• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ đêm mai, bão Tembin gây mưa lớn ở Nam bộ

Thời sự 24/12/2017 09:55

(Tổ Quốc) -Trong 12 giờ vừa qua, sau khi vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông, bão số 16 – Tembin tiếp tục mạnh lên.

Tối mai, 25/12, bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, 7h sáng nay, 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo tới 7h sáng mai, vị trí tâm bão cách Côn Đảo 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 19 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bãongay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.

 Đêm mai, Nam bộ dự báo mưa to. Ảnh: NCHMF

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.

Đến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển từ Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 5-7 mét.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu thêm.

Trung tâm cảnh báo, trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan

Đêm qua, Thủ tướng đã có Công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16.

Công điện nêu rõ, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ.

Rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu),…

Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản…/.

Thái Tùng

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ