(Tổ Quốc) - Châu Âu đe doạ giáng đòn đáp trả vào các sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ quần bò, xe máy và rượu whiskey.
Bloomberg đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “mở đường” cho một cuộc chiến tranh thương mại sau khi quyết định áp dụng mức thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu, thách thức các nước khác trả đũa và khiến Liên minh châu Âu đe doạ sẽ nhắm tới các thương hiệu hàng đầu của Mỹ.
Không lâu sau khi ông Trump viết trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại cũng tốt, và dễ dàng để chiến thắng”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, khối này đang chuẩn bị đòn đáp trả mạnh mẽ vào các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như xe máy Harley-Davidson Inc., quần bò Levi Strauss & Co. và rượu bourbon whiskey…
Tuyên bố của ông Juncker càng làm tăng viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cảnh báo khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang “là thật”; còn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các sự hạn chế gần như chắc chắn sẽ gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế Mỹ và thế giới.
Tổng thống Trump đang phải đối mặt với sự giận dữ của các nhà sản xuất và đối tác thương mại trên toàn châu Á và châu Âu, sau khi công bố mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với thép và nhôm nhập khẩu “trong một thời gian dài”. Hôm 2/3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilber Ross phát biểu, ngài Tổng thống đã chọn áp dụng thuế lên tất cả các quốc gia. Điều này khiến một số nước đang vận động được miễn trừ, như Australia, bị dập tắt hy vọng.
Trong một bài tweet vào buổi sáng cùng ngày, ông Trump cảnh báo, sẽ có thêm các động thái thương mại và gọi đó là các mức thuế “có đi có lại” – một thuật ngữ ông đã dùng, để áp thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu từ các nước hiện đang áp thuế cao hơn lên hàng hoá Mỹ, so với mức thuế mà Mỹ đang thực thi.
“Chúng ta sẽ bắt đầu CÁC MỨC THUẾ CÓ ĐI CÓ LẠI để chúng ta có thể thực thi các mức thuế giống với những gì họ đang áp cho chúng ta. 800 tỷ USD thâm hụt thương mại – không còn lựa chọn nào khác!”, ông Trump viết trên Twitter.
Lập trường cứng rắn của Washington làm dấy lên những lo ngại về các hành động trả đũa thương mại và làn sóng giận dữ của các nhà đầu tư. Sau khi quyết định áp thuế khiến các thị trường toàn cầu đồng loạt phản ứng, bản thân chứng khoán Mỹ cũng bị tụt hơn 1% vào hôm 2/3.
Mức thuế dự kiến được dựa trên nền tảng là, các kim loại nhập khẩu giá thấp làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả các nhà sản xuất nội địa và an ninh quốc gia Mỹ. Giờ đây nó đang khiến các nhà phân tích lo ngại về những hành động trả đũa lên hàng hoá Mỹ xuất khẩu và mức giá cao hơn cho người tiêu dùng nước này. Bloomberg nhận định, trong khi các ảnh hưởng trên thực tế có thể không xấu như dự đoán thì môi trường chính trị liên quan tới thương mại toàn cầu đang ngày càng xấu đi.
Một bài nghiên cứu của Goldman Sách Group, Inc. cảnh báo, những gì ông Trump làm, có thể “dẫn tới việc các đối tác thương mại khác đưa ra những hành động tương tự và có thể làm yếu đi các điều lệ thương mại quốc tế, như các quy định của WTO nói chung”.
Ông Trump đã chính thức châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu? |
EU đang chuẩn bị đáp trả một số hàng hoá xuất đi từ Mỹ theo một cách có thể tối đa hoá áp lực lên các nhà lãnh đạo Mỹ. Harley-Davidson có trụ sở tại bang Wiscosin, quê hương của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan; trong khi whiskey bourbon đến từ bang Kentucky, nơi Lãnh đạo đa số Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell – đại diện. Còn trụ sở của Levi Strauss đặt tại San Francisco, thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi.
Tuy nhiên, phản ứng chính thức từ Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đồng thời là mục tiêu chính của mức thuế quan “trên trời” mà ông Trump đưa ra – lại khá bình tĩnh. Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 2/3, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Óanh cho biết, Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân theo các quy định thương mại.
Trong khi đó, những người trong ngành tỏ ra thiếu kiềm chế hơn. Wen Xianjun, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp kim loại màu Trung Quốc tuyên bố, các biện pháp của Mỹ “làm đảo ngược trật tự thương mại quốc tế”. “Các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa tương quan,” Wen nói.
Còn Li Xinchuang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, gọi hành động của Mỹ là “ngu ngốc”.
Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào cao lương, và đang xem xét hạn chế nhập khẩu đậu nành – đều từ Mỹ. Cả hai sản phẩm có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hỗ trợ của ông Trump dành cho một số bang mạnh về nông nghiệp tại Mỹ.
Trong lúc này, những đồng minh của Mỹ cũng đang tỏ ra khá bối rối và lo lắng trước việc các ngành công nghiệp của mình đang bị đe doạ. Một số nước bắt đầu chỉ trích ý tưởng cho rằng, nhập khẩu kim loại có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
“Nhập khẩu thép và nhôm từ Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ, không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko phát biểu trước các phóng viên tại Tokyo. “Nếu cơ cơ hội, tôi muốn chuyển lời này tới Mỹ”.
Theo Alex Wolf, chuyên gia kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi tại Quỹ đầu tư Aberdeen Standar ở Hong Kong, ảnh hưởng từ động thái của ông Trump nằm ở chỗ, nước nào sẽ bị tác động. “Cho tới khi chúng ta nhìn thấy phạm vi cuối cùng của các mức thuế và phản ứng của các đối tác thương mại toàn cầu, khó có thể nói đó là sự bắt đầu của một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng,” ông Wolf phân tích.