Lãnh đạo nhiều trường đại học (ĐH) cho rằng tự chủ hoạt động là xu thế tất yếu của giáo dục ĐH nước ta hiện nay.
Lãnh đạo nhiều trường đại học (ĐH) cho rằng tự chủ hoạt động là xu thế tất yếu của giáo dục ĐH nước ta hiện nay.
|
Giảng viên hướng dẫn sinh viên khoa cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành trên máy đo lường cơ khí - Ảnh: Như Hùng |
Đây chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một cơ sở giáo dục đào tạo. Được Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, nhưng đại diện một số trường ĐH đều nói trường vẫn chưa được “cởi trói”.
Tự chủ nửa vời
Ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng con đường tiến đến tự chủ của các trường ĐH ở VN còn nhiều khó khăn và có nhiều vấn đề không đơn giản. Theo ông Danh, khi giao cho hiệu trưởng một trường ĐH tự chủ, mới chỉ được tự chủ về tài chính. Trong khi vẫn phải ôm nhiều mối lo về khả năng cân đối tài chính, quyền quyết định bộ máy và nhân sự vẫn phải theo quy trình hiện hành.
“Như vậy phải chịu quá nhiều trách nhiệm về nhà trường, nhưng không được tự chủ trong quyết định nhân sự và bộ máy thì không hiệu trưởng nào muốn. Khi hiệu trưởng muốn thay một phó, trưởng phòng, tìm người làm việc hiệu quả hơn thì phải họp các ban, bệ, đoàn thể, thông qua một đống quy trình. Vậy làm sao mà theo kịp sự tự chủ về tài chính” - ông Danh nói.
Hiện nay ngoài tài chính, các quy định về tổ chức, cán bộ, quy trình và thủ tục về quản lý tài chính, quy định về đầu tư, đấu thầu, quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu, hợp tác quốc tế... đều vẫn như cũ.
Nên với một quyết định tự chủ mà chỉ có tài chính là được quy định khá cụ thể, còn những nội dung trên vẫn ghi “thực hiện theo quy định hiện hành”; mà “quy định hiện hành” lại không thay đổi kịp cho tương thích với tự chủ về tài chính thì mọi chuyện hầu như vẫn như cũ. Đó là hiện trạng của việc “tự chủ nửa vời” hiện nay.
“Các đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục ĐH như Bộ GD-ĐT có thật sự muốn buông để các trường được tự chủ hoàn toàn hay không.Tôi nghi ngờ chuyện này. Mặc dù nghị quyết 77 đã có nhưng các thông tư, quyết định của các bộ vẫn tiếp tục ban hành và chẳng có gì là coi trọng quyền tự chủ. Trường được tự chủ nhưng thật ra vẫn bị ràng buộc bởi các thông tư, quy chế, quy định của bộ. Thành ra thực tế không trường nào được tự chủ cả” - ông Danh nhận định.
Ngoài ra, ông Danh còn cho rằng bản thân sức ì từ các trường cũng là khó khăn của chính sách tự chủ ĐH. Các trường công lâu nay chủ yếu được Nhà nước bao cấp về xây dựng cơ bản, đất đai, chi thường xuyên... trong khi cơ sở vật chất, phòng học đều đang cũ dần. Khi tự chủ, nhà trường phải tự lo hết các khoản chi này. Chuyện đó quả không đơn giản đối với những nhà quản trị không quen tính toán, không quen chịu trách nhiệm.
“Ở điểm này nếu không có sự ép buộc các trường phải tự chủ, rất khó để hệ thống trường công lập vận động theo hướng tự chủ dù chỉ là tự chủ về tài chính. Nghị quyết 77 của Chính phủ ban hành đến nay chỉ có 12 trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Các trường ĐH khác chưa sốt sắng làm cũng một phần vì điểm này” - ông Danh lý giải.
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, thừa nhận khi được tự chủ toàn diện, trường cũng có những khó khăn nhất định. So với 12 trường được thí điểm thực hiện tự chủ, Trường ĐH Tài chính - marketing là trường yếu nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và hệ thống văn bản pháp quy để chuyển sang cơ chế tự chủ toàn diện.
“Trước đây việc gì cũng phải xin phép, nay được tự chủ nhưng vẫn còn ràng buộc bởi các quy định của các bộ, ngành. Ví dụ như trường được tự chủ trong hợp tác quốc tế, nhưng khi trường chúng tôi liên kết với các trường ĐH thì chỉ cần báo cáo với bộ hay phải xin phép? Việc thu hút người nước ngoài về trường giảng dạy hiện vẫn chưa có khung pháp lý về việc này, cũng như chế độ lương có theo khung bậc hay không... Đây là những việc các trường đang lúng túng” - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thiên Tuế - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - còn cho rằng Nhà nước khuyến khích các trường ĐH công lập nên mạnh dạn tự chủ nếu có đủ điều kiện, nhưng thực tế không phải trường nào cũng muốn tự chủ. Ở các trường tự chủ, Nhà nước chỉ ưu tiên cho đầu tư, hỗ trợ các dự án lớn, ưu đãi nguồn vốn ODA, còn khoản chi thường xuyên sẽ cắt hết.
“Nhiều trường được Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm tự chủ nhưng lại không muốn. Vì khi trường tự chủ, nguồn ngân sách nhà nước cấp sẽ bị cắt hết, các trường ngại thu không đủ chi. Nếu muốn thu đủ chi nhà trường phải tăng học phí, nhưng học phí cao trường tuyển sinh không được. Vì vậy không phải trường nào muốn tự chủ cũng được. Việc này phụ thuộc vào uy tín, chất lượng của nhà trường” - ông Tuế nhấn mạnh.
Cần tạo cơ chế thông thoáng hơn
ThS Hứa Minh Tuấn kiến nghị hiện nay đang ở giai đoạn thí điểm, Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng cho các trường và hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho các trường ĐH được tự chủ thực chất hơn. Nếu các trường được mở rộng tự chủ, không bị ràng buộc bởi các quy định của các bộ, ngành thì sẽ tốt hơn việc thực hiện cổ phần hóa trường công.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cũng cho rằng trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến hết sức mạnh mẽ, quốc gia nào chậm trễ trong cải cách hệ thống giáo dục ĐH, nhất là chậm đổi mới cơ chế quản trị ĐH, sẽ đánh mất cơ hội để hội nhập và phát triển.
Đồng thời ông Nhựt cho hay Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị được tự xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực thực tế; tự xác định mức học phí trên nguyên tắc bảo đảm lấy thu bù chi, có tích lũy và bảo đảm cơ hội học tập cho sinh viên thuộc đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Trường chúng tôi ủng hộ tiếp tục mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục đầu tư riêng cho khoa học công nghệ và đào tạo các chuyên gia đầu ngành. Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý để các trường ĐH tự chủ có thể tiếp cận các nguồn vốn ODA, nguồn tài trợ từ cá nhân và tổ chức quốc tế cho các đề án, dự án phát triển nghiên cứu và đào tạo” - ông Nhựt kiến nghị.
Theo TS Nguyễn Thiên Tuế, mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm được coi là chìa khóa cho sự phát triển của cơ sở giáo dục ĐH công lập, tạo nên chất lượng đào tạo nhân lực mà các nước phát triển đang triển khai. Trong đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện đối với từng lĩnh vực được giao quyền tự chủ. Sau giai đoạn thí điểm, nhà trường sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả của đề án...
TS Tuế đặt vấn đề: “Nhà nước đã cho phép các trường ĐH nước ngoài hoạt động tại VN. Các trường này thu ít nhất 500 triệu đồng/sinh viên. Chính vì nguồn thu lớn như vậy nên họ dễ dàng đầu tư cơ sở vật chất tốt, trả lương xứng đáng cho giảng viên... chất lượng đào tạo tốt. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải có tiền... Vài năm nữa các trường ĐH VN phải cạnh tranh với các trường ĐH nước ngoài ngay tại VN. Trong khi các trường nước ngoài thu học phí rất cao nên đầu tư tốt hơn, thu hút được sinh viên. Tại sao chúng ta không đầu tư cho những trường mạnh, tạo cơ chế thoáng để vươn lên?”.
3 sứ mạng của trường ĐH Ông Lê Vinh Danh cho rằng sứ mạng của trường ĐH suy cho cùng là giáo dục cho sinh viên: có hiếu với cha mẹ - anh em; bên ngoài: ứng xử công dân, thượng tôn pháp luật, biết sống vì cộng đồng và yêu nước; giỏi chuyên môn, ra trường có việc làm tốt và phát triển tốt. Trường ĐH nào cam kết với xã hội làm được những điều này thì bộ, Nhà nước có nên can thiệp vào công việc của trường không. Khi bộ và Nhà nước thật sự không can thiệp vào hoạt động của trường ĐH mà chỉ quản trị các chuẩn mực đầu ra như trên, trường nào không làm được thì kỷ luật hoặc thay thế hiệu trưởng và hội đồng trường, lúc đó mới có trường ĐH tự chủ thật sự. Trường ĐH phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không có bất kỳ một sự can thiệp hành chính nào vào hoạt động của nó. Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục làm đề án theo hướng này để trình Chính phủ. |
TRẦN HUỲNH
(Nguồn:Tuổi trẻ)