(Tổ Quốc) - Người dân thôn Nam Phước, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh về tình trạng xuất hiện mùi hôi thối ở mương nước trong khu vực dân cư, nguyên nhân được cho là xuất phát từ nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn.
Nước thải bẩn từ khu nhà máy nước sạch?
Thời gian vừa qua, Báo điện tử Tổ Quốc nhận được phản ánh của người dân thôn Nam Phước, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế về tình trạng xuất hiện mùi hôi thối ở mương nước trong khu vực dân cư gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Người dân cho rằng, dòng nước hôi thối chảy qua mương này là xuất phát từ một nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn?
Có mặt tại thôn Nam Phước, bà Đoàn Thị Màng (SN 1956 – một hộ dân bị ảnh hưởng) dẫn chúng tôi ra mương nước nằm ngay sát nhà mình để ghi nhận thực tế. Theo đó, con mương đất này rộng khoảng nửa mét, cây dại bao phủ hai bên bờ, có nhiều đoạn bị sạt lở lấn sang đất vườn của bà Màng.
Bà Màng tỏ ra bức xúc, giờ này buổi trưa nhà máy không xả nhưng vào ban đêm khoảng 10 giờ tối, nhà máy này thường xả nước khối lượng lớn nghe như tiếng nước lũ, chảy thẳng ra sông Truồi ở gần đó.
Không chỉ chảy với khối lượng lớn, theo bà Màng, mùi nước xả từ con mương này còn có mùi hôi giống mùi xác động vật chết khiến gia đình bà và một số hộ dân khác phải khổ sở nhiều tháng nay.
"Mới đây, nhà máy có làm thêm cái bể, mùi có đỡ nhưng vẫn hôi, người đến nhà chơi còn hôi chịu không nổi huống hồ mình ở đây…", bà Màng nói.
Lần theo mương nước này, chúng tôi tiến vào khu vực gần Nhà máy nước sạch Lộc An. Tại đây là một bể lắng dấu hiệu mới thi công và nhiều công nhân đang làm việc gần đó. Theo ghi nhân, thời điểm lúc ấy dù nhà máy không tiến hành xả nước nhưng khu vực này vẫn có mùi hôi thối.
Mặc dù là nhà máy nước sạch nhưng bằng mắt thường có thể thấy, trong khuôn viên đất của nhà máy lại xuất hiện nhiều khu nhà màng với một quy mô lớn chiếm đa số diện tích.
Phía sau hệ thống nhà màng này là một rãnh thoát nước sẫm màu. Lượng nước từ rãnh này chảy ra hồ nước nói trên rồi chảy theo mương nước cạnh nhà bà Màng và đổ ra sông Truồi.
Ông Đường Minh Tám - Trưởng thôn Nam Phước, xã Lộc An xác nhận, phía thôn có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này. Đồng thời thông tin, đã báo cáo với UBND xã để có ý kiến đề nghị nhà máy kiểm tra, xử lý, tránh việc xả thải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Dự án trái phép trên đất quy hoạch?
Theo tìm hiểu, năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của bà con nông thôn ở xã Lộc An và các xã lân cận, Nhà máy nước sạch Lộc An được khánh thành.
Nhà máy hiện tại thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (thời điểm khánh thành nhà máy là Công ty TNHH nhà nước một thành viên xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế). Với công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm, đây là nhà máy nước sạch có công suất cấp nước lớn nhất khu vực nông thôn bấy giờ.
Liên quan đến vấn đề mà người dân thôn Nam Phước phản ánh, làm việc với PV, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, phía Công ty đã cử người về nhà máy để kiểm tra, nắm tình hình.
Qua kiểm tra, ông Tuấn cho hay, mương nước này là đường dẫn nước thải sau khi tiến hành xả nước lọc bể của nhà máy hàng ngày. Lý giải về việc nước có mùi hôi, ông Tuấn cho rằng, có thể trong quá trình lọc bể khiến bùn lắng bị khuấy lên hòa vào nước nên có mùi.
Trước những hình ảnh của PV về ống nước phía sau hệ thống nhà màng trong khuôn viên của Nhà máy nước sạch Lộc An, ông Tuấn thông thông tin thêm, đây là một phần các hạng mục trong Dự án đầu tư nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch mà đơn vị đang thực hiện.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế khẳng định, nông sản trồng trong nhà màng của đơn vị cách ly hoàn toàn môi trường bên ngoài và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật khép kín, tự động, đồng bộ. Một lãnh đạo khác cho rằng, dòng nước sẫm màu chảy ra ở ống nước là nước rỉ ra từ ngọn núi cạnh đó (?!)
Tại buổi làm việc, PV đã đề nghị được tiếp cận các giấy tờ thủ tục hợp pháp của dự án này. Tuy nhiên, điều này đã không được đáp ứng vào thời điểm đó. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế thừa nhận, dự án hiện đang vướng phải đất quy hoạch, từ đất chuyển đổi quy hoạch cấp nước chưa sử dụng sang đất nông nghiệp. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện dự án, công ty cũng đang làm việc với các cơ quan ban ngành để hoàn thiện các thủ liên quan nhưng chưa được vì quá phức tạp.
"Chúng tôi cam kết nếu như sau này có nhu cầu triển khai, phát triển các dự án cung cấp nước sạch, đất này sẽ đảm bảo ưu tiên cho cấp nước. Toàn bộ dự án nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ được di dời mà không phải đền bù", lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án đầu tư nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch Lộc An với diện tích diện tích gần 20.000 m2. Đây là một mô hình nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.
Liên quan đến dự án này, ngày 27/9/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện. Văn bản này nhấn mạnh "Trong thời gian chưa thực hiện dự án, Công ty triển khai thực hiện dự án nông nghiệp sạch theo các quy định pháp luật".
Tuy nhiên, người dân sống xung quanh cho biết, dự án này đã được triển khai từ cuối năm 2018, đến thời điểm hiện tại, đã cho thu hoạch 1 mùa và công nhân đang tiến hành trồng mùa vụ thứ 2 tại các nhà đã thu hoạch, cũng như mở rộng ươm, trồng thêm. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng dự án này đang "cầm đèn chạy trước ô tô"?
Ở một động thái khác, ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, liên quan đến những phản ánh của người dân, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở cử người về kiểm tra việc xả nước tại đơn vị này.