(Tổ Quốc) - Dịch vụ công thứ 1.000 được Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức công bố sáng 19/8 sẽ giúp cho người dân: kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô bằng hình thức trực tuyến.
Hướng đến mục tiêu cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân, DN
Sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Tại buổi lễ này, Văn phòng Chính phủ đã chính thức công bố tiếp tục tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, DN quan tâm. Cụ thể là dịch vụ công thứ 1.000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để đưa 3 dịch vụ công này tích hợp trên Cổng DVCQG là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công an, Giao thông vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn VNPT.
Nỗ lực này nhằm mục tiêu cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân, DN, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, thông qua đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không phụ thuộc thời gian, không phụ thuộc vị trí địa lý. Người dân, DN chỉ cần ngồi một chỗ đăng nhập một lần trên Cổng DVCQG để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
"Dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ rất quan trọng và rất khó bởi lần đầu tiên triển khai và phải cấu trúc lại quy trình thủ tục. Dịch vụ công này được vận hành chính là sản phẩm thay đổi tư duy, cách quản lý, là hành động cụ thể phục vụ người dân, DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho hay đây cũng là mong mỏi rất lớn của người dân, doanh nghiệp khi dịch vụ này được triển khai.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.
"Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ngồi nhà để kê khai, nộp phí trước bạ, đăng ký ô tô
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, đây là 3 dịch vụ được người dân, DN quan tâm nên sẽ có lượng người sử dụng lớn. Việc đưa 3 dịch vụ công này tích hợp vào Cổng DVQG sẽ tạo thuận lợi về TTHC, giảm chi phí, giảm thời gian cho người dân, DN.
Khi dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến được tích hợp trên Cổng DVCQG, người dân, DN không cần đến gặp cơ quan hành chính Nhà nước, mà thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng thủ tục sẽ hết sức rút gọn. Người dân, DN có thể ngồi một chỗ để nộp thuế trước bạ, thực hiện đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, đến thời điểm này đơn vị đã sẵn sàng để kết nối với Cổng DVCQG. Theo dự kiến, từ thời điểm khai trương, dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến được thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TPHCM.
"Từ tháng 11 tới sẽ triển khai toàn quốc việc thực hiện cấp đăng ký, biển số xe đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu chưa qua sử dụng" - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay.
Tính đến ngày 18/8/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 227 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4 nghìn hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thanh toán trực tuyến mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4 nghìn giao dịch.