• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy

Văn hoá 26/10/2024 08:45

(Tổ Quốc) - Sở Văn hóa và Thể thao vừa tổ chức Chương trình "Tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024", trong khuôn khổ hội nghị đa diễn ra giao lưu, tọa đàm với các gia đình văn hóa tiêu biểu. Tại giao lưu, nhiều câu chuyện về gia đình văn hóa đã được chia sẻ, nhân lên niềm tin về những giá trị của văn hóa, gia đình truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhận thức sâu sắc điều đó, việc triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa nói chung và gia đình văn hóa nói riêng được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm với những bước đi, cách làm phù hợp với bản sắc, phong tục, tập quán của nhân dân. Phong trào phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư, thôn, làng, tổ dân phố; phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của mỗi người dân, đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái. Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy; các giá trị đạo đức được hun đúc; những nề nếp, gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa... được kết tinh, lan tỏa.

Gần 90 gia đình được tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024 ngoài việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương còn rất tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương, thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, ứng xử nơi công cộng. Bên cạnh đó một trong những tiêu chí là phải có 03 năm liên tục (2021, 2022, 2023) được công nhân danh hiệu Gia đình văn hóa hoặc đã được UBND cấp xã tặng Giấy khen Gia đình văn hóa. Các gia đình được tuyên dương năm 2024 là những gia đình truyền thống có nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc; gia đình hiếu học; gia đình lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống; gia đình tích cực hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ; gia đình dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp xây dựng địa phương; gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; gia đình tham gia tích cực các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo..

Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy - Ảnh 1.

Tại giao lưu các gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu, nhiều câu chuyện về gia đình văn hóa đã được chia sẻ, nhân lên niềm tin về những giá trị của văn hóa, gia đình truyền thống được giữ gìn và phát huy. Đồng thời từ những câu chuyện này đã lan tỏa, trở thành nơi chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng "Gia đình văn hóa" ở các địa phương.

Với gia đình ông Chu Quang Ưng (Thôn Nhông Nương Tụ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) mang đến cho nhiều người về sự gần gũi với hình ảnh một thầy hiệu trưởng vẫn làm việc nhà để chia sẻ với các thành viên trong gia đình.

Trong gia đình ông Ưng có đến 6 người công tác trong ngành giáo dục. Hai cháu trong gia đình, một cháu đã tốt nghiệp đại học và đi làm, một cháu còn đang học cấp hai, luôn ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ và đạt thành tích cao trong học tập với các danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không chỉ nuôi dạy con tốt, ông còn không quản ngại khi phụ giúp các thành viên gia đình làm việc nhà. Hành động tưởng như nhỏ này nhưng lại là hình ảnh đẹp để lan tỏa cho các gia đình cũng như thế hệ sau học tập.

Bản thân ông Ưng đang công tác tại trường THCS Phú Sơn, Ba Vì với cương vị hiệu trưởng, đồng thời tham gia BCH đảng bộ xã, kiêm phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng, tổ trưởng khu dân cư. Dù là một người khá bận rộn với công tác xã hội nhưng ông luôn cố gắng sắp xếp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao đồng thời gặt hái được không ít thành tích.

Là đảng ủy viên phụ trách mảng giáo dục địa phương, ông đã tham gia xây dựng các nghị quyết tháng, quý, năm cho sát, phù hợp và thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó ông cũng tham gia phong trào địa phương, xây dựng đường làng ngõ xóm sáng xanh sạch đẹp và được lan tỏa rộng rãi.

Câu chuyện của gia đình ông cho thấy việc cân đối thời gian hợp lý, khoa học cũng như trách nhiệm và tình yêu thương của một thành viên trong gia đình khiến chúng ta làm được những gì mong muốn như vừa nuôi dưỡng con cái và vừa công tác xã hội mà vẫn có kết quả tốt.

Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy - Ảnh 2.

Còn với gia đình chính sách của bà Đào Thị Hoa 77 tuổi ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội lại mang đến một câu chuyện ấm áp khác. Với những đóng góp tích cực cho gia đình và cộng đồng, gia đình bà đã được nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.

Bà Hoa là cán bộ vè hưu có chồng là thương binh ¼, các con đều đã thành đạt và là đảng viên. Trong gia đình bà chăm sóc chồng thương binh với không ít nhọc nhằn mỗi khi trái gió trở trời ông lại đối mặt với những cơn đau thì bà lại ôn hòa chăm sóc, động viên. Không những vậy, bà Hoa còn tích cực tham gia công tác xã hội như tổ dân phố, phụ nữ, chữ thập đỏ, người cao tuổi, chủ nhiệm CLB liên thế hệ tự giúp nhau, chủ nhiệm CLB trống hội đình làng. Trong các lĩnh vực công tác bà đều hoàn thành xuất sắc.

Bên cạnh đó, một trong việc được bà Hoa duy trì và làm nhiều năm nay là công tác từ thiện với các chương trình như bát cháo tình thương, bát cơm tình nghĩa. Hàng năm bà đến bệnh viện K trung ương, bệnh viện Nhi trung ương tặng quà cho các cháu trị giá hơn 30 triệu đồng. Trong dịch bệnh Covid -19, vụ cháy chung cư mi ni, hay bão lụt vừa qua tại Hà Nội gia đình bà cũng đóng góp từ 60-70 triệu đồng. Còn những ngày tri ân như ngày chất độc da cam, các cháu có hoàn cảnh khó khăn bà cũng ủng hộ 5-10 triệu đồng. Bà Hoa cũng đã vận động được 30-40 cháu đi hiến máu để cứu người. Đó là những việc làm khiến bà rất vui.

Còn với công tác văn hóa văn nghệ bà cho rằng cần phải giữ nét đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà đã cùng với một số người gây dựng đội trống đình làng lên tới 32 thành viên. Đội trống hoạt động khá mạnh, bản thân bà cũng ủng hộ trên 100 triệu cho đội trống này. Với CLB Liên thế hệ tự giúp nhau bà đã gói 300-500 cái bánh chưng hàng năm để giúp đỡ những người nghèo, những người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa.

là một người phụ nữ luôn chu toàn, quán xuyến và tham gia tích cực công việc từ gia đình đến xã hội. Bà cũng luôn động viên chồng rằng thương binh tàn nhưng không phế để dạy con cháu trưởng thành. Bản thân bà dù đã gần 80 tuổi, làm được rất nhiều việc và được ghi nhận nhưng bà vẫn tự cho rằng mình cần phải học nhiều hơn nữa về phong cách của Hồ Chủ tịch để có những kiến thức phục vụ cho xã hội và thực hiện lời Bác dạy "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên" .

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ