• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TS. Cấn Văn Lực: Chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản

Kinh tế 11/05/2022 17:38

(Tổ Quốc) - Sáng 11/5, tại Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động”.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với thị trường bất động sản hiện nay, ở góc độ vĩ mô nhận thấy, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc bơm tín dụng ra thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022 cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021.

"Cộng thêm với áp lực lạm phát do nhập khẩu và một số lĩnh vực trong nước, chúng tôi dự báo điều này sẽ gây tác động khó khăn cho các doanh nghiệp trong thị trường bất động sản về khả năng thanh khoản và mua, bán"- ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực: Chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Kiên, một vấn đề được đặt ra là khi phát triển các khu đô thị và bất động sản thì phải đáp ứng được một số yêu cầu. Đầu tiên là phải bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của các khu phố cũ, bên cạnh là việc hình thành 4 loại hình trong bất động sản: Thứ nhất là khu đô thị cũ; thứ hai là các chung cư, các khu đô thị được xây dựng từ thời đổi mới kinh tế và các khu đô thị mới để phục vụ công nghiệp hóa; thứ ba là hình thành các khu đô thị từ nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư mới; thứ tư là các đô thị ven đô bị xâm lấn, đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình phát triển đô thị hiện nay ở Việt Nam.

Trong khi đó, tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết: hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản.

Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân do 2 vấn đề: Những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý I, đương nhiên lĩnh vực bất động sản phải “phanh” lại. Một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề phức tạp về pháp lý cũng đang dừng lại.

TS. Cấn Văn Lực: Chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

"Do đó tình trạng này xảy ra ở cục bộ, chứ không phải nhiều tổ chức tín dụng. Như vậy, nhiều dự án vẫn sẽ được triển khai, các chủ đầu tư hãy “yên tâm”- TS. Cấn Văn Lực thông tin.

Ông cũng đưa ra một số giải pháp về nguồn vốn cho bất động sản hiện nay. Đối với cơ quan quản lý: Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, các phân khúc còn thiếu cung, lĩnh vực xây dựng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp… Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn (ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng). Cách tiếp cận, phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nắn dòng vốn không làm nghẽn, quan tâm rủi ro, hệ thống tài chính chú trọng điều tiết cung cầu bất động sản.

Đồng thời theo TS. Cấn Văn Lực cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua.

Ngoài ra, cần có quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp. Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản, cơ quan tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản… Có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp (cần minh bạch, công bằng và phân bổ thu nhập hợp lý..); thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản.

Với doanh nghiệp bất động sản, theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt hay huy động từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trái phiếu công trình…); Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán…/.

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ