận dụng sáng tạo để giải quyết vấn đề bức xúc của đất nước. Đó là tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Cách mạng Pháp, tư tưởng văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thừa nhận và tôn vinh như là loại tài sản tinh thần/di sản văn hóa quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta, nó soi đường cho cả dân tộc đạt tới những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước, đấu tranh giành lại độc lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong quá khứ và hiện tại. Đó là nền tảng tinh thần và giá trị cốt lõi giúp cho chúng tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế trong tương lai.

Đến đây có thể rút ra được rằng, trí tuệ dân tộc hay còn hay gọi là "trí khôn" dân tộc được lưu giữ và lan tỏa qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cái mà chúng ta quen gọi là "túi khôn" của các thế hệ người Việt Nam. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là phải bằng vào công cụ pháp luật và khoa học làm cho các giá trị văn hóa đó lan tỏa rộng khắp trong xã hội, góp phần nâng cao Dân Trí, chấn hưng Dân Khí, đào tạo và sử dụng Nhân Tài - ba yếu tố quan trọng làm nên trí tuệ của dân tộc.

3. Bản lĩnh và khát vọng của dân tộc cần được truyền lửa và phát huy

Những "điều kỳ diệu" mà Việt Nam đã làm được trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước là bằng chứng hùng hồn về bản lĩnh và khát vọng dân tộc. Trước hai thử thách khốc liệt là thiên tai, hạn hán, bão lụt và mối đe dọa thường xuyên bị xâm lược từ các thế lực ngoại bang, người Việt Nam không hề run sợ và mềm yếu, ngược lại, thử thách càng cam go, khốc liệt chúng ta càng được tôi luyện và trở nên "cứng rắn như thép", sẵn sàng đối mặt và vượt qua để biến những điều tưởng như không thể thành có thể, làm nên những kỳ tích lịch sử được bạn bè để phục. Đó chính là bản lĩnh và niềm tự hào của dân tộc chúng ta.

Thứ nhất, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng nhau "chung lưng, đấu cật", lao động cần cù và thông minh tạo lập nên không gian sinh tồn từ "mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", với hệ thống đô thị, làng mạc trù phú, đặc biệt là hệ thống đê sông, đê biển ở miền Bắc và hệ thống kênh rạch ở miền Nam làm cơ sở cho sự phát triển "nền văn minh nông nghiệp lúa nước" nổi tiếng ở Đông Nam Á. Và cả trong tương lai, truyền thống nông nghiệp lúa nước đó vẫn sẽ là nền tảng vững chắc bảo đảm an ninh lương thực, góp phần tạo nên sự ổn định xã hội và phát triển phồn thịnh cho đất nước.

Thứ hai, khả năng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp biến văn hóa để tạo dựng nền văn hóa thống nhất trong đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em. Suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta luôn duy trì được mạch ngầm dòng chảy "văn hóa Đông Sơn", không bị đồng hóa về mặt văn hóa, đặc biệt là giữ được tiếng Việt như là yếu tố "hồn nước" trong văn hóa. Cha ông ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, Latinh hóa tiếng Việt để có chữ viết riêng, làm cơ sở cho giao lưu văn hóa. Chúng ta cũng biết dung hợp các yếu tố tinh hoa văn hóa của nhân loại (Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Nhật, Nga, Mỹ), tích hợp yếu tố văn hóa ngoại sinh với văn hóa dân gian tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Việt như hiện tượng: Tam giáo đồng tôn (Phật, Nho, Lão), Tứ pháp, Tứ bất tử, đạo thờ tổ tiên, đạo Mẫu… Điều đó đã tạo nên tính mở và tính khoan dung trong văn hóa Việt Nam. Với truyền thống văn hóa tốt đẹp như thế, chúng ta đủ tự tin và vững bước tham gia hội nhập quốc tế thời hiện đại mà không lo bị đồng hóa hay xâm lăng về văn hóa.

Thứ ba, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng, đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới (Trung Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ). Thế giới rất khó cắt nghĩa vì sao một nước nhỏ, dân không đông, kinh tế còn nghèo nhưng Việt Nam dám đương đầu và đánh thắng nhiều kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần và lập nên những chiến công hiển hách, "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" như: Bạch Đằng, Xương Giang, Đống Đa, Rạch Gầm - Xoài Mút, Điện Biên Phủ và đặc biệt là đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975 hoàn thành khát vọng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Có thể coi đó là là kết quả của bản lĩnh Việt Nam, của ý chí "tự lực, tự cường", dám đánh, quyết thắng, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân để thay cường bạo - thế mạnh vượt trội của văn hóa Việt Nam.

Truyền lửa và lan tỏa sức mạnh "Đại Việt" cho hôm nay và mai sau - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Thứ tư, mặc dù phải khắc phục hậu quả nặng nề và muôn vàn khó khăn, gian khổ sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đặc biệt là chính sách bao vây, cấm vận của các nước không có thiện cảm với Việt Nam, gần 30 năm qua dân tộc Việt Nam đã tự tin làm nên một giai đoạn lịch sử mới quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Chúng ta đã dũng cảm đổi mới, bỏ qua nền kinh tế "kế hoạch hóa, quan liêu và bao cấp", mạnh dạn chấp nhận và thể nghiệm thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đổi mới về chính trị, kinh tế và văn hóa mà Việt Nam đã đạt được sau hàng chục năm đổi mới và hội nhập quốc tế và trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm quốc tế cao, sẽ ghi nhận và đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là, chủ động đẩy mạnh công cuộc đổi mới mang tầm vóc ý nghĩa Cách mạng để cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để sự nghiệp Cách mạng to lớn vì mục tiêu ổn định và thịnh vượng của đất nước, được bạn bè quốc tế khẳng định và tôn trọng, trong điều kiện toàn cầu hóa về kinh tế, quốc tế hóa về văn hóa ở thời đại chuyển đổi số trên phạm vi toàn thế giới.

Tóm lại, "sức mạnh Đại Việt" đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Sức mạnh đó được kết tinh và tỏa sáng qua ba yếu tố hạt nhân là: ổn định xã hội - trí tuệ dân tộc - bản lĩnh và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá/tài sản văn hóa do các thế hệ cha ông truyền lại cho chúng ta. Sức mạnh đó là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, rất cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy vì nó có tác dụng quyết định vận mệnh độc lập dân tộc, đất nước cả hôm nay và mai sau.

Việt Nam quyết không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào và cũng không hoang mang, lùi bước trước bất cứ khó khăn và thử thách nào dù chúng đến bất kỳ nơi đâu. Đó là sự truyền lửa và lan tỏa "sức mạnh Đại Việt" cho muôn đời con cháu.


[1]Văn kiện Đảng toàn, Nxb Chính trị Quốc gia, Tập 8, Trang 1-3.

PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tich Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

NỔI BẬT TRANG CHỦ