• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Truyền thông Mỹ: Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu, khiến Nhà Trắng thất vọng

Thế giới 30/08/2022 07:04

(Tổ Quốc) - Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Ả Rập Xê Út lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức để "tìm kiếm dầu mỏ", Ả Rập Xê Út - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa công bố "mức tăng sản lượng mang tính biểu tượng" vào đầu tháng 8 - có thể lại làm Nhà Trắng thất vọng một lần nữa.

Theo các kênh truyền thông Mỹ, một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm cả Ả Rập Xê Út, gần đây đã ám chỉ rằng, do thị trường hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế, nguy cơ suy thoái toàn cầu và các lệnh trừng phạt về năng lượng của phương Tây đối với Nga, họ có thể hành động bằng cách cắt giảm sản lượng dầu.

Có thể cắt giảm sản lượng dầu bất kỳ lúc nào

Hãng tin Bloomberg ngày 22/8 đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman chỉ ra rằng, thị trường dầu thô kỳ hạn ngày càng mất kết nối với nguồn cung và nhu cầu thực tế, điều này khiến OPEC+ phải cân nhắc đưa ra một thỏa thuận mới và chuẩn bị cắt giảm sản lượng bất kỳ lúc nào.

Ông bin Salman trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho biết: "Thị trường dầu kỳ hạn đã rơi vào một vòng luẩn quẩn tự duy trì, với tính thanh khoản rất mỏng và sự biến động cực mạnh, điều này làm suy yếu chức năng cơ bản của thị trường là định giá một cách hiệu quả. Vòng luẩn quẩn này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường dầu mỏ, hàng hóa năng lượng..., làm nảy sinh nhiều loại rủi ro và mất an toàn mới."

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út mô tả thị trường dầu mỏ đang ở trong "trạng thái tâm thần phân liệt", trong khi thị trường cần sự minh bạch hơn và đảm bảo hoạt động hơn bao giờ hết, thì chính thị trường đã và đang gửi những tín hiệu sai cho những người tham gia.

Ông bin Salman nói rằng, OPEC+ có cam kết, có tính linh hoạt và cũng có các công cụ trong cơ chế hợp tác hiện có để đối phó trước những thách thức này và đưa ra hướng dẫn, bao gồm cả việc cắt giảm sản lượng dưới các hình thức khác nhau vào bất cứ lúc nào.

Ông bin Salman tiết lộ rằng, Ả Rập Xê Út sẽ sớm bắt đầu thực hiện một thỏa thuận OPEC+ mới sau năm 2022, và những "biến động có hại" gần đây đã củng cố quyết tâm của OPEC+ trong việc làm cho thỏa thuận mới này hiệu quả hơn bao giờ hết.

Truyền thông Mỹ: Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu, khiến Nhà Trắng thất vọng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman Nguồn: Bloomberg

Sau khi cảnh báo của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út được đưa ra, giá dầu quốc tế đã ngay lập tức tăng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn tăng mạnh 3,74% khi chốt phiên vào ngày 23/8, còn giá dầu Brent kỳ hạn một lần nữa vượt mốc 100 USD/thùng.

Theo tờ Wall Street Journal, một số thành viên OPEC cũng tiết lộ vào ngày 23/8 rằng, họ có thể ủng hộ việc cắt giảm sản lượng, đặc biệt nếu suy thoái toàn cầu xảy ra.

Trước đó, đã có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo hãng tin Reuters, trong tuần này, một quan chức cấp cao của Mỹ đã tiết lộ rằng, Iran đã từ bỏ một số yêu cầu đối với thỏa thuận hạt nhân, bao gồm cả việc trước đó kiên quyết yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dừng một số cuộc điều tra về chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Iran ngày 22/8 đã cáo buộc Mỹ trì hoãn các cuộc đàm phán hạt nhân. Nhưng phía Mỹ cho biết, họ đã gần đạt được thỏa thuận hơn so với hai tuần trước đó.

Hãng tin Al Jazeera tiết lộ vào ngày 20/8 rằng, một nguồn tin giấu tên cho biết rằng, thỏa thuận được đề xuất hiện tại quy định rằng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ký kết, Iran sẽ được phép xuất khẩu 50 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, Reuters ngày 23/8 trích dẫn các nguồn tin cho biết, còn quá sớm để đánh giá cuộc họp của OPEC+ vào tháng 9 sẽ đặt ra hướng đi nào cho sản lượng dầu, nhưng nếu dầu Iran có thể quay trở lại thị trường, OPEC+ sau đó có thể chọn cách cắt giảm sản lượng.

Thực tế khác xa kỳ vọng

Tờ Wall Street Journal cho rằng, tuyên bố của Saudi Arabia đồng nghĩa với việc chuyến đi của Tổng thống Biden tới Trung Đông vào tháng 7 không giúp ích gì cho việc "hạ nhiệt" giá dầu đang tăng vọt ở Mỹ, tín hiệu từ Riyadh đã nhiều lần trái ngược với kỳ vọng của Washington.

Truyền thông Mỹ: Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu, khiến Nhà Trắng thất vọng - Ảnh 2.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đón tiếp Tổng thống Mỹ Biden ngày 15/7. Ảnh: Reuters

Hai ngày sau chuyến thăm Ả Rập Xê Út của Tổng thống Biden, cố vấn an ninh năng lượng cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein trong một cuộc phỏng vấn cho biết rằng, ông "rất tự tin" rằng mình sẽ được chứng kiến nhiều hành động hơn nữa trong những tuần tới, dựa trên những gì ông nghe được trong chuyến thăm.

Một tuần sau, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cũng tiết lộ với giới truyền thông rằng, Nhà Trắng "lạc quan" rằng hội nghị OPEC tiếp theo sẽ đưa ra một tuyên bố tích cực.

Tuy nhiên, sau khi tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8, OPEC+ đã đồng ý vào ngày 3/8 rằng sẽ chỉ tăng sản lượng ở mức tượng trưng 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Theo các quan chức Ả Rập Xê Út, chính quyền Tổng thống Biden đã nhận được những dấu hiệu ban đầu rằng, Ả Rập Xê Út ủng hộ việc tăng sản lượng lên mức 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ vào tháng 8, nhưng cuối cùng tổ chức này chỉ chọn tăng 100.000 thùng/ngày.

Hữu Hiển

NỔI BẬT TRANG CHỦ