• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TS. Dương Thị Hồng khuyến cáo nên duy trì tiêm hai mũi vaccine cùng một loại

Thời sự 14/07/2021 10:59

(Tổ Quốc) - Việt Nam vừa chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7.2021 tới tháng 4.2022. Ngày 13/7, TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí liên quan tới nội dung này.

- Thưa bà, công tác tổ chức tiêm chủng sẽ như thế nào để tránh tình trạng nhầm lẫn vaccine khi tiêm, nhất là với người đã tiêm một mũi trước đó? Người dân có được tự chọn loại vaccine để tiêm không?

+ Chúng tôi đang dự tính trong mỗi bàn tiêm sẽ có 3 loại vaccine, do vậy, trong quá trình thao tác tới đây nhất là tiêm mũi 2, cán bộ y tế phải có chia sẻ với người được tiêm về loại vaccine mình đã tiêm trước đó và có sự đối chiếu bởi vì nước ngoài cũng đã xảy ra sự nhầm lẫn rồi, đáng lý ra tiêm vaccine A thì lại đi tiêm vaccine B. Chúng tôi sẽ phải hướng dẫn chặt chẽ cán bộ về thao tác này. Việc người dân tự lựa chọn loại vaccine nào để tiêm sẽ rất hiếm và phải có sự chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế chứ không phải thích tiêm loại nào cũng được. 

Chúng ta phải có sự tổ chức bài bản căn cứ vào số lượng vaccine, đây là chiến dịch rất khó, không giống các chiến dịch khác và chiến dịch này có sự đồng thuận của người dân từ cơ quan chính quyền địa phương tới cơ quan y tế.

TS. Dương Thị Hồng khuyến cáo nên duy trì tiêm hai mũi vaccine cùng một loại - Ảnh 1.

Người dân tiêm vaccine AstraZeneca phòng Covid-19. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

- Thời gian qua có thông tin cho rằng, mỗi mũi tiêm một loại vaccine khác nhau thì mới đạt hiệu quả cao. Bà có thể chia sẻ về điều này?

+ Bộ Y tế đã trao đổi với Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế và tôi xin chia sẻ vấn đề này như sau: Thời gian qua đã có nghiên cứu ở châu Âu và một số quốc gia châu Âu về việc tiêm mũi một là AstraZeneca, mũi hai tiêm Pfizer. 

Lúc đầu người ta cho rằng vaccine AstraZeneca phải chăng không đáp ứng được với các biến thể của virus Covid-19 nên mới đánh giá thêm: nếu mũi một là AstraZeneca thì mũi hai là Pfizer cho kết quả như thế nào? Một số kết quả nghiên cứu trên vài nghìn người thậm chí vài trăm người ở những vùng khác nhau, các nước khác nhau sẽ đưa ra những kết quả khác nhau và người ta thấy rằng, khi thực hiện như vậy thì miễn dịch bảo vệ cá thể tốt hơn là tiêm 2 mũi AstraZeneca. Nhưng đồng thời người ta cũng ghi nhận một số lượng phản ứng mạnh, bất thường sau tiêm tăng lên đáng kể so với việc tiêm 2 liều AstraZeneca hoặc 2 liều Pfizer.

Chính vì vậy trong văn bản họp chính thức của Bộ Y tế  và trong quyết định hôm 12/7 thì Bộ Y tế cũng khuyến cáo chủ yếu nên duy trì 2 loại vaccine cùng một loại. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta tiêm  mũi 2 là AstraZeneca nhưng nguồn cung loại vaccine này không đáp ứng đủ mà chỉ có Pfizer thì chúng ta có thể tiêm Pfizer nhưng phải theo dõi sức khỏe của người được tiêm.

Sáng ngày 12/7, Bộ Y tế đã trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được biết, tổ chức này chưa có khuyến cáo chính thức về việc tiêm trộn các loại vaccine. Từ tuần trước, nhà sản xuất vaccine Pfizer/Biontech cũng khẳng định hãng chưa khuyến cáo làm như vậy.

- Đây là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn chưa từng có. Vậy chúng ta ứng dụng CNTT như thế nào để tránh những nhầm lẫn xảy ra trong sắp xếp thứ tự, trật tự tiêm, hạn chế tiếp xúc gần... ? Với người dân vùng sâu, vùng xa không sử dụng điện thoại thông minh thì  phải làm thế nào, thưa bà?

+ Hiện Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã có phần mềm sổ sức khỏe điện tử để người dân khai báo. Nhưng do thói quen của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người dân không sử dụng hệ thống điện thoại thông minh thì song song với hệ thống này chúng ta vẫn có hệ thống mạng lưới tiêm chủng để thông báo tới người dân.

Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân ở miền núi vẫn hoạt động rất hiệu quả. Số người dân ở các vùng núi không quá đông và chúng tôi đi thực tế thì thấy hoàn toàn có thể thông báo tới người dân bằng hệ thống y tế thôn bản. Như vậy chúng ta sẽ dùng song song hai hệ thống. Với phần mềm sổ sức khỏe điện tử người dân sẽ được hẹn tiêm, tiêm loại gì, ở đâu, người dân không phải xếp hàng chờ đợi, hoặc ai có bệnh lý nền hệ thống sẽ từ chối ngay để họ không phải mất thời gian tới điểm tiêm.

- Hiện nay chúng ta khuyến cáo đối tượng tiêm vaccine là từ 18 đến 65 tuổi, vậy Bộ Y tế đã có công bố như thế nào về nhóm dưới 18 và trên 65 tuổi, thưa bà?

+ Như chúng ta đã biết người trên 65 tuổi là đối tượng có nhiều bệnh nền nên Bộ Y tế sẽ bố trí tiêm ở các cơ sở có điều kiện xử trí. Với nhóm người dưới 18 tuổi hiện nay chỉ có Mỹ tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn đa số các quốc gia khác thì chưa có thông tin, nên khi có thêm các quốc gia khác, chúng tôi sẽ khuyến cáo. Tới thời điểm tháng 4/2022, sau khi tiêm xong cho 70% đối tượng từ 18-65 tuổi thì chúng ta sẽ cố gắng tiêm tiếp cho các đối tượng khác.

- Xin cảm ơn bà!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng vaccine lần này triển khai trên quy mô lớn nhằm đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vaccine mà Việt Nam đã và đang đàm phán đặt mua từ nay đến tháng 4.2022. Số vaccine này sẽ được tiêm cho người dân nhằm đạt tới miễn dịch cộng đồng.

Song Đào (Lược ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ