(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, vào tháng 9/2017, triển lãm ảnh khỏa thân (nude) của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên được cấp phép tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều người kỳ vọng sẽ có nhiều triển lãm như thế tiếp tục được tổ chức. Trên thực tế, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định, không có luật nào cấm, nhưng các nghệ sĩ và công chúng vẫn “rụt rè”.
Trước hết phải nhìn nhận, sáng tác tranh, ảnh tôn vinh vẻ đẹp hình thể của con người là một nhu cầu chính đáng của các nghệ sĩ. Cũng như được thưởng thức nó là nhu cầu chính đáng của công chúng yêu nghệ thuật. Thực ra, quan niệm về tranh ảnh nude (khỏa thân) ở mỗi nơi và mỗi thời mỗi khác, và không hẳn cứ đương đại thì “lạc hậu” hơn trung cận đại, cứ tôn giáo thì nghiêm ngặt hơn ngoài đời sống nhân dân. Những bức tranh nude thời Phục hưng thậm chí còn được Nhà thờ mua; còn Việt Nam ta, trên trống đồng Ngọc Lũ, trên các đao đình còn chạm trổ trai gái giao hoan.
Nhưng do quan niệm của các nhà quản lý và phong tục của cộng đồng khác nhau, tranh ảnh nude không phải bao giờ và ở đâu cũng được chấp nhận. Đầu thế kỷ XX, Mỹ còn cấm chiếu các cảnh nóng nam nữ hôn nhau; còn trên thực tế, các cô gái đạo Hồi mãi gần đây mới buông bỏ khăn bịt mặt.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với quốc tế, việc sáng tạo, trưng bày, tiếp cận tranh, ảnh nude được các cơ quan quản lý tôn trọng. Và trên thực tế, không có văn bản nào cấm, nhưng bản thân các nghệ sĩ, công chúng và thậm chí là cơ quan quản lý vẫn còn “rụt rè” với nude nghệ thuật.
Nghệ sĩ, công chúng còn rụt rè với Triển lãm ảnh khỏa thân (ảnh minh họa Zing.vn) |
Chỉ đến tháng 9/2017, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hạo Nhiên trưng bày phòng ảnh nude tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề mới được bàn luận sôi nổi trở lại. Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức tháng 11 vừa qua một hội thảo về tự do sáng tạo và biểu đạt. Vấn đề triển lãm nude cũng được đặt ra một cách nghiêm túc.
Trước hết, thành công của triển lãm Hạo Nhiên đã khiến nhiều nghệ sĩ hào hứng hơn với nude nghệ thuật. Đây là bước khởi đầu rất thuận lợi, được xã hội đón nhận và gần như không thấy có ý kiến trái chiều nào. Về mặt quản lý nhà nước, Triển lãm cũng “cởi” được nút thắt mà bấy lâu nay còn ngại ngần ở các địa phương.
Thành công của Hạo Nhiên cũng “đóng góp” về mặt lý luận. Bởi những bức ảnh của ông đối lập một cách rất rõ ràng với dung tục, càng xa lạ với tranh ảnh khiêu dâm đang tràn lan trên mạng hoặc chỉ bán công khai trong diện hẹp.
Theo ông Vũ Quốc Khánh- Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phải tổ chức những triển lãm như vậy để dần dần thuyết phục, không chỉ nghệ sĩ, nhà quản lý mà thuyết phục cả xã hội đừng đặt nặng vấn đề quá mức.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định đề nghị: "Ở Việt Nam có nhiều nghệ sĩ chụp nude art chuyên nghiệp, nên tập hợp lại trở thành một lực lượng thật lớn, đủ sức đối trọng với đống xà bần dung tục đang tồn tại!". Theo ông, nên tổ chức triển lãm rộng rãi các bức ảnh nude art của Việt Nam đoạt giải quốc tế, để mọi người nhận ra đâu là nude art, đâu là ảnh dung tục... Thậm chí, hoàn toàn có thể tổ chức cuộc thi chuyên về nude art tương tự các thể loại nhiếp ảnh khác.
Trên thực tế, nếu có những triển lãm để định hướng đâu là nude nghệ thuật thì rõ ràng, công chúng sẽ dễ dàng phân biệt được với những tranh, ảnh dung tục đầy rẫy trên mạng xã hội. Bởi vậy, cần nhìn nhận chụp ảnh khỏa thân là bình thường. Các nhà quản lý Nhà nước cũng cần dung hoà sao cho người sáng tác vẫn được tự do sáng tác, vẫn công bố được tác phẩm của mình được xã hội chấp nhận và tránh những “tai tiếng”.
Quy định hiện hành không cấm tổ chức triển lãm ảnh khỏa thân nhưng khi công bố tác phẩm ra xã hội thì cần phải có những điều kiện cụ thể đi kèm. Bởi vì, chúng ta đều biết, nhân vật chính của ảnh nude nghệ thuật là các thiếu nữ. Có thể bản thân họ, do muốn thể hiện mình, do nghệ thuật quyến rũ, họ “xả thân” vì cái đẹp. Nhưng khi những bức ảnh ấy trở thành tác phẩm nghệ thuật, họ sẽ bị dư luận “đơm đặt, thêu dệt” những lời đồn đoán. Rồi người yêu, chồng họ hay là cha mẹ họ sẽ lên tiếng phản đối. Đó là điều người cầm máy phải tính đến đầu tiên, vì chính anh / chị ta phải chịu trách nhiệm về mọi thành bại cũng như chuyện thị phi. Ở đây, triển lãm đầu tiên cũng lại đóng góp một kiến giải êm đềm: Trong các bức ảnh nude nghệ thuật giầu mỹ cảm của ông, người xem không thấy mặt nhân vật chính.
Những triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật sẽ giúp công chúng phân biệt với khỏa thân dung tục đang tràn lan trên mạng (Ảnh minh họa Báo Giao thông) |
Về mặt pháp lý, rất cần suy nghĩ về câu nói như “mở đường” của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: “Bây giờ nghệ sĩ hoặc đơn vị nào tổ chức triển lãm ảnh khỏa thân ở Hà Nội hay địa phương khác mà đáp ứng được các quy định hiện hành như không có ảnh nào lộ rõ danh tính và nếu có ảnh lộ rõ danh tính mà có thoả thuận với người mẫu thì chúng tôi sẽ cấp phép ngay!”
Với cái nhìn lý tưởng, hoàn toàn chúng ta có quyền nghĩ đến những bức ảnh bán khỏa thân thấy mặt sẽ sớm được trưng bày. Vâng, nghệ thuật có đặc điểm là bao giờ cũng phải tiên phong và mang tính dự báo. Những cái mà xã hội thời điểm này chưa chấp nhận thì nghệ thuật đã có thể đi trước rồi. Đấy là một trong những thuộc tính và chức năng của nghệ thuật.
Ảnh khỏa thân là một bộ phận, một thể loại của nghệ thuật nhiếp ảnh nhưng không phải chiếm số đông người theo đuổi con đường này, cũng không mang tính quyết định sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhưng có nó thì cái đẹp sẽ phong phú hấp dẫn hơn. Hơn nữa, đó cũng là hướng để nhiếp ảnh gia Việt Nam hòa nhập quốc tế.
Mong cho các nhiếp ảnh gia dấn thân được xã hội tôn trọng quyền tự do biểu đạt. Bảo vệ quyền tự do biểu đạt, bảo vệ sự đa dạng sẽ góp phần đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác trong các xã hội và quốc gia, quốc tế, mang lại nguồn sáng tạo, cổ vũ, tạo nên động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Quyền tự do biểu đạt đã được ghi trong nhiều văn kiện của Liên Hợp Quốc và các tuyên ngôn quốc tế khác. Nó là một quyền cơ bản song không phải là một quyền tuyệt đối, và cũng không phải là không có ranh giới. Ranh giới đó chính là hoàn cảnh lịch sử và địa lý cụ thể và đặc thù, văn hóa của từng dân tộc.
Và xét cho cùng, nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm là để đem đến cho công chúng, chỉ khi nào, tác phẩm được công chúng đón nhận thì tác phẩm ấy mới thành công./.
Hoàng Nguyên