• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TS. Khuất Thu Hồng: Nếu học sinh được đào tạo trong môi trường gian dối thì tương lai dân tộc sẽ đi về đâu?

Thời sự 09/08/2018 15:10

(Tổ Quốc) - Sau những vụ việc gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và mới đây nhất là Hòa Bình, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội về các vấn đề xung quanh câu chuyện này.

Phóng viên: Thưa TS.Khuất Thu Hồng, căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục vốn dĩ đã không còn quá mới đối với xã hội lâu nay. Bà nghĩ như thế nào về hệ lụy của căn bệnh này đặc biệt là qua những vụ án gian lận thi cử mới đây tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình?

TS.Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ câu chuyện gian dối trong thi cử vừa qua ở một số tỉnh phản ánh những vấn đề rất sâu xa, sâu xa hơn cả căn bệnh thành tích đó là triết lý giáo dục của chúng ta có lẽ phải xem lại. Đó là việc chúng ta tổ chức cách dạy và học trong những năm qua đã dẫn đến căn bệnh thành tích như vậy cùng sự gian dối với rất nhiều lỗ hổng.

TS.Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.

Hệ lụy của nó rất là nghiêm trọng, vì tạo ra sự bất công bằng đó là, chỉ những đứa trẻ trong các gia đình có điều kiện thì mới được nâng điểm, còn những gia đình không có điều kiện thì phải chấp nhận sự thiệt thòi. Đồng thời, cũng tạo ra một vấn đề nữa cũng rất nguy hiểm đó là việc các đứa trẻ không đủ năng lực lại tốt nghiệp và được vào những trường danh giá.

Chúng ta cứ hình dung là nếu bác sĩ, kỹ sư, giáo viên được đào tạo từ những đứa trẻ thiếu năng lực, lại có liên quan đến những vấn đề không trung thực như vậy thì hệ lụy đối với tương lai của xã hội sẽ nguy hiểm như thế nào.

Một yếu tố nữa đó là xã hội sẽ mất đi những con người tài năng hơn. Đó là chúng ta nói đến giáo dục đào tạo con người, nhưng vấn đề còn rộng hơn đó là sự gian dối lại xảy ra trong ngành giáo dục, nơi đào tạo con người, nếu chúng ta không thay đổi triệt để thì nó sẽ trở thành một căn bệnh trầm kha của xã hội, giống như bệnh ung thư di căn dần dần. Những người chịu ảnh hưởng của sự gian dối đó không ai khác chính là học sinh bởi nếu họ được đào tạo trong môi trường tràn ngập sự gian dối như vậy thì tương lai dân tộc này sẽ đi về đâu?.

Phóng viên: Theo bà, như câu chuyện tiêu cực vừa xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc vừa qua, bà có nghĩ là do phụ huynh tự đặt ra áp lực cho chính mình và rồi tự đi giải quyết để làm đẹp mặt mình chứ không hề nghĩ đến hệ lụy về tương lai của con cái?

TS.Khuất Thu Hồng:  Ở đây câu chuyện không chỉ là phụ huynh mà cả thầy cô nữa. Nếu thầy cô - những người trong ngành giáo dục không tạo điều kiện thì phụ huynh sẽ không dám mơ tới những việc như vậy. Tôi nghĩ câu chuyện bắt nguồn từ triết lý giáo dục, nó là căn nguyên nhưng ở đây phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng, như chất xúc tác, một trong những người đạo diễn một vở kịch hết sức xấu xa.

Đáng lẽ ra, phụ huynh phải dùng sự tâm huyết, tiền bạc để chăm sóc, dạy bảo cho con cái của mình, đằng này họ lại dùng nó để đi mua điểm cho con cái một cách gian dối như vậy. Tôi nghĩ trách nhiệm của những phụ huynh đó rất là lớn. Rất tiếc cái giá rất đắt phải trả cho những hành động đó lại chính là các học sinh phải gánh chịu.

Phóng viên: Như Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã từng chia sẻ trên báo chí, con ông có học lực khá, nhiều năm liền đạt loại giỏi. Giả sử, trong trường hợp này con gái của ông Vinh cũng như nhiều học sinh khác nữa thực sự học giỏi và bỗng nhiên bị hại thì tâm lý của cháu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

TS.Khuất Thu Hồng: Giả định rằng là các cháu học sinh bị nâng điểm hay được nâng điểm không biết gì, mà lại xảy ra những sự cố như vậy thì những hệ lụy về tâm lý sẽ hết sức nghiêm trọng. Các cháu sẽ rất xấu hổ với bạn bè, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai, mất tự tin, xấu hổ, thậm chí có những vấn đề về sức khỏe, tinh thần...  nghiêm trọng hơn và chắc chắn sẽ mất niềm tin và người lớn.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không đơn giản như vậy. Chắc chắn rất nhiều cháu biết việc gian lận thi cử bởi lực học, việc có làm được bài hay không thì mỗi cháu sẽ tự biết. Có tình trạng đó là sự im lặng của các cháu từ câu chuyện này, tất nhiên ở đây các cháu đều còn ít tuổi nên trách nhiệm sẽ chỉ thuộc về người lớn.

Phóng viên: Theo bà, có phải những áp lực mà nhà trường, phụ huynh đang đặt ra đã vô tình làm sai lệch sự phát triển tự nhiên của con mình?

TS.Khuất Thu Hồng: Triết lý, cách tổ chức dạy và học hiện nay của chúng ta đang khiến cho rất nhiều học sinh phát triển lệch hướng. Nó tạo ra những áp lực rất nặng nề đối với các cháu, tạo ra sự cạnh tranh, phong trào, định hướng không lành mạnh ở trong lớp trẻ rằng nhất định phải vào trường đại học danh tiếng bất chấp năng lực. Năng lực không quan trọng mà mối quan hệ của cha mẹ, kinh tế gia đình mới là là quan trọng. Đó là một quan niệm, định hướng rất sai đối với thế hệ trẻ?

Phóng viên: Theo bà, giải pháp căn cơ nào để xóa bỏ hoàn toàn sự gian lận thi cử trong ngành giáo dục hiện nay?

TS.Khuất Thu Hồng:  Thực sự muốn thay đổi chắc phải thay đổi triết lý giáo dục, cách dạy và học. Làm thế nào để phản ánh đúng thực chất của vấn đề và không tạo ra những định hướng sai lệch như hiện nay rằng đã đi học là phải học thật giỏi, học chối chết thì thôi, rồi đã học là phải thi, đậu đại học rồi làm thạc sỹ, tiến sĩ. Triết lý như vậy là sai lầm, gây hệ lụy cho xã hội.

Như chúng ta thấy, Việt Nam bây giờ đang rất “thừa thầy thiếu thợ”, chưa kể những vấn đề về đạo đức xã hội cũng bị sai lệch đi, để lại những hệ hụy rất lâu dài nghiêm trọng cho toàn xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ ngành giáo dục cũng như toàn xã hội chắc chắn phải tiến hành cải cách rất căn bản và bắt đầu từ việc thay đổi triết lý giáo dục.

Phóng viên: Cảm ơn TS. Khuất Thu Hồng!

Thế Công (thực hiện)

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ