(Tổ Quốc) - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho rằng nguyên nhân nước thải chảy ra biển là do toàn bộ hệ thống cống xả thải đã xuống cấp và quá tải…
- 02.08.2017 Bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng bị đe dọa bởi ô nhiễm từ các cống xả thải
- 06.08.2017 Sở Xây dựng Đà Nẵng nói gì về “bãi biển đẹp nhất bị đe dọa bởi ô nhiễm"?
- 12.08.2017 Đà Nẵng yêu cầu xử lý nước thải tràn ra biển
- 12.08.2017 Phát hiện hai công trình xây dựng khách sạn xả thải ra môi trường
- 15.08.2017 Đà Nẵng đầu tư tiền tỷ cải tạo cửa xả gây ô nhiễm biển
- 18.08.2017 Phạt nhà thầu công trình khách sạn vì xả thải ra môi trường
Chiều 28/8, tại buổi giao ban báo chí 8 tháng đầu năm, nói vế vấn đề bãi biển Đà Nẵng bị đe dọa ô nhiễm từ các cống xả thải (Báo điện tử Tổ Quốc đã có nhiều tin bài phản ánh), ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng đây là một vấn đề nhức nhối.
Theo “tư lệnh” ngành môi trường, hiện nay trên thế giới có nhiều nước hệ thống thoát nước mưa chảy thẳng ra biển, Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoại lệ.
Tuy nhiên, ở Đà Nẵng hiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải đang dùng chung, chưa tách riêng. Ở các nước tiên tiến họ đã tách riêng, nước mưa được xem là nước sạch, đổ ra biển, còn nước thải phải qua xử lý mới chảy ra biển.
Cống xả thải ra biển, bốc mùi hôi thối. (Ảnh chụp vào cuối tháng 7/2017) |
Ông Nam thông tin, hiện tuyến ven biển từ quận Liên Chiểu về tới quận Hải Châu (đoạn tới cầu Thuận Phước) chúng ta có 29 cửa xả ra biển. Đối với khu vực phía Đông (bao gồm bờ biển từ quận Sơn Trà về quận Ngũ Hành Sơn) có 15 cửa xả ra biển.
Đối với khu vực Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, như báo chí phản ánh, hiện có hai vấn đề nhức nhối là cửa Mỹ An và cửa Mỹ Khê. Ông Nam cho rằng, khi trời không mưa mà nước vẫn chảy ra biển thì ô nhiễm rồi, nước đen ngòm.
“Nguyên nhân là toàn bộ hệ thống đã xuống cấp và quá tải. Tuy nhiên, do phát triển đô thị, đặc biệt, trong thời gian vừa qua một số công trình cao tầng thi công có sử dụng công trình ngầm, nên mùa nắng nước vẫn chảy ra biển chứ không phải đến mùa mưa. Đây là một vấn đề nhức nhối”, ông Nam cho biết.
“Tư lệnh” ngành môi trường Đà Nẵng cho biết, hiện nay các giải pháp khắc phục mà Công ty xử lý nước thải Đà Nẵng đang làm là thủ công và chỉ là những giải pháp tạm thời chứ không phải lâu dài.
Ông Lê Quang Nam (ngoài cùng bên trái) trong một lần đi cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh kiểm tra ô nhiễm ở bãi biển Mỹ Khê. |
UBND thành phố cũng đã phê duyệt nâng cấp lại đường ống xả thải, đầu tư xây dựng, tính toán lại lưu lượng thải…để đáp ứng vấn đề thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, những vấn đề này nếu có hoàn thành nhanh thì cũng phải tới năm 2019, còn trong thời gian đến, chúng ta phải chấp nhận hiện tượng nước chảy ra biển.
“Ngày hôm qua (27/8), Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã đi kiểm tra và giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu một hệ thống cống dẫn dòng từ cửa xả của cống ra biển, ống chìm hay ống hở như thế nào đó để đảm bảo không chảy xé toặc bờ cát nữa…”, ông Nam cho biết.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh trước đó, bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng bị đe dọa bởi ô nhiễm, mùi hôi thối…của các cống xả thải, trong đó cửa xả Mỹ An ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Nhiều du khách khi tới gần khu vực cửa xả này phải bịt mũi vì mùi hôi, họ bỏ đi nơi khác vui chơi và tắm biển.
Sau đó, chính quyền Đà Nẵng yêu cầu các sở ban ngành liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý. Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đi kiểm tra đã phát hiện 3 công trình xây dựng khách sạn đang thi công tầng ngầm và có bơm nước từ tầng ngầm xả vào hệ thống xả thải của thành phố.