Chỉ từ một vết loét nhỏ ban đầu và lầm tưởng mình bị nhiệt miệng, chàng trai chỉ ra tiệm mua thuốc uống. Đến khi mãi không khỏi và đi khám tại bệnh viện (BV) tuyến trên, căn bệnh ung thư lưỡi của anh được phát hiện đã ở giai đoạn 3.
- 23.10.2018 Vì sao số người mắc ung thư phổi ngày càng tăng? Chuyên gia cảnh báo nguyên nhân là thứ chúng ta đang tiếp xúc hàng ngày
- 19.10.2018 100 phụ nữ được ưu đãi tầm soát bệnh lý ung thư vú
- 18.10.2018 Ung thư gan - Phòng bệnh được nhưng ít ai phòng ngừa
- 17.10.2018 Ung thư gan, cái kết đau đớn của những "sâu rượu"
- 17.10.2018 7 cách giảm nguy cơ ung thư
BS Bùi Xuân Trường, trưởng khoa Ngoại 5, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, ông cùng ekip BS trong khoa vừa tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho một trường hợp nam bệnh nhân phát hiện ung thư lưỡi rất nặng. Đáng chú ý bệnh nhân mới 19 tuổi. Trong suốt 30 năm hành nghề, đây là trường hợp trẻ nhất mà BS Trường từng tiếp nhận.
Bệnh nhân ung thư lưỡi điều trị tại BV Ung Bướu TP.HCM.
Từ vết loét nhỏ trên miệng, tính mạng treo trên bờ vực thẳm
Tại giường bệnh, ông Phạm Văn Ẩn (52 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) vừa tháo nút tại lỗ thở tạm dưới cổ cho con vừa kể, ông và con trai cùng làm công việc thiết kế bảng quảng cáo. Mới 19 tuổi, trước giờ A. hoàn toàn khỏe mạnh.
4 tháng trước, đột nhiên chàng trai phát hiện lưỡi có một lỗ nhỏ. Tưởng loét nhẹ vì nhiệt miệng thông thường, anh chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Tuy nhiên sau 1 tuần, 2 tuần rồi nhiều ngày nữa, bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn.
Ông Ẩn chăm sóc con trong phòng bệnh.
Từ chỗ chỉ đau nhẹ, theo thời gian lưỡi anh A. bị lở loét nặng, đớ và có khối gì đó nhú lên trên mặt lưỡi, không thể ăn uống được. Quá hoảng sợ, gia đình đưa chàng thanh niên đến Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM thăm khám.
Tại đây sau các xét nghiệm, cận lâm sàng, thông tin con trai đã bị ung thư lưỡi khiến người cha không khỏi bàng hoàng.
"Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới nghe có loại ung thư này. BS nói bệnh con tôi rất nặng. Phải phẫu thuật xử lý gấp" – ông Ẩn kể.
Các BS mở lỗ thở tạm cho bệnh nhân sau mổ.
BS Trường cho biết, bệnh nhân A. bị ung thư lưỡi giai đoạn 3, khối u đã ăn sâu vào đáy lưỡi. Ekip điều trị buộc phải cắt hơn nửa lưỡi cắt sâu vào đáy lưỡi để lấy hết khối u. Trong lúc mổ, các BS thấy một chiếc răng sâu và rất nhọn đâm vào góc lưỡi gây nhiễm trùng nên cũng tiến hành nhổ bỏ.
BS cho biết, ca phẫu thuật tái tạo lưỡi cho A. kéo dài trong 5 giờ.
"Trước đây với những ca tiên lượng trung bình thế này, chúng tôi không dám mổ vì kỹ thuật mổ và tạo hình phức tạp. Nhưng nếu không làm bệnh nhân không còn cơ hội sống, do đó còn nước còn tát" – BS thông tin.
Để giữ lại giọng nói cho bệnh nhân, ekip điều trị đã tiến hành vi phẫu vạt đùi trước, tạo hình lưỡi cho A. Ca mổ kéo dài trong 5 giờ. Hậu phẫu, lưỡi bệnh nhân còn sưng nề.
Khoa Ngoại 5, nơi đang điều trị cho hàng chục ca ung thư lưỡi.
Dự kiến, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua ống khoảng 10 ngày chờ lành vết thương. Dù vài ngày là có thể lên tiếng được tuy nhiên để có thể giao tiếp rõ ràng, bệnh nhân cần thời gian 3-6 tháng tập phát âm.
Ung thư lưỡi - Căn bệnh đáng sợ đang dần trẻ hóa
Chàng trai tên A. là một trong 51 ca ung thư lưỡi nhập viện tại khoa Ngoại 5, BV Ung Bướu TP.HCM 2 tháng gần đây. Trong số này, có 6 ca bệnh tuổi đời còn rất trẻ (dưới 40 tuổi).
Theo BS Trường, vài thập kỷ trước ung thư lưỡi thường gặp ở người cao tuổi, rất hiếm có bệnh nhân dưới 50 tuổi bị bệnh này. Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh nhân tuổi dưới 40 chiếm đến 10% tổng số ca bệnh. Cá biệt có những trường hợp dưới 30 tuổi và mới nhất là bệnh nhân trên - bị ung thư lưỡi khi chỉ 19 tuổi.
BS Trường cho biết thời gian gần đây bệnh nhân ung thư lưỡi có sự trẻ hóa.
Dù truyền thông và ý thức của người dân có cải thiện, tuy nhiên đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến BV thăm khám khi bệnh đã vào giai đoạn muộn.
Lý giải về điều này, BS Trường cho rằng bệnh ung thư lưỡi có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường.
Ung thư lưỡi dễ nhầm với các bệnh đường miệng thông thường.
Dấu hiệu bệnh ở giai đoạn sớm chỉ là nhiệt miệng, lưỡi có phần trắng và đơ buốt nhẹ. Giai đoạn này dễ bị bệnh nhân, thậm chí thầy thuốc bỏ qua.
Ở giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân sẽ đau và chảy máu, tiết nước bọt nhiều hơn. Khi thăm khám sẽ thấy hiện rõ khối bướu trồi sùi như bông cải, loét lưỡi và nhiễm trùng. Thời gian từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 diễn tiến rất nhanh. Phát hiện và điều trị vào lúc này, 70% bệnh nhân sống được trên 5 năm.
Nhiều bệnh nhân có tiền sử hút thuốc khá nhiều.
Ở giai đoạn nặng, khối u đã xâm lấn nhiều, chảy máu liên tục gây khó nuốt và đau nhức. Khi khối u đã di căn đến hạch cổ thì tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng. Tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 30%.
BS Trường cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi chưa rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ như:
Người có bệnh lý về răng miệng: Răng sâu, răng nhọn, vệ sinh răng miệng kém;
Uống rượu, hút thuốc lá kéo dài;
Nhai trầu xỉa thuốc;
Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A,C, D.
Một trường hợp nạo hạch cổ để phòng ung thư lưỡi di căn.
"Gần đây, người ta nhắc nhiều đến vai trò của virus ở một số bệnh như ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung. Với ung thư lưỡi, nhiều chuyên gia nghi ngờ có thể còn do virus HPV gây ra. Tuy nhiên đây là tác nhân chưa đủ mạnh và cần phải nghiên cứu thêm" – BS phân tích.
Với bệnh nhân không may mắc ung thư lưỡi, phẫu thuật là kỹ thuật điều trị chủ đạo. Phẫu thuật viên sẽ cắt rộng cách vị trí xâm nhiễm khoảng 1,5cm, có thể cắt đến sàn miệng lẫn xương hàm nếu khối u rộng.
Ngoài ra, bệnh nhân phải nạo hạch cổ để ngăn ngừa di căn.
Kỹ thuật tái tạo lưỡi giúp nhiều bệnh nhân không mất đi giọng nói.
Nếu phần cắt quá nhiều, bệnh nhân sẽ được tái tạo lưỡi bằng cách huy động các mô xung quanh (thường là vạt cánh tay, vạt đùi). BS sẽ lấy mô, nối các động tĩnh mạch, nối thần kinh cơ bì vào dây thần kinh lưỡi.
Sau khi tái tạo, bệnh nhân sẽ mất thời gian để phục hồi chức năng nuốt, phát âm, cảm giác.