(Tổ Quốc) - Ra mắt bộ đôi ấn phẩm sách tranh truyền thông điệp "Vì một hành tinh xanh "; Tu bổ Di tích quốc gia đình Đồng Kỵ mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật; Phối hợp khai quật khảo cổ lần 2 tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên… là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Hà Nội:Thương hiệu sách trẻ của Nhà Xuất bản Kim Đồng (Wings Books) vừa cho ra mắt bộ đôi ấn phẩm sách tranh "Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy" và "Sống xanh rồi mới sống nhanh" của các tác giả trẻ trong nước, nhằm truyền thông điệp "Vì một hành tinh xanh".
Cuốn "Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy" được hình thành từ dự án phi lợi nhuận cùng tên, với nhiều hoạt động thiết thực vì môi trường tại các cửa hàng thương hiệu Việt trên cả nước, do các bạn trẻ là họa sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh gia... thực hiện.
Cuốn sách tranh này có cách tiếp cận thú vị khi "thổi hồn" vào nhựa, biến chúng thành các loài sinh vật mang hình dáng riêng biệt, có vùng lãnh thổ, tập tính, tuổi thọ, như: Túi nilon, ống hút, bọc nắp chai, áo mưa giấy, chai nhựa, màng bọc thực phẩm, khăn ướt...
Từ bức tranh về cuộc sống sinh tồn của "loài nhựa", tác phẩm truyền tải những thông tin hữu ích về các sản phẩm nhựa dùng một lần, giúp cộng đồng có thêm nhận thức về tác hại của nhựa đối với môi trường sống.
Sách cũng cung cấp nhiều thông tin cập nhật về tình trạng báo động của rác thải nhựa trên toàn cầu, cũng như các biện pháp thay đổi điều này của một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, sách có phần hoạt động tương tác thú vị giúp bạn đọc có thể tham gia trắc nghiệm, trả lời câu hỏi nhằm đánh giá sự hiểu biết về "loài nhựa" hay mức độ phụ thuộc của bản thân vào các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Còn cuốn "Sống xanh rồi mới sống nhanh" do tác giả 9X Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - người có nhiều bài viết về chủ đề bảo vệ môi trường trên các ấn phẩm và báo chí với bút danh Mình là Hũ, thực hiện.
Giống như một cuốn sổ tay ghi lại những trải nghiệm chân thực của một bạn trẻ người Việt trên hành trình thực hiện lối sống giảm rác thải, cuốn sách chia sẻ với người đọc những suy nghĩ, cảm nhận chân thành và thông tin hữu ích để thực hành sống xanh.
Trong đó, tác giả khái quát những hiểu lầm phổ biến trong cách hiểu và thực hành lối sống không rác thải, các vấn đề tổng quát về lối sống này một cách dễ hiểu, gần gũi, sinh động, đem đến góc nhìn tích cực, cổ vũ bạn đọc trẻ bước vào hành trình sống thân thiện với môi sinh ngay từ hôm nay.
Nhóm tác giả của hai cuốn sách trên cho biết, họ muốn dùng nhuận bút từ sách để đóng góp, ủng hộ cho các dự án vì môi trường.
Bắc Ninh: Liên quan đến việc tu bổ, thay mới quá nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ khiến di tích quốc gia đình Đồng Kỵ (P. Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ sau khi Cục có buổi làm việc tại hiện trường đình Đồng Kỵ.
Theo đó, Cục đã gửi công văn 108/DSVH-DT tới Sở VHTTDL Bắc Ninh, yêu cầu nhanh chóng xử lý vụ việc tu bổ, tôn tạo tòa Đại bái di tích đình Đồng Kỵ.
Theo Báo cáo, Cục Di sản văn hóa cho biết, Cục đã kiểm tra và làm việc với các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan đến công tác tu bổ di tích quốc gia đình Đồng Kỵ. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình, chùa Đồng Kỵ do UBND thị xã Từ Sơn làm chủ đầu tư. Tháng 12/2018, Bộ VHTTDL đã có công văn thỏa thuận dự án; tháng 3/2019, Cục có công văn thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công; tháng 10/2019 tiếp tục có công văn nêu ý kiến về việc điều chỉnh Thiết kế bản vẽ thi công.
Ngày 27/2, Cục Di sản văn hóa cùng Sở VHTTDL Bắc Ninh đã kiểm tra hiện trường công trường tu bổ tòa Đại bái đình Đồng Kỵ. Cục Di sản văn hóa cho rằng, chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án đã không tuân thủ đầy đủ ý kiến của Bộ và Cục tại các văn bản liên quan đến việc trùng tu di tích này. Cơ bản đã lắp dựng gần xong bộ khung gỗ tòa Đại bái, tuy nhiên cấu kiện gỗ cũ bị thay mới quá nhiều, không đúng với ý kiến của Cục Di sản văn hóa tại công văn đã gửi vào tháng 10/2019, làm mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật của công trình.
Báo cáo nêu rõ, lý do của việc cấu kiện cũ bị thay mới là do di tích được làm bằng vật liệu gỗ xoan, có tuổi thọ đã 300 năm nên bị mục ải, xuống cấp, không còn khả năng tái sử dụng. Nêu rõ quan điểm đối với việc trùng tu tại đình Đồng Kỵ, Cục Di sản văn hóa cho rằng về thủ tục, trình tự triển khai dự án đã thực hiện các quy định pháp luật; quá trình lập hồ sơ, thi công tu bổ được cộng đồng quan tâm, theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, tỉ lệ cấu kiện kiến trúc gỗ thay mới quá nhiều đã làm mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật của công trình. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư do chưa thực hiện biện pháp tu bổ tái sử dụng tối đa các cấu kiện kiến trúc gỗ của công trình.
Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh, qua báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan và hiện trạng công trường, các cấu kiện gỗ cũ bị thay thế đang được chủ đầu tư và chính quyền địa phương lưu giữ tại di tích. Vì vậy còn đủ cơ sở để yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá, tái sử dụng tối đa các bộ phận kiến trúc cũ của di tích để trả lại giá trị kiến trúc - nghệ thuật cho di tích.
Trước sự việc này, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu địa phương và Sở VHTTDL Bắc Ninh thực hiện ngay việc bảo vệ nguyên trạng, an toàn toàn bộ cấu kiện kiến trúc gỗ cũ của di tích đang được lưu giữ tại công trường, chờ biện pháp xử lý tiếp theo. Nhanh chóng tổ chức đánh giá, phân loại hệ thống các cấu kiện gỗ cũ để có biện pháp tái sử dụng vào di tích. Đặc biệt, để khắc phục sự việc, Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh để cử cán bộ xuống chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.
Văn bản số 108/DSVH-DT của Cục Di sản văn hóa gửi Sở VHTTDL Bắc Ninh một lần nữa nêu rõ việc chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã không thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ và Cục Di sản văn hóa tại các văn bản liên quan đến việc tu bổ di tích quốc gia đình Đồng Kỵ. Để khắc phục vụ việc, Cục yêu cầu Sở VHTTDL Bắc Ninh nhanh chóng xử lý.
Cụ thể, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương khẩn trương bảo vệ nguyên vẹn các bộ phận, cấu kiện cũ của công trình. Tổng hợp toàn bộ các hồ sơ, tài liệu có liên quan để phục vụ quá trình giải quyết vụ việc. Sở cũng cần giao cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo chủ đầu tư thống kê, tư liệu hóa toàn bộ các cấu kiện gỗ cũ của di tích. Trên cơ sở đó, tổ chức phân loại, đánh giá cấu kiện còn khả năng sử dụng sẽ được đưa trả lại công trình; quản lý công trường thi công đảm bảo an toàn mọi mặt như an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, trộm cắp…
Trước đó, những thông tin về việc trùng tu thay mới, đánh mất những mảng chạm tinh xảo xưa của đình Đồng Kỵ đã được dư luận phản ánh. Hy vọng, với những nội dung được Cục Di sản văn hóa yêu cầu địa phương khẩn trương thực hiện để khắc phục, đình Đồng Kỵ sẽ sớm được trả lại nhiều nhất có thể những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc vốn có từ xa xưa trên từng mảng chạm, đường nét…
Hải Phòng: Sở VHTT Hải Phòng vừa có Công văn gửi Bộ VHTTDL về việc phối hợp khai quật khảo cổ lần 2 tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Thực hiện Quyết định số 4137/ QĐ - BVHTTDL ngày 22 /11 /2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và đã phát lộ được 27 cọc gỗ, 21 hố chôn cọc trên diện tích 950m.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đánh giá rất cao giá trị của việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ trong việc nghiên cứu lịch sử nói chung và nghiên cứu các chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử nói riêng. Việc khai quật bãi cọc Cao Qùy được đánh giá là phát hiện khảo cổ học nổi bật trong năm 2019. Đặc biệt, bãi cọc Cao Quỳ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và sẽ trở thành địa điểm quan trọng để giáo dục truyền thống lịch sử và vun đắp niềm tự hào tự tôn dân tộc trong nhân dân.
Tuy nhiên, với diện tích 03 hố khai quật là 950m mới chỉ phản ánh được một phần hệ thống trận địa cọc gỗ khiến việc nghiên cứu tổng thể, đánh giá vai trò của bãi cọc Cao Quỳ trong chiến dịch Bạch Đằng 1288 gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại các khu vực xung quanh hố khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, người dân lại tiếp tục phát lộ những cọc gỗ, thân cây gỗ trong quá trình canh tác.
Chính vì vậy, việc tiến hành khai quật lần thứ 2 bãi cọc Cao Quỳ là vô cùng quan trọng để nghiên cứu tổng thể trận địa cọc và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bãi cọc Cao Quỳ. Để xác định rõ hơn quy mô, đặc điểm, cấu trúc của di tích, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật lần thứ 2 di tích Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày1/4 -31/6/2020.