(Cinet)- Vài năm trở lại đây đánh dấu bước đột phá của truyện tranh Việt khi có được những bộ truyện gây sốt sau hàng thập kỷ “im lặng, chậm rãi, đều đều”.
Truyền thống truyện tranh ở Việt Nam bắt nguồn sau khi báo chí xuất hiện, đặc biệt phải kể đến một tờ báo rất có ảnh hưởng về văn hóa vào những năm 30 của thế kỉ trước: báo Phong Hóa của Tự lực Văn đoàn. Trên tờ báo này từng xuất hiện một cặp nhân vật rất hấp dẫn bạn đọc, đó là cặp bài trùng Lý Toét - Xã Xệ. Lúc này, tuy những hình minh họa chỉ là tranh đơn hoặc tranh liên hoàn, chiếm một góc tờ báo, nhằm tăng tính giải trí cho độc giả nhưng đã tạo được dấu ấn khá mạnh với những nội dung văn hóa, chính trị, xã hội nhiều khi hết sức sâu sắc.
![]() |
Truyện tranh Việt Nam với đề tài truyền thống. Nguồn: thoibaonganhang.vn |
Đến cuối những năm 50 của thế kỉ trước, trên báo Thiếu niên tiền phong lại xuất hiện cặp nhân vật nổi tiếng là Bóng Nhựa và Bút Thép - hai người bạn thân thiết với thiếu nhi Việt Nam suốt một thời. Chính vì vậy, khi nói đến truyện tranh thời kì đầu ở Việt Nam là nói đến loại truyện tranh theo kiểu truyền thống, tranh theo truyện hay truyện có tranh minh họa. Ban đầu là truyện tranh đen trắng, về sau có thêm truyện tranh màu với các đề tài truyền thống như cổ tích, dân gian, lịch sử... Bên cạnh những truyện tranh do các tác giả Việt sáng tác cũng có một số truyện tranh dịch của nước ngoài như Tam quốc, Tây du ký…
Trên thực tế, trong những tác phẩm truyện tranh được yêu thích nhất, truyện tranh Việt cũng có một chỗ đứng đáng kể như bộ Thần đồng Đất Việt được cả bạn đọc lẫn phụ huynh đánh giá cao. Hay như Bubu cho thiếu nhi mẫu giáo, tiểu học; Học sinh chân kinh, Việt Nam danh tác cho lứa tuổi trung học; Thần đồng Đất Việt - Hoàng Sa Trường Sa giáo dục về tinh thần yêu nước… được bạn đọc chú ý và đón nhận.
![]() ![]() |
Bộ truyện Thần đồng Đất Việt được cả bạn đọc lẫn phụ huynh đánh giá cao. Nguồn: baonghean.vn, tuoitre.vn |
Mặc dù truyện tranh Việt hiện nay còn quá ít trong khi nguồn truyện chủ yếu lại đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, một số ít từ Âu, Mỹ… và việc khai thác truyện tranh diễn ra một cách tràn lan, thiếu chọn lọc, khiến cho trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều bộ truyện tranh kém chất lượng, ít được chú trọng tính văn hóa, giáo dục mà nặng về thương mại, thêm vào đó là việc dịch thuật, biên tập ở nhiều cuốn rất thiếu chọn lọc, cân nhắc về đối tượng tiếp cận nên càng gây phản cảm. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do nắm được thị hiếu độc giả, truyện tranh Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, phong phú về thể loại, từ hài hước, lãng mạn đến trinh thám, ly kỳ. Đề tài dã sử cũng được khai thác mặc dù đòi hỏi rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi. Yếu tố “thuần Việt” được đề cao từ nét vẽ cho tới cốt truyện, lời thoại… Trong vòng hai năm (2015 - 2016) đã xuất hiện khoảng 20 bộ truyện tranh mới “made in Vietnam”, một con số khiêm tốn so với các quốc gia có nền công nghiệp truyện tranh phát triển, nhưng là bước tiến bộ vượt bậc nếu so với khoảng thời gian 10 năm trước đó tại Việt Nam.
![]() |
![]() |
Truyện tranh Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Nguồn: nxbtre.com, timdeal.net |
Đặc biệt, tính từ đầu năm 2016 đã có nhiều sự kiện được tổ chức xoay quanh các vấn đề về truyện tranh Việt, đáng chú ý là hội thảo khoa học: “Truyện tranh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật” do trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức và mới đây nhất là Ngày hội truyện tranh Việt Nam lần 2.
Tại Hội thảo “Truyện tranh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật” đã tập trung vào các nội dung chủ yếu về phân tích thực trạng truyện tranh Việt Nam (đội ngũ họa sĩ, cơ chế chính sách, thực trạng đào tạo, sự ảnh hưởng của truyện tranh nước ngoài đến truyện tranh Việt Nam); nguyên nhân thành tựu và hạn chế của truyện tranh Việt Nam; định hướng về truyện tranh Việt Nam, giải pháp về cơ chế chính sách phát triển truyện tranh; giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp; giải pháp về nâng cao chất lượng sáng tác truyện tranh; giải pháp xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu tham khảo về truyện tranh.
Tiếp đó là Ngày hội truyện tranh Việt Nam lần 2 cuối tuần qua. Đây là dự án ấp ủ đã nhiều năm của cộng đồng truyện tranh trong nước, được Công ty truyện tranh Comicola và một số nhà xuất bản, phát hành sách phối hợp tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngày hội mang đến những thông tin bổ ích, những câu chuyện thú vị chung quanh các bộ truyện và các tác giả đang được giới trẻ yêu thích.
![]() |
Một số bộ truyện đạt được giải thưởng uy tín, tiêu biểu như Long thần tướng. Nguồn: anninhthudo.vn |
Theo thống kê so với cùng kỳ năm 2015, số lượng bộ truyện tranh Việt Nam mới ra mắt không nhiều, nhưng bù lại các họa sĩ Việt Nam đã đoạt được một số giải thưởng uy tín như: truyện tranh Long thần tướng giành giải Bạc cuộc thi Truyện tranh quốc tế lần thứ 9 tại Nhật Bản; tác giả Đình Lân đạt giải nhì của cuộc thi Silent Manga (tại Nhật Bản)… Tác phẩm “Lớp học Mật Ngữ” của nhóm vẽ BRO xuất bản trong năm qua cũng đã lọt top 3 cuốn sách bán chạy nhất của hệ thống sách Fahasa, với số lượng hơn 50 nghìn bản trong lần đầu tiên xuất hiện.
Đặc biệt, xuất phát từ chính những khát khao của cộng đồng yêu thích truyện tranh và nhu cầu của thị trường truyện tranh trong nước, Viện Phát triển Nghệ thuật Truyện tranh và Phim hoạt hình ra đời từ năm 2014 cũng góp phần vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ họa sĩ tài năng, viết kịch bản hay, mang đến những giải pháp giáo dục sáng tạo, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sáng tạo, một ngành nghề mũi nhọn đang được ưu tiên phát triển trong và ngoài nước.
Tính đến thời điểm này, truyện tranh hiện đại (manga, comic…) đã có cả một bề dày với những thăng trầm và không ít bài học có thể rút ra. Truyện tranh có thế mạnh hơn hẳn nhiều loại sách khác, như được đa số bạn đọc, nhất là giới trẻ, yêu thích. Nhưng chính thế mạnh này lại dễ khiến cho những người thiếu trách nhiệm khai thác truyện tranh một cách tùy tiện vì mục đích trục lợi. Chính vì vậy cần có sự nỗ lực từ nhiều phía để truyện tranh thực sự là những sản phẩm văn hóa xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc, đem lại nhiều lợi ích cho toàn thể cộng đồng. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, truyện tranh Việt sẽ có những bước tiến vững chắc trên con đường chuyên nghiệp hóa.
M.N (Tổng hợp: tonvinhvanhoadoc.vn, NDĐT, nhaxuatbankimdong.com)