• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ truyện tranh thế giới tới truyện tranh Việt Nam

31/05/2011 18:33

(Toquoc)- Truyện tranh Việt Nam dù đã xuất hiện từ lâu nhưng ít được biết đến, trong khi nhiều nước trên thế giới truyện tranh được ra đời như một sản phẩm công nghiệp với mức lợi nhuận khổng lồ. Vậy, truyện tranh Việt Nam nên đi tiếp như thế nào để có thể tìm được lợi thế cho mình?

(Toquoc)- Truyện tranh Việt Nam dù đã xuất hiện từ lâu nhưng ít được biết đến, trong khi nhiều nước trên thế giới truyện tranh được ra đời như một sản phẩm công nghiệp với mức lợi nhuận khổng lồ. Vậy, truyện tranh Việt Nam nên đi tiếp như thế nào để có thể tìm được lợi thế cho mình?


Truyện tranh thế giới

Sáng 31/5 tại Nhà xuất bản Kim Đồng đã diễn ra Hội thảo: “Truyện tranh - Triển vọng và thách thức” với nhiều câu hỏi thiết thực được đặt ra cho nền truyện tranh Việt Nam. Buổi hội thảo có khá nhiều đại diện của các nhà xuất bản Việt Nam cùng với nhóm tác giả truyện tranh của Bỉ. Theo như các nhà văn Bỉ cung cấp thông tin thì hiện nay trên thế giới có 3 trường phái (dòng) lớn về truyện tranh: đó là truyện tranh Dessinees, truyện tranh Comic và truyện tranh Manga.

Truyện tranh Dessinees của Pháp, Bỉ (mới đây có thêm Canada), truyện tranh Comic của Mĩ và truyện tranh Manga của Nhật Bản. Với mỗi trường phái có những khác biệt và mức độ ảnh hưởng trên thế giới rõ rệt.

Tại Pháp, Bỉ, truyện tranh Dessinees là một ấn phẩm được công chúng chờ đợi và đánh giá cao. Quan niệm truyện tranh không chỉ giới hạn ở giải trí và dành cho trẻ em mà truyện tranh còn dành cho người lớn và đề cập đến tất cả các mặt của đời sống. Để hoàn thành một cuốn truyện tranh, với dòng Dessinees phải mất một năm, khá lâu so với hai dòng truyện tranh còn lại. Thường một nhóm tác giả thực hiện gồm 2-3 người. Trong đó 1 người là tác giả phần lời, và số còn lại là tác giả phần tranh. Tranh minh hoạ trên bìa phải độc đáo, bắt mắt là điều không thể thiếu nhưng các trang bên trong cũng được tô màu cẩn thận và khá trau chuốt. Số trang của ấn phẩm có độ dài từ 48-56, khổ to và giá từ 9-15 euro. Nhóm tác giả được giữ bản quyền, khi nào chuyển thể dưới bất cứ hình thức nào phải có sự đồng ý của tác giả. Đây là điều rất khác với dòng Comic của Mĩ, bởi vấn đề tác quyền ở Mĩ thuộc về nhà xuất bản. Nhà xuất bản có thể sử dụng hình ảnh của nhân vật truyện tranh với nhiều mục đích thương mại và xã hội khác nhau. Nhóm tác giả thực hiện thường có 5 người và số trang chỉ dừng ở mức 22. Do đó tốc độ ra mắt một cuốn sách cũng nhanh hơn dòng Dessinees gấp 12 lần, tức chỉ 1 tháng. Giá thành ấn phẩm cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ 3 euro. Và cứ 6 tháng đến 1 năm thì các nhà xuất bản lại cho in một tuyển tập. Dòng Manga của Nhật Bản ra đời cũng khá bài bản, với nhóm tác giả 5 người nhưng bên cạnh đó luôn luôn có một nhà xuất bản thường xuyên trao đổi và hỗ trợ tác giả tối đa về mọi mặt. Tác giả vẫn được giữ tác quyền. Cuốn sách có độ dài gần 200 trang và chỉ nửa tháng là hoàn thành, nhanh hơn dòng Comic một nửa thời gian và hơn dòng Dessinees 24 lần. Trừ trang bìa được tô màu, còn lại các trang bên trong thường là đen trắng. Giá thành của dòng Manga được dao động trong khoảng 3-20 euro. Vì tốc độ ra đời của dòng Manga rất nhanh nên không được coi trọng. Họ có thể đọc trong các chuyến tàu điện ngầm rồi vứt vào sọt rác. Mặc dù Manga mang tính đại trà nhưng trong khoảng 30 năm nó đã chiếm lĩnh toàn thế giới.

Hiệu ứng của những dòng truyện tranh trên không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn học mà còn lan toả sang các lĩnh vực khác phục vụ cho thiếu nhi, như chuyển thể sang phim hoạt hình, điện ảnh và trên các sản phẩm dành cho trẻ em: cặp sách, giầy dép, bút, đồ chơi, vật dụng… Hiệu ứng của phim hoạt hình dòng Manga của Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho sự chinh phục độc giả của các nước châu Âu. Các nước châu Âu của dòng Dessinees kể trên được tiếp cận Manga từ phim hoạt hình, sau đó mới đến truyện tranh. Bởi thói quen chờ đợi trong vòng một năm mới có một cuốn sách tiếp theo thì Manga lại ra mắt nhanh hơn gấp 24 lần, khổ bé và in đen trắng khiến họ khó chấp nhận. Sự đối lập với truyện tranh bản địa không thể dễ dành chinh phục và làm thay đổi thói quen đọc sách của châu Âu. Với nhận định đó, phim hoạt hình của Manga đã đi trước một bước và tạo hình ảnh quen thuộc với công chúng châu Âu. Và đúng như mong đợi, sau một thời gian, Manga đã chiếm lĩnh được thị trường châu Âu. Đây có lẽ là một cách tiếp cận vừa thận trọng vừa tỉnh táo của những đối tác mà Việt Nam cần nhìn nhận và học tập để có thể đưa truyện tranh Việt Nam sang nước ngoài.

Theo ý kiến của ông Stephen Desberg - một trong những tác giả kịch bản truyện tranh người Bỉ thì ngoài 3 trường phái (dòng) trên thì ông còn thấy nét khác biệt của truyện tranh Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt này chưa trở thành một trường phái nhất định. Và để trường phái này được công nhận trên thế giới thì còn nhiều yếu tố, nhất là với Việt Nam.

Hướng đi nào cho truyện tranh Việt Nam?

Truyện tranh Việt Nam thường xuất hiện nhỏ, lẻ và mang tính tĩnh. Phần nhiều được chuyển thể từ các câu chuyện cổ tích và các danh nhân mà nhiều người đã biết. Vì thế, nội dung được quan tâm hơn cả là phần tranh và phần lời rút gọn. Phần lời, nếu như để các nhà văn đảm trách thì có thể yên tâm, còn nếu để cho đội ngũ không chuyên thì chúng ta cũng đã vấp phải không ít những phàn nàn không đáng có. Với phần tranh, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ chúng ta đã có nhiều tranh đẹp, hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể tạo ra một dòng chung thể hiện rõ nét thì chúng ta chưa làm được. Nghĩa là, với mỗi câu chuyện khác nhau, mỗi một hoạ sĩ khác nhau thì phần tranh cũng được thể hiện khác nhau. Đến khi nào mà chỉ nhìn vào phần tranh, chưa cần đọc nội dung và xem tên tác giả mà độc giả đã nhận ra truyện tranh Việt Nam thì lúc đó truyện tranh Việt Nam đã tạo lập được chỗ đứng của mình. Ví dụ như ở các nước châu Âu, họ có 4 cách vẽ tranh: Đường nét rõ ràng, Ít đường nét nhất, Phiêu lưu hình sự và Hiện đại. Có lẽ đã đến lúc các tác giả truyện tranh Việt Nam cần phải khái quát cách thể hiện truyện tranh của mình đã làm từ trước đến nay bằng một tên gọi nhất định, hoặc chưa thể gọi được thì cần định hướng rõ ràng hơn. Nếu không, số truyện tranh Việt Nam bị ảnh hưởng truyện tranh Nhật Bản sẽ còn tiếp tục.

Sở dĩ nói truyện tranh Việt Nam mang tính tĩnh, vì ngay cả những bộ truyện cổ tích, thần thoại hay danh nhân đã và đang xuất hiện thì mỗi tập có tính độc lập. Độc giả không cần theo dõi liên tục, liền mạch của các cuốn sách mà có thể đọc từng quyển riêng lẻ, không theo thứ tự. Ngay cả những bộ truyện có tính riêng lẻ thì nhiều nước có nền truyện tranh phát triển họ vẫn xoay quanh một nhân vật với số tập rất dài, thể hiện vốn sáng tác dồi dào. Chúng ta gần như chưa có truyện tranh mà độc giả phải chờ đợi từng ngày, từng giờ, từng phút để được sở hữu một tập truyện mới trong sự hồi hộp, háo hức theo dõi diễn biến câu chuỵên. Hơn thế, truyện tranh Việt Nam dài tập thì số tập cũng không đồ sộ như những bộ Manga của Nhật Bản.

Chia sẻ một số kinh nghiệm cho các nhà văn viết truyện tranh Việt Nam, các nhà văn Bỉ cho rằng, cái quan trọng nhất, là nhà văn phải sáng tạo ra được nhân vật truyện tranh hấp dẫn. Nhân vật đó phù hợp với với văn hoá, với phong tục tập quán của từng đất nước và đặc biệt phù hợp với thiếu nhi. Ví dụ như mèo Tom và chuột Jery, Đoremon, chuột Mickey… dù được ra đời trong bối cảnh khác nhau về thời gian và đất nước nhưng vì phù hợp với thiếu nhi nên đã vượt qua mọi biên giới, trở nên thân thuộc với thiếu nhi.

Ở các nước châu Âu, truyện tranh đã phát triển tới mức dành cho cả người lớn, vậy thì điều này có đúng và phù hợp với Việt Nam không? Câu trả lời là không.

Theo nhà văn Bỉ Stephen Desberg, Việt Nam nên chú trọng phát triển truyện tranh dành cho trẻ em trước. Những bộ truyện tranh hay đến với mỗi đứa trẻ như một món quà và chúng sẽ nhớ lâu. Đến khi trở thành người lớn, họ sẽ tìm cho con em mình đọc và họ cũng được đọc lại. Như vậy, dần dần truyện tranh sẽ tạo thành thói quen, sở thích của nhiều thế hệ và đến một lúc nào đó thật phát triển, trở thành nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả thì truyện tranh sẽ “lấn sân”.

Truyện tranh của Việt Nam cũng nên xuất bản ở dạng khổ nhỏ, dễ cầm, dễ mang vào cặp sách và dễ đọc ở nhiều nơi.

Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng nên chú trọng hơn nữa về mặt quảng bá, tìm hiểu thêm những hiệu ứng tích cực từ các nhân vật truyện tranh. Chẳng hạn như ở Việt Nam có tác phẩm nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, đã có nhiều dạng ấn phẩm về tác phẩm này, từ chuyển thể thành truyện tranh khổ bé, khổ lớn… vậy thì tại sao chúng ta không viết tiếp, không phát triển câu chuyện của chú Dế mèn ấy? Trong các hoạt động văn học thiếu nhi, các chương trình truyền hình tại sao không để hình tượng Dế mèn xuất hiện rộng khắp? Gợi ý này của báo Tổ Quốc điện tử xin dành cho Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị đã và đang khai thác rất thành công cuốn sách này cũng như tất cả những ai quan tâm đến truyện tranh Việt Nam. Bởi điều đó xuất phát từ mong muốn làm thế nào để truyện tranh Việt Nam phát triển hơn nữa.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ