(Toquoc)-Nhìn lại những truyện tranh của Việt Nam thời gian qua, số lượng truyện tranh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu là truyện tranh nước ngoài mua bản quyền về.
(Toquoc)-Nhìn lại những truyện tranh của Việt Nam thời gian qua, số lượng truyện tranh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu là truyện tranh nước ngoài mua bản quyền về.
Đời sống văn hóa đọc của thiếu nhi Việt những năm gần đây khá phong phú, đặc biệt phải kể đến sự góp mặt của nhiều bộ truyện tranh được chuyển thể từ chuyện cổ tích của Việt Nam hay những tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn.
Giữa thời buổi các em đang xa dần với văn hóa đọc thì sự xuất hiện của những bộ truyện tranh chuyển thể như thế này góp phần quan trọng kéo các em đến với trang sách. Tuy vậy, không phải lúc nào, việc chuyển thể cũng mang đến những cuốn truyện hay cho độc giả nhí, nhất là trong cuộc đua “giành độc giả” của các nhà xuất bản như hiện nay.
Truyện tranh Việt "thua trên sân nhà"
Dịp hè 2012 này, nhiều nhà xuất bản đã đón đầu xu thế đọc truyện tranh của các em thiếu nhi bằng việc cho ra mắt các tập truyện được chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam, hay các tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng. Có thể kể đến Phan Thị với tập truyện tranh mới nhất trong bộ Danh tác Việt Nam gồm Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Chí Phèo, Chị Dậu (Nam Cao), Giông tố (Vũ Trọng Phụng). NXB Kim đồng cũng cho ra mắt cuốn truyện tranh hấp dẫn dựa theo các câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, Chuyện Sợ Dừa… hay ra mắt 5 cuốn đầu tiên trong bộ truyện tranh Các vị vua hiền, bộ Truyện tranh lịch sử Việt Nam…
Truyện tranh luôn có sức hút riêng với thiếu nhi. Tuy nhiên, với việc xuất hiện ồ ạt các tác phẩm truyện tranh chuyển thể từ nước ngoài, truyện tranh Việt Nam bị lép vé, chưa tạo được chỗ đứng của mình ngay trên thị trường nội địa
NXB Trẻ cũng không chịu thua kém với bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh, đồng thời tiếp tục phát hành Siêu nhân đỏ… Ngoài hai đơn vị này, trước đó, nhiều nhà xuất bản khác cũng “vào cuộc” mạnh mẽ như NXB Mỹ thuật với bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam- Kể chuyện theo tranh (với nhiều chuyện cổ tích được chuyển thể như Sự tích con Dã Tràng, Cây Khế, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích dưa hấu…); NXB Văn học với bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam gồm 5 cuốn: Sự tích Hồ Gươm, Thạch Sanh, Cây khế, Sơn Tinh Thủy Tinh và Sự tích trầu cau…
Sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị này đã tạo một sân chơi “văn hóa đọc” cho các em nhỏ dịp hè.
Với những hình ảnh sống động, diễn tả được sự việc, hành động của nhân vật trong truyện, kết hợp với lượng ngôn từ phù hợp, truyện tranh luôn có sức hút riêng mà những truyện in chữ thông thường không thể có được. Chính về thế, truyện tranh luôn bán chạy hơn các ấn phẩm khác. Đây cũng là lý do thôi thúc các đơn vị xuất bản đổ công sức vào mảng này. Hơn thế nữa, về ý nghĩa lâu dài, việc chuyển thể nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng sang truyện tranh cũng là cách để kéo các em nhỏ đến gần hơn với kho tàng văn học phong phú của Việt Nam, nhất là trong thời điểm có quá nhiều loại hình giải trí cuốn hút các em nhỏ như hiện nay.
Diễn giả Jean Auquier (người Bỉ) trong chuyến sang Việt Nam nhân Festival truyện tranh lần thứ III-2012 cũng trao đổi với bạn đọc Việt và khẳng định rằng, truyện tranh có một vai trò hết sức quan trọng trong việc khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo của độc giả. Ông nói: “Luôn có một mối liên hệ mật thiết giữa tác giả cuốn truyện và độc giả. Và truyện tranh, cái kết cuối cùng của nó vẫn là ở độc giả. Tác giả vẽ ra chỉ một hình con tuần lộc với ý đồ riêng thể hiện câu chuyện, nhưng trong mắt người đọc, nó còn có thể mang thêm nhiều điều, nhiều ý nghĩa hơn thế”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào, truyện tranh cũng chuyển tải được hết những ý nghĩa tích cực của nó, nhất là khi nó bị can thiệp thô bạo bởi ý đồ của các nhà xuất bản, hay do sự thiếu hiểu biết, sự cẩu thả… của người biên tập. Lấy ví dụ về trường hợp các cuốn truyện tranh ở Bỉ, ông Jean Auquier có nói, nội dung trong cuốn truyện, cùng những hình vẽ là của tác giả, nhưng nhiều nhà xuất bản lại không để cho tác giả được sáng tác luôn bìa sách mà họ tự làm. Vì thế, bìa sách thường không thể hiện được hết nội dung, ý tưởng trong cuốn sách, đôi khi nó còn sai lệch hoàn toàn.
Tình trạng này cũng diễn ra ở Việt Nam, nhất là với các cuốn truyện tranh chuyển thể. Đã có thời kỳ, phụ huynh các độc giả nhí bày tỏ không ít bức xúc về những cuốn truyện tranh cổ tích như Tấm Cám,… bị cắt gọt quá nhiều nội dung, hình ảnh dày đặc. Chỉ còn lại một vài từ ngữ, “chữ vàng” chiếm hữu trong cuốn truyện nhưng chúng không khiến người đọc thấy thỏa, giúp họ hiểu hơn về tác phẩm mà trái lại chỉ làm cho câu chuyện tích gốc mất đi cái hay cái đẹp, mất đi tính nhân văn trong đó. Đó là chưa kể lời lẽ quá hiện đại, nhiều từ ngữ không phù hợp lứa tuổi nhỏ...
Không thể chỉ dựa vào chuyển thể
Nhìn lại những truyện tranh của Việt Nam thời gian qua, số lượng truyện tranh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu là truyện tranh nước ngoài mua bản quyền về. Và điều đáng nói, trong số truyện tranh Việt Nam thì số lượng sáng tác không nhiều, chủ yếu là những truyện chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Ở một khía cạnh nhất định, đây lại là vật cản cho sự phát triển của truyện tranh và cũng phần nào hạn chế, làm giảm đi vẻ tuyệt tác của tác phẩm khi sự chuyển thể không được làm một cách cẩn trọng.
Không chỉ chuyện cổ tích Việt Nam mà nhiều truyện cổ tích nước ngoài như Nàng tiên cá… khi được chuyển thể sang truyện tranh Việt cũng bị cắt gọt không thương tiếc nội dung. Đương nhiên nội dung bị cắt gọt bị thay bằng hình ảnh, nhưng lối vẽ còn thiếu chiều sâu biểu cảm thực sự làm khó các em thiếu nhi trong việc tưởng tượng. Còn với những độc giả đã đọc bản gốc thì không khỏi thất vọng vì câu chuyện bị cắt gọt quá mức, không còn giữ được tinh thần căn bản của cốt truyện.
Cái thời của những cuốn truyện tranh “made in Viet Nam” như “Thần đồng đất Việt”… xem ra quá ngắn ngủi. Sau những cuốn truyện được độc giả nhí hưởng ứng nhiệt liệt ấy, vẫn còn quá thiếu vắng những cuốn truyện tranh Việt cho thiếu nhi. Nghèo nàn về đề tài, thể loại, tranh vẽ kém sinh động, sắc sảo, và hơn hết là thiếu đội ngũ làm truyện tranh chuyên nghiệp và có tâm đã và đang khiến cho mảnh đất vốn hút khán giả nhí vẫn bị bỏ trống. Việc chuyển thể truyện tranh, suy cho cùng, cũng chỉ là “biện pháp chữa cháy”.
Truyện tranh, để sống được lâu dài, chắc chắn cần phải hướng tới những tác phẩm sáng tạo mới. Muốn làm được điều này, thật sự phải có cái tâm, có nghề. Tự đào sâu tìm hiểu những vấn đề của cuộc sống, tự sáng tác nên những câu chuyện của riêng mình cùng những bức vẽ chất chứa cả tâm hồn, ấy chính là cách để danh tiếng nhà văn Bỉ Jean-Claude Servais vượt ra ngoài lãnh thổ nước Bỉ. Đây là điều đáng để các tác giả Việt Nam học tập khi muốn sáng tác những cuốn truyện tranh Việt dành cho thiếu nhi Việt, chứ không chỉ bó hẹp trong những bộ truyện được chuyển thể./.
Minh Anh