(Tổ Quốc) - Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động. Giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường.
Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Ngành Y vượt khó", TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV cho rằng, ngành y tế đang đứng trước 2 thách thức cơ bản.
Thách thức đầu tiên là thiếu về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ hai là tiền lương, thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế rất khó khăn. Hai thách thức này làm cho các thầy thuốc, đội ngũ cán bộ trong ngành y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, muốn giải quyết vấn đề này, có nhiều giải pháp, nhưng về chính sách có 2 vấn đề chúng ta phải giải quyết sớm, giải quyết nhanh. Nhất là vấn đề điều chỉnh tiền lương.
Ngành y tế là ngành đặc thù, đào tạo thì dài 7 năm, sau đó phải 2 năm học làm thầy thuốc mới được cấp chứng chỉ hành nghề. "Đào tạo dài mà bảng lương lại giống như những người đào tạo thời gian ngắn thì có hợp lý hay không?" TS. Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, ngành y tế là ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và đây chính là định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu bỏ đi là chúng ta thất bại.
"Quan điểm cá nhân của tôi là phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt trong thời điểm này. Đấy là việc trước mắt", TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Về lâu dài, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước. Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động. Giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường.
Việc các bác sĩ, chuyên gia giỏi của các bệnh viện lớn Trung ương chuyển sang khu vực tư nhân và các cơ sở khác là do giá cả không hợp lý và không thể hiện được giá cả thị trường. Nơi nào có cung lớn thì giá trị tiền lương sẽ giảm đi, cung ít thì giá trị tiền lương phải tăng thì mới thu hút được nguồn nhân lực.
Phải bảo đảm an ninh, an toàn cho thầy thuốc
Cũng theo TS. Bùi Sỹ Lợi, chúng ta cũng phải bảo đảm an ninh, an toàn cho thầy thuốc, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế. Khi bức bách, khi không may người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân mất, bị chết, người ta đổ lỗi và hành hung bác sĩ.
Do đó chúng ta phải quy định bảo đảm an ninh, an toàn cho người thầy thuốc và phải được thể chế bằng hệ thống pháp luật. Nếu chúng ta không làm được điều này thì không thể nói rằng bác sĩ công tâm, gắn bó với ngành y, cống hiến cho ngành y.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các văn bản hướng dẫn luật pháp thì không phải chỉ ngành y tế mà đất nước chúng ta tình trạng luật "khung", luật "ống" phổ biến. Điều này là nhược điểm của công tác xây dựng pháp luật ở nước ta mà chúng ta phải khắc phục cho được.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua về cơ bản là tốt, nhưng vẫn còn một vài điểm hết sức lưu ý để chúng ta xử lý. Theo đó, luật giao cho Chính phủ hướng dẫn nhưng lại không kèm với điều kiện, tiêu chuẩn để hướng dẫn, điều này dễ dẫn đến Nghị định và Thông tư "không đi kèm với Luật". Làm cho luật khó đi vào cuộc sống. Luật có hiệu lực thi hành thì phải thi hành ngay chứ không thể để 10 năm sau mới thi hành được.
TS. Bùi Sỹ Lợi bày tỏ mong muốn sắp đến kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, với tinh thần vì sức khỏe của nhân dân, Đảng, hệ thống chính trị chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cả trong nội tại ngành y tế để củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thầy thuốc với nhân dân, "thầy thuốc như mẹ hiền".
"Chúng ta phải cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đất nước chúng ta có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc" - TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.
Nghiên cứu, đề xuất việc xếp lương và chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế
Bộ Nội vụ vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri của một số địa phương về việc xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho ba đối tượng là bác sĩ, giáo viên và quân đội. Theo Bộ Nội vụ, Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, bao gồm cả viên chức y tế là bác sĩ.
Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thấp so với nhu cầu cuộc sống.
Trước thực trạng nêu trên, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV thông qua từ ngày 1-7-2023 nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%). Việc này là để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023, trong đó có đội ngũ y tế, giáo viên và quân đội.
Cùng đó, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới để thay thế Nghị định 204/2004. Trong đó có việc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và bác sĩ nói riêng bảo đảm tương quan giữa các đối tượng hưởng lương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết 27.
Bộ Nội vụ cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xếp lương và chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế cho phù hợp bảo đảm tương quan chung.