• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ bao giờ nước dâng, biển bão, xả lũ là nguồn “tự sướng” của một số người?

Văn hoá 29/07/2017 15:09

(Tổ Quốc) -Mùa bão lũ, cứ mỗi lần nghe tin thời tiết bất thường hẳn nhiều người lo lắng và phải có phương án đề phòng. Ấy thế mà với một số người dường như là lại là nguồn tự sướng.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo tình trạng bão xảy ra trên biển, với sự nguy hiểm tính mạng, thiệt hại tài sản… nhưng bất chấp những cảnh báo đó, một số vùng biển vẫn thấy người người rủ nhau đi tắm biển, đùa giỡn với sóng trong niềm hân hoan vui, không mảy may nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra. Không những thế, nhiều bậc cha mẹ còn cho cả con em của mình tắm biển khi bão về khiến không ít người thót tim.

Khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, dù đã có những biển báo nguy hiểm, nhưng không hiểu sao, “không ai bảo ai”, bất chấp rủi ro, cảnh báo, người lớn và trẻ em kéo nhau đến xem và chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc ít thấy.

Người lớn trẻ em dắt nhau đi xem xả lũ. Ảnh: Nam Nguyễn.

Rồi khi nước sông Hồng tại Hà Nội dâng cao, đỏ ngầu, nhiều rác rưởi nổi lều phều và không ít những xoáy nước có lẽ nhiều người chỉ nhìn đã thấy hoa mắt chóng mặt… ấy thế mà người ta vẫn vô tư mang can, mang săm đi bơi. Không chỉ bơi gần bờ, còn bơi xa bờ với niềm vui thích như thể được “trở về dòng sông tuổi thơ” mới đáng lo ngại.

Người xưa đã đúc kết “thủy hỏa đạo tặc” ý nói đến sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên trong đời sống. Mỗi mùa hè sang, bên cạnh niềm vui trẻ em được nghỉ ngơi vui chơi sau một năm học hành vất vả nhưng đi với đó, cũng có không biết bao câu chuyện thương tâm về đuối nước đã cướp đi sinh mạng của trẻ em, người lớn. Người bị đuối nước vì không biết bơi đã đành, nhưng ngay cả người biết bơi nếu chủ quan cũng không nằm ngoài số nạn nhân. Vậy tại sao những hậu quả nhãn tiền từ cuộc sống vẫn chưa đủ là bài học đắt giá cho mọi người? Họ vẫn bất chấp nguy hiểm bất cứ lúc nào ập xuống để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn sự hiếu kỳ?

Phải chăng cuộc sống của một số người quá nghèo nàn đến mức phải “dự phần”, tự tạo ra những trải nghiệm dù nguy hiểm, dù có khi phải trả giá bằng tính mạng?.

Có lẽ nào, một bộ phận người thích cảm giác lạ dù nguy hiểm rình rập. Như xả lũ ở thủy điện Hòa Bình vài năm mới có một lần. Những cột nước cuồn cuộn trắng xóa đổ xuống với cường độ mạnh.. Với bọt tung trắng xóa, mờ ảo phía trên, còn phía dưới như một con rồng khổng lồ đang trườn với vận tốc lớn. Những con sóng biển mùa bão không hiền lành, những dòng nước sông Hồng dâng cao như thể mặc áo mới… tạo nên hình ảnh khác lạ so với ngày thường đã kích thích sự hiếu kỳ của một số người. Và sự hiếu ký này đã khiến họ bất chấp nguy hiểm.

Nhiều người bơi lội trong dòng nước sông Hồng. Ảnh: kienthuc.net.vn

Hay thời đại của công nghệ thông tin, của máy móc hiện đại con người ta đổ xô theo xu hướng sống “hướng ngoại”, thích khoe. Họ nghĩ rằng, càng có nhiều trải nghiệm khác người, ít hoặc không ai dám làm mới là đẳng cấp?.

Bão lụt, nước lên… là nỗi lo lắng của biết bao người. Bởi những thiên tai này tiềm ẩn sự mất mát của cải, tính mạng của biết bao người. Không ai mong muốn những tai họa này hiện diện trong cuộc sống. Nhưng đây là điều không tránh khỏi trong cuộc sống và mỗi người phải chấp nhận đối diện với thiên tai với sự chủ động đối phó để giảm thiểu hậu quả một cách thấp nhất. Vì vậy, khi chứng kiến cảnh nhiều người bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân để “tự” đương đầu với “bão gió” khiến chúng ta đặt ra nhiều dấu hỏi. Không lẽ “tự sướng” bản thân của mỗi người lại cao đến vậy. Không lẽ sự lo lắng hay nỗi đau của thiên tai không phải là “mẫu số chung” của mọi người. Có những người tự tách mình ra, lạc lõng để phục vụ cho cái tôi cá nhân rẻ rúng đến vậy?

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ